Yuanta Việt Nam: Rủi ro vĩ mô ngắn hạn có xu hướng tăng, khó khăn về lao động và nguyên liệu đầu vào là rào cản hồi phục kinh tế
Trong báo cáo mới đây, Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam lưu ý các rủi ro vĩ mô trong ngắn hạn có xu hướng tăng lên gần đây. Các chuyên gia cho rằng lý do là các lo ngại về lạm phát cũng như tình hình địa chính trị thế giới. Tuy nhiên, lợi suất trái phiếu 10 năm tiếp tục duy trì ở mức thấp 2,3% phản ánh rủi ro thấp trong dài hạn.
Cụ thể, vấn đề thiếu lao động tiếp tục cải thiện nhưng chưa mạnh. Số việc làm đã tăng tháng thứ 3 liên tiếp nhưng vẫn với tốc độ tốc khiêm tốn do công nhân còn chưa từ quê quay lại làm việc.
Áp lực từ chi phí đầu vào tăng trở lại trong tháng 2. Thời gian giao hàng tiếp tục bị kéo dài đáng kể trong tháng 2 do thiếu nguyên vật liệu, thiếu nhân viên và khó khăn của khâu vận chuyển quốc tế. Các nhà sản xuất cho biết giá đầu vào đã tăng đáng kể trong tháng 2, một lý do khác là do giá dầu tăng mạnh. Điều này khiến các nhà sản xuất đã tăng giá bán đầu ra lần thứ 18 trong 18 tháng qua (tức trung bình 1 lần/tháng). Các doanh nghiệp tăng cường nhập hàng tồn kho dự trữ khiến lượng hàng tồn kho tăng nhanh nhất 10 tháng.
Ngoài ra công ty cũng cảnh báo trong bối cảnh xung đột Nga-Ukraine, rủi ro về giá nguyên vật liệu tăng do ảnh hưởng giá dầu và việc gián đoạn chuỗi cung ứng sẽ tạo áp lực lên lạm phát trong những tháng tới. Tuy nhiên, khối phân tích cho rằng Chính phủ sẽ có những biện pháp bình ổn giá xăng khi cần thiết cũng như điều tiết thị trường giúp giá cả ổn định và giữ tỷ lệ lạm phát dưới 4%.
Báo cáo cũng cho biết những động lực tăng trưởng trong thời gian tới thấy rõ hơn với nhu cầu tiêu dùng, dịch vụ du lịch, lữ hành tăng trưởng trở lại khi Việt Nam mở cửa bình thường trở lại với khách du lịch quốc tế.
Ngoài ra, Chính phủ đang đẩy nhanh các dự án đầu tư công, theo kế hoạch tháng 4 hoặc tháng 5 sẽ bắt đầu triển khai gói đầu tư công thuộc Chương trình 350.000 tỷ. Đây sẽ là động lực lớn cho tăng trưởng kinh tế trong thời gian tới.
Công ty cho rằng vấn đề địa chính trị Nga - Ukraine sẽ không ảnh hưởng quá lớn lên đà tăng trưởng kinh Việt Nam và dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2022 vẫn trong khoảng 6,39%.
Điểm qua tình hình kinh tế trong tháng 2 cho thấy đà hồi phục kinh tế đang khả quan. Mặc dù vốn đăng ký FDI 2 tháng đầu năm suy giảm nhẹ nhưng triển vọng tốt trong những tháng tới. Hoạt động xuất nhập khẩu và sản xuất công nghiệp duy trì đà tăng tốt so với cùng kỳ trong bối cảnh kỳ nghỉ Tết Nguyên đán năm nay dài hơn năm trước.
Điểm tích cực trong tháng 2 đối với hoạt động du lịch lữ hành là đã có sự tăng trưởng trở lại sau đà giảm gần 2 năm qua, điều này cũng hỗ trợ đà tăng trưởng cho tổng mức bán lẻ và dịch vụ tiêu dùng trong tháng 2.
Mặc dù số ca nhiễm COVID tăng đáng kể trong thời gian gần đây, nhưng không ảnh hưởng nhiều tới cuộc sống cũng như hoạt động sản xuất như trước đây.