Áp giá sàn vé máy bay: Hết thời săn vé 0 đồng?
Áp giá sàn để "cứu" hàng không
Cục Hàng không Việt Nam vừa có văn bản số 3737/CHK-TC về việc xây dựng dự thảo thông tư quy định khung giá dịch vụ vận chuyển hành khách trên các đường bay nội địa từ ngày 1/11/2021 đến hết ngày 31/10/2022 gửi Bộ Giao thông vận tải (GTVT).
Theo văn bản này, Cục Hàng không Việt Nam đề xuất thời gian áp dụng chính sách mức giá tối thiểu bằng 20% mức giá tối đa quy định là 12 tháng trên các đường bay nội địa.
Cụ thể, với các đường bay dưới 500 km, mức giá tối thiểu đề nghị áp dụng với nhóm đường bay phát triển kinh tế - xã hội là là 320.000 đồng/chiều/hành khách, tối đa là 1,6 triệu đồng vé/chiều, nhóm đường bay khác dưới 500 km, mức giá tối thiểu là 340.000 đồng, tối đa là 1,7 triệu đồng.
Đường bay từ 500 - 850 km trở lên, mức giá tối thiểu là 440.000 đồng và tối đa 2,2 triệu đồng. Đường bay từ 850 km đến dưới 1.000 km, mức giá tương ứng là 560.000 đồng và tối đa 2,79 triệu đồng. Đường bay từ 1.280 km trở lên, mức giá tối thiểu là 750.000 đồng, tối đa là 3,75 triệu đồng.
Nếu đề xuất được thông qua, sàn giá vé máy bay sẽ được thiết lập, xóa bỏ các loại vé 0 đồng, vé khuyến mại siêu rẻ.
Lý giải về đề xuất này, Cục Hàng không cho biết, giai đoạn từ đầu năm 2020 đến nay, ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 khiến sản lượng vận chuyển hàng không sụt giảm mạnh. Các hãng không khai thác toàn bộ các chuyến bay quốc tế, trong khi các chuyến nội địa cũng bị cắt giảm hoặc lượng khách giảm đáng kể.
Trong khi đó, các hãng hàng không vẫn phải duy trì đội máy bay với số lượng tương đương, thậm chí lớn hơn số lượng máy bay năm 2019. Doanh thu sụt giảm mạnh trong khi chi phí giảm không đồng đều với doanh thu dẫn đến các hãng hàng không bị đứt gãy dòng tiền thanh toán.
Đây là những nguyên nhân chính căn bản trực tiếp tác động xấu đến hiệu quả sản xuất kinh doanh vận chuyển hàng không gây nguy cơ đe dọa đến sự tồn tại của các hãng hàng không. Các hãng hàng không đã liên tục hạ giá bán, để tối đa hóa hiệu suất sử dụng ghế trên máy bay, tạo dòng tiền duy trì hoạt động kinh doanh.
Do đó, Cục Hàng không đề xuất áp giá sàn vé máy bay như một “chính sách áp dụng mang tính khẩn cấp, tạm thời nhằm giải quyết các khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19”.
Bộ GTVT sẽ đánh giá kỹ lưỡng
Trước đề xuất của Cục Hàng không Việt Nam, trong thông báo chiều 7/9 về đề xuất áp giá sàn với giá vé máy bay nội địa, Bộ GTVT cho rằng, đề xuất về áp giá sàn vé máy bay nội địa mới là phương án của Cục Hàng không, do đề xuất này tác động rất lớn, nên bộ sẽ đánh giá kỹ lưỡng với nhiều phương án khác nhau, lấy ý kiến rộng rãi trước khi quyết định.
Theo Bộ GTVT, đề xuất giá sàn vé máy bay của Cục Hàng không là triển khai các nhiệm vụ được Phó Thủ tướng Lê Minh Khái giao tại cuộc họp Ban chỉ đạo điều hành giá quý II/2021. Trong đó, Phó Thủ tướng giao Bộ GTVT quy định giá dịch vụ vận chuyển hàng không nội địa cho phù hợp với pháp luật về hàng không, pháp luật về giá, nhằm đảm bảo hài hòa lợi ích người tiêu dùng, đơn vị cung ứng dịch vụ và quyền lợi của Nhà nước.
Do đó, Cục Hàng không đã có báo cáo và đề xuất phương án khung giá vé máy bay nội địa gửi Bộ GTVT. Trong đó, Cục Hàng không đề xuất giá trần vé máy bay vẫn giữ mức hiện hành, nhưng bổ sung giá sàn bằng 20% giá trần, thấp nhất là 340.000 đồng/vé/chiều.
Bộ GTVT cho hay, giá sàn vé máy bay tác động rất lớn, nên bộ hết sức cẩn trọng, khách quan, có sự tính toán khoa học. Bộ sẽ xem xét, đánh giá kỹ lưỡng những quy định pháp luật liên quan, những tác động đến thị trường và người dân, quyền lợi của Nhà nước và quyền lợi hợp pháp của doanh nghiệp hàng không.
Bên cạnh đó, Bộ GTVT sẽ đánh giá kỹ lưỡng tác động, ảnh hưởng của dịch Covid-19 với toàn ngành hàng không trong giai đoạn vừa qua và giai đoạn tiếp theo.
Bộ GTVT khẳng định, đang chỉ đạo các cơ quan tham mưu nghiên cứu và đưa ra nhiều kịch bản, phương án khác nhau trong đó có đánh giá tác động cụ thể; tổ chức làm việc, xin ý kiến của các bộ ngành liên quan, các chuyên gia và người dân để xem xét, quyết định.
PGS.TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) cho rằng, luật về giá quy định đối với những thị trường vẫn còn các doanh nghiệp giữ vị trí thống lĩnh như thị trường hàng không hiện nay với 2 hãng Vietnam Airlines và VietJet Air chiếm thị phần hơn 50%, tức là chưa có cạnh tranh thực sự nên Nhà nước vẫn phải quy định giá trần và không quy định giá sàn.
"Nguyên nhân là vì nếu vượt giá trần sẽ bất lợi cho người tiêu dùng, còn doanh nghiệp muốn hạ giá như thế nào tùy doanh nghiệp, chỉ có lợi cho người tiêu dùng. Do vậy, đề xuất áp giá sàn là phi lý, không phù hợp với việc cạnh tranh theo thị trường", ông Long nhấn mạnh.
PGS.TS Ngô Trí Long cũng chia sẻ, trong giai đoạn hiện nay, khi các doanh nghiệp hàng không gặp khó khăn do Covid-19, việc áp giá sàn vừa không có lợi cho người tiêu dùng, vừa không khuyến khích cạnh tranh, vì một doanh nghiệp kinh doanh giỏi có thể hạ giá mà vẫn có lãi thì không nên hạn chế vì điều đó mang lại lợi ích cho người tiêu dùng.
Cũng cho ý kiến về vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Thiện Tống, nguyên Chủ nhiệm bộ môn Kỹ thuật hàng không, Đại học Bách Khoa TP.HCM nêu quan điểm: Việc áp giá sàn vé máy bay tuyến nội địa là không hợp lý, không phù hợp quy luật cung cầu của thị trường, khiến quyền lợi người dân sẽ bị ảnh hưởng.
"Khách bay trong nước sẽ không được hưởng các chuyến bay khuyến mãi có vé 0 đồng hoặc vài chục ngàn đồng mà các hãng đang áp dụng rộng rãi để giải quyết việc làm, cải thiện dòng tiền và tham gia kích cầu cho ngành du lịch...", PGS.TS Nguyễn Thiện Tống nói.