Vượt Bill Gates, nhà tài phiệt Ấn Độ Gautam Adani trở thành người giàu thứ 4 thế giới
Tuần trước, tỷ phú Microsoft Bill Gates tuyên bố sẽ quyên góp 20 tỷ USD cho quỹ Bill & Melinda Gates trong tháng này như một phần nỗ lực tăng 50% số tiền quyên góp hàng năm vào năm 2026.
Sự thay đổi trong khối tài sản của Bill Gates sau khoản quyên góp này đã giúp tỷ phú Adani nhảy lên vị trí thứ 4 trong bảng xếp hạng tỷ phú của Forbes.
Tỷ phú Adani hiện là một ông trùm cơ sở hạ tầng, sở hữu cổ phần trong 6 công ty giao dịch công khai mang tên ông, hoạt động trong lĩnh vực điện, năng lượng xanh, khí đốt, cảng và nhiều mảng khác. Tài sản của nhà tài phiệt Ấn Độ đã tăng hơn gấp đôi kể từ năm 2021 lên 112,9 tỷ USD hiện tại.
Hồi tháng 2, ông Adani đã vượt qua một tỷ phú Ấn Độ khác là ông Mukesh Ambani để trở thành người giàu nhất châu Á. Khối tài sản của tỷ phú Adani trị giá 90,1 tỷ USD vào thời điểm đó, xếp thứ 10 trên thế giới.
Tương tự như Bill Gates, tỷ phú Adani cũng từng bỏ học và mở một công ty xuất khẩu hàng hóa vào năm 1988. Lần đầu tiên ông xuất hiện trong danh sách các tỷ phú thế giới của Forbes là vào năm 2008, với khối tài sản trị giá 9,3 tỷ USD. Vào tháng 6, ông và gia đình đã cam kết quyên góp 600 tỷ rupee (tương đương 7,7 tỷ USD) cho một loạt các hoạt động xã hội để đánh dấu sinh nhật lần thứ 60.
Sau khi quyên góp cho quỹ từ thiện, Bill Gates tụt một bậc trên bảng xếp hạng các tỷ phú thế giới của Forbes, xuống vị trí thứ 5, với trị giá tài sản ròng khoảng 102 tỷ USD tính đến cuối phiên giao dịch vào 14/7. Bill Gates nói với Forbes vào đầu tuần này rằng Quỹ Gates đang đẩy mạnh hoạt động quyên góp để góp phần giải quyết tình hình tồi tệ của thế giới gây ra bởi đại dịch Covid-19, suy thoái kinh tế và xung đột ở Ukraine.
Lần đầu tiên Bill Gates giành vị trí ngôi đầu trong danh sách các tỷ phú thế giới của Forbes là năm 1995 với khối tài sản 12,5 tỷ USD. Trong 13 năm kể từ giữa những năm 1990, người đồng sáng lập Microsoft giữ vững vị trí giàu nhất thế giới với khối tài sản ngày càng tăng, cho đến năm 2008 khi nhà đầu tư phố Wall Warren Buffett giành danh hiệu này trong vòng 1 năm.
Gates trở lại vị trí đầu bảng xếp hạng tỷ phú vào năm 2009, sau đó, nhường lại cho Carlos Slim của Mexico từ năm 2010 đến năm 2013. Năm 2014, ông lại đứng số 1 thế giới với khối tài sản trị giá 76 tỷ USD và giữ nguyên thứ hạng đó cho đến năm 2018, ông rớt xuống vị trí thứ 2 sau khi bị tỷ phú Amazon Jeff Bezos soán ngôi.
Từ năm 2021 đến 2022, cái tên Bill Gates ổn định ở vị trí thứ 4 trong danh sách Tỷ phú thế giới.
Vị tỷ phú đã bán phần lớn cổ phiếu Microsoft của mình trong những năm qua. Bắt đầu từ cuối những năm 1990, ông đã trao hàng chục tỷ USD cổ phiếu cho Quỹ Gates và các tổ chức từ thiện khác. Ông cũng bán một lượng khổng lồ cổ phiếu Microsoft và đa dạng hóa tài sản của mình. Tính đến tháng 3/2020, khi Gates từ chức hội đồng quản trị Microsoft, ông chỉ sở hữu khoảng 1,3% cổ phần của Microsoft - giảm so với mức gần 45% mà ông sở hữu trong công ty khi Microsoft IPO vào năm 1986.
Các tài sản thuộc sở hữu của Bill Gates hiện tại bao gồm hàng tỷ USD cổ phần trong công ty quản lý chất thải Republic Services, nhà sản xuất thiết bị nông nghiệp Deere & Co. và Đường sắt Quốc gia Canada. Ngoài ra, Bill Gates cũng là một trong những chủ đất lớn nhất ở Mỹ.
Bill Gates từng nói rằng ông có ý định rời danh sách tỷ phú của Forbes khi vẫn còn sống thông qua việc cho đi hầu hết khối tài sản của mình cho công tác từ thiện, cũng như sẵn sàng giao Quỹ Gates cho người khác.