Bất động sản đón thêm tin tích cực: Quy hoạch loạt tỉnh, thành liên tiếp được phê duyệt
Kể từ cuối năm 2022 đến nay, Chính phủ đã vào cuộc và có hàng loạt chỉ đạo nhằm tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, trong đó có Nghị quyết số 33/NQ-CP về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn để thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững được ban hành ngày 11/3.
Một trong những mục tiêu hướng đến của Nghị quyết là đẩy mạnh phê duyệt quy hoạch, chấp thuận chủ trương đầu tư, lựa chọn chủ đầu tư và kịp thời giải quyết các thủ tục về đất đai, xây dựng của các dự án bất động sản để tăng nguồn cung cho thị trường.
TrongCông điện số 993 ngày 24/10, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các địa phương đẩy nhanh việc lập, phê duyệt các quy hoạch, nhất là quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị làm cơ sở để triển khai các dự án bất động sản, lưu ý bố trí các dự án nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân độc lập tại các vị trí phù hợp.
Đồng thời, các địa phương được yêu cầu sớm công khai danh mục dự án bất động sản phải lựa chọn chủ đầu tư theo hình thức đấu thầu để các doanh nghiệp có đầy đủ thông tin, chủ động nghiên cứu, đăng ký tham gia đầu tư một cách công khai, minh bạch…
Quy hoạch tỉnh là quy hoạch mang tính chất định hướng và có tầm nhìn dài hạn về phương hướng phát triển, tổ chức không gian hoạt động kinh tế - xã hội và phân bổ nguồn lực của địa phương. Trong đó sẽ có danh mục các dự án ưu tiên thực hiện thuộc các lĩnh vực khác nhau, chỉ tiêu sử dụng đất theo từng loại đất,… Quy hoạch này cũng là căn cứ lập, điều chỉnh quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn, quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành trên địa bàn tỉnh/thành phố.
Theo thống kê từ tháng 11 đến nay, Quy hoạch thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 của nhiều địa phương như TP Hải Phòng, TP Cần Thơ, TP Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Phú Thọ, Ninh Thuận, An Giang, Cà Mau, Bến Tre, Kon Tum…đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Trước đó, quy hoạch một số tỉnh như Khánh Hòa, Quảng Bình, Thái Nguyên…cũng đã được phê duyệt.
Nhiều địa phương sau đó đã tổ chức lễ công bố quy hoạch, đồng thời trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư.
Việc các quy hoạch được phê duyệt và hoạt động xúc tiến đầu tư được diễn ra được đánh giá là bước khởi đầu cho dòng đầu tư lớn trong nước và nước ngoài vào các địa phương, qua đó thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển. Đơn cử như Khánh Hòa thu hút được 116.500 tỷ đồng trong Hội nghị công bố quy hoạch và xúc tiến đầu tư năm 2023, Quảng Bình thu hút được hơn 112.000 tỷ đồng…
Thị trường đã qua giai đoạn khó khăn nhất
Báo cáo mới đây của Bộ Xây dựng cho biết tình hình thị trường bất động sản trong quý III đã có những tín hiệu tích cực hơn so với nửa đầu năm. Những nỗ lực từ nhiều phía (Chính phủ, các bộ ngành, hệ thống ngân hàng, bản thân doanh nghiệp, môi giới...) đã góp phần hướng thị trường bất động sản vận động tích cực hơn.
Tuy thị trường chưa đủ lực để có thể “vượt dốc” nhưng cơ bản đã thoát khỏi nguy cơ khó kiểm soát và đang lấy lại đà. Các cơ chế, chính sách thúc đẩy cho thị trường đã bắt đầu có dấu hiệu được hấp thụ. Lượng giao dịch trên toàn thị trường bắt đầu tăng dần theo thời gian.
Thị trường bắt đầu xuất hiện nhiều điểm sáng hơn trong bức tranh tổng thể. Đó là những địa phương có kinh tế phát triển, được quan tâm, chú trọng thúc đẩy đầu tư hạ tầng, giao thông, có nhiều nguồn cung phù hợp với nhu cầu như Hà Nội, Hải Phòng, Lào Cai, Đà Nẵng, TP HCM... Các địa phương đều tích cực vào cuộc, chung tay gỡ rối cùng doanh nghiệp bất động sản như Hà Nội, Hải Dương, Đồng Nai...
Số lượng dự án nhà ở thương mại hoàn thành trong quý III tăng 300% so với quý II với 21 dự án nhà ở thương mại gồm 7.633 căn được hoàn thành.
Ngoài ra, Bộ Xây dựng cũng cho biết có 863 dự án với 442.453 căn đang được triển khai xây dựng. Số lượng căn hộ của các dự án đang triển khai xây dựng tăng gần 107% so với quý II. Miền Bắc có 366 dự án với 282.452 căn, tại miền Trung có 377 dự án với 90.856 căn, tại miền Nam có 120 dự án với 69.346 căn.
Nhiều doanh nghiệp đã thành công trong việc tái cơ cấu nợ, tái cơ cấu hoạt động kinh doanh và bắt đầu triển khai các dự án mới đã được tháo gỡ về pháp lý và nguồn vốn. Tuy nhiên, vẫn còn không ít chủ đầu tư tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức như việc gặp khó khăn về giao dịch, tiếp đến là khó khăn về pháp lý đất đai, và vẫn đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do ảnh hưởng áp lực thanh toán nợ trái phiếu đến hạn.
Liên quan đến kết quả gỡ vướng các dự án bất động sản, báo cáo mới nhất của Bộ Xây dựng cho thấy đến tháng 10, cả nước có 486 dự án bất động sản đã được gỡ vướng. Trong đó, TP HCM giải quyết được 67/180 dự án, Hà Nội giải quyết được 419/712 dự án và đang tiếp tục giải quyết 293 dự án. Các địa phương khác như Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ, Đồng Nai, Bình Thuận cũng đang tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho các dự án.