Xuất khẩu thủy sản quý I tăng nhẹ, đạt gần 2 tỷ USD
Theo số liệu từ Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thuỷ sản (Vasep), trong tháng 3, kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản ước đạt trên 770 triệu USD, tăng nhẹ 1% so với cùng kỳ năm 2023.
Hoa Kỳ, Nhật Bản và Trung Quốc là top 3 thị trường nhập khẩu lớn nhất. Riêng kim ngạch tại Hoa Kỳ trong tháng 3 vẫn tăng 10% so với cùng kỳ, trong khi các thị trường khác đều giảm, cho thấy khả năng hồi phục của thị trường này ngày càng rõ rệt.
Trong đó riêng xuất khẩu tôm sang Mỹ trong quý I tăng 15%, cá ngừ, cá tra và cua ghẹ đều tăng mạnh từ 13-53%. Giá trung bình cá tra đang hồi phục so với mức thấp chạm đáy vào cuối năm, tới cuối tháng 2 ở mức 2,66 USD/kg. Giá tôm chân trắng cũng hồi phục nhẹ so với cuối năm 2023, nhưng vẫn ở mức thấp so với giá trung bình trong 5 năm qua.
Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) mới đây đã công bố kết quả cuối cùng cho đợt rà soát thuế chống bán phá giá lần thứ 19 (POR19) đối với mặt hàng cá tra phi lê đông lạnh của Việt Nam xuất khẩu sang Hoa Kỳ trong giai đoạn từ 1/8/2021 đến 31/7/2022. Mức thuế cuối cùng cho POR 19 đã được ấn định ở mức 0,18 USD/kg đối với 5 công ty. Kết quả này thấp hơn đáng kể so với những POR trước đó.
Cũng trong tháng 3 này, DOC Hoa Kỳ đã công bố thuế chống trợ cấp sơ bộ với tôm Việt Nam, Ấn Độ và Ecuador, theo đó mức thuế chung của Việt Nam thấp hơn đáng kể so với 2 nước còn lại.
Thị trường Trung Quốc trong tháng 3 giảm 11% so với cùng kỳ năm ngoái, chủ yếu giảm cá tra và các loại cá biển, trong khi đó tôm vẫn tăng trên 30%. Cá tra, tôm chân trắng, tôm hùm, cá cơm và cua là 5 loài thủy sản Việt Nam được xuất khẩu nhiều nhất sang Trung Quốc. Đặc biệt, tôm hùm và cua bứt phá mạnh mẽ trong quý I năm nay. Tôm hùm tăng gấp 11 lần, cua tăng gấp 7 lần so với quý I/2023.
Nước này đang siết chặt kiểm tra tôm nhập khẩu từ Ecuador, khiến cho nguồn cung từ nước này giảm, tạo ra dư địa cho tôm chân trắng của Việt Nam. Trong quý I, xuất khẩu tôm chân trắng sang Trung Quốc tăng gấp 2,5 lần so với cùng kỳ.
Không chỉ Trung Quốc, Hoa Kỳ tăng nhu cầu tôm, cua của Việt Nam, mà xuất khẩu 2 loài này sang Nhật Bản cũng có tín hiệu tích cực. Trong đó tôm chân trắng tăng 20%, cua tăng 23%.
Ngoài ra, cá tra Việt Nam ngày càng được ưa chuộng tại Nhật. Theo đó mặt hàng này đã tăng 25% trong quý đầu năm nay. Nhật Bản cũng nhắm tới thị trường Việt Nam gia công chế biến các mặt hàng hải sản như cá hồi, cá nục, cá saba… Gần đây, Nhật Bản tích cực tìm kiếm đối tác gia công chế biến sò điệp cho thị trường này, sau khi Trung Quốc – đối tác gia công sò điệp quan trọng của Nhật - đã cấm nhập khẩu thủy sản từ Nhật Bản.
Thị trường EU và Hàn Quốc vẫn chưa có tín hiệu hồi phục rõ nét với tôm và cá tra Việt Nam, nhưng cá ngừ đã tăng trưởng dương khi xuất sang EU tăng 27%, sang Hàn Quốc tăng 15%...Nhìn chung, xuất khẩu cá ngừ sang các thị trường chủ lực đều khá tích cực: sang Hoa Kỳ - thị trường lớn nhất – tăng 30%, sang Nhật Bản tăng 9%...
Mực, bạch tuộc sang Hàn Quốc vẫn tăng 16%, trong khi sang các thị trường chính khác như Hoa Kỳ giảm 3%, Nhật Bản giảm 21%...
Nhìn chung, kim ngạch xuất khẩu thủy sản của cả nước tính tới hết quý I ước đạt gần 2 tỷ USD, cao hơn 8% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong quý I, giá trung bình xuất khẩu các sản phẩm thủy sản nhìn chung có nhích hơn so với cuối năm 2023, nhưng vẫn ở mức thấp. Kỳ vọng sau các Hội chợ thủy sản Quốc tế tại Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản, đơn hàng cho các doanh nghiệp sẽ khởi sắc hơn và giá sẽ tốt dần lên.
Có thể có những cơ hội mới cho thủy sản Việt Nam khi tôm Ecuador và Ấn Độ đang bị cảnh báo về kháng sinh và vấn đề lao động. Tuy nhiên, những vấn đề mà ngành tôm Ấn Độ đang phải đối mặt như lao động, môi trường, kháng sinh cũng là bài học để các doanh nghiệp Việt Nam thận trọng và nghiêm túc tuân thủ các quy định của thị trường nhập khẩu, cũng như các quy định trong nước để tránh những rào cản và động thái bảo hộ của thị trường.
Tôm Ecuador đối mặt với nhiều khó khăn đầu năm nay
Những tháng đầu năm nay, trong khi “nín thở” chờ quyết định của Mỹ liên quan đến vụ kiện thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp, Ecuador tiếp tục phải rà soát và siết chặt quy định nội bộ về xuất khẩu tôm ngay khi Trung Quốc gửi thư cảnh báo về dư lượng chất sodium metabisulfite được tìm thấy trong một số đơn hàng.
Trung Quốc cũng tăng cường kiểm tra cảng với tôm Ecuador, đặc biệt là các quy định về nhãn mác và dư lượng chất sulfite. Thượng Hải, Thanh Đảo và Trạm Giang cũng tăng cường kiểm tra các lô hàng tôm. Kể từ ngày 12/3, Hải quan Trung Quốc chưa công khai bất kỳ thay đổi chính sách nào sắp tới.
Những cơ sở bị vướng quy định của Trung Quốc thuộc sở hữu của “ông lớn” ngành tôm Industrial Pesquera Santa Priscila. Một số công ty chịu tác động của sự việc lần này bao gồm Songa, Exportquilsa, và Grupo Diosmar’s Procamarones. Những công ty này đã gửi kế hoạch hành động và chờ đợi phía Trung Quốc rà soát, xác nhận và dỡ bỏ lệnh cấm.
Bên cạnh đó, đất nước Ecuador nói chung và ngành tôm nói riêng đang phải đối mặt với tình hình an ninh bất ổn, gây ảnh hưởng lớn tới sự phục hồi và tương lai của ngành.