Bất động sản phía Tây Hà Nội 'bùng nổ' nhờ hiệu ứng quy hoạch
Tại Quy hoạch thủ đô thời kỳ 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2050, UBND TP Hà Nội đề xuất thêm nhiều điểm mới so với tờ trình trước đó, đặc biệt là phía Tây thủ đô được đề xuất xây dựng 2 thành phố mới.
Cụ thể, theo định hướng đến năm 2050, thủ đô có hai thành phố trực thuộc là thành phố Khoa học và Đào tạo Hòa Lạc và thành phố phía Bắc bao gồm địa giới hành chính huyện Sóc Sơn, Mê Linh và một phần Đông Anh. Ngoài ra, Hà Nội đề xuất nghiên cứu hình thành thêm hai thành phố: Thành phố Du lịch ở khu vực Sơn Tây - Ba Vì và thành phố sân bay phía Nam ở Phú Xuyên - Ứng Hòa khi có sân bay thứ hai vùng Thủ đô.
UBND TP Hà Nội trước mắt sẽ ưu tiên thành lập thành phố phía Bắc và phía Tây, hai thành phố còn lại sẽ được nghiên cứu hình thành thêm. Các thành phố này được coi là vùng phát triển đặc thù, nên cần cơ chế riêng biệt, bao gồm mô hình chính quyền đô thị với thể chế đặc thù.
Với kế hoạch này, Hà Nội định hướng phát triển 5 vùng đô thị tương ứng 4 thành phố trên và một đô thị trung tâm. Trong đó riêng khu vực phía Tây có đến 2 thành phố mới, đây sẽ là lực đẩy rất mạnh cho thị trường bất động sản khu vực này trong tương lai sắp tới.
Trước thông tin quy hoạch thêm 2 thành phố phía Tây Hà Nội, nơi đây cũng đã có những chuyển biến mạnh về bất động sản. Tính thanh khoản tăng cao nhờ quy hoạch hạ tầng đồng bộ, quỹ đất rộng, quy tụ nhiều dự án bất động sản quy mô lớn. Hàng loạt dự án giao thông trọng yếu đang làm thay đổi diện mạo của phía Tây thành phố như đường cao tốc Láng - Hòa Lạc hiện hữu, trục Tây Thăng Long, Vành đai 3,5, Vành đai 4 cũng đang được cấp tập xây dựng...
Bài toán giao thông được giải quyết cũng đồng nghĩa với việc khu vực phía Tây trở thành khu vực trọng yếu của thủ đô, tạo đòn bẩy lớn nâng cao giá trị bất động sản khu vực này trong thời gian tới.
Giá bất động sản tăng nhanh và mạnh
Ngay từ đầu năm 2024, thị trường nhà đất khu vực Hoài Đức, Hà Nội đã có tín hiệu "nóng" trở lại sau một thời gian dài đóng băng, nguyên nhân chính là có tuyến đường Vành đai 4 vùng Thủ đô đang thi công.
Dự án dài 59,2km, đi qua 7 quận, huyện gồm Sóc Sơn, Mê Linh, Đan Phượng, Hoài Đức, Hà Đông, Thanh Oai, Thường Tín. Khi dự án này có thông tin, đã rất nhiều nhà đầu tư từ khắp nơi đổ về đón đầu, kỳ vọng giá đất sẽ còn tăng hơn nữa sau khi đường Vành đai 4 hoàn thiện vào năm 2027.
Theo dữ liệu của Batdongsan.com.vn, trong khoảng 3 năm qua, từ 2021 đến nay, tốc độ tăng giá của căn hộ phía Tây Hà Nội cao hơn căn hộ các khu vực khác trung bình từ 7-15%. Cùng với đó, Báo cáo thị trường bất động sản năm 2022 và 2023 của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cũng ghi nhận nhiều quý liên tiếp căn hộ phía Tây Hà Nội áp đảo về nguồn cung và giao dịch.
Một số khu vực tại Hoài Đức như Tiền Yên, Song Phương, An Thượng, An Khánh, Đông La, đất nền đang “nóng” lên từng ngày, giá bán tăng chóng mặt.
Trao đổi với người viết, một môi giới tên Tâm cho biết, đất Hoài Đức đang vào sóng tăng giá, ăn theo dự án đường Vành đai 4 đang triển khai. Riêng giá đất dịch vụ tại xã Song Phương hiện dao động quanh ngưỡng 70 - 80 triệu đồng/m2, tăng khoảng 10 - 15 triệu đồng/m2 so với cuối năm 2023.
Trong khi đó, tại An Thượng, đất dịch vụ hiện ở mức rất cao, các lô đất mặt trong dao động trong khoảng 90 - 110 triệu đồng/m2, các lô mặt đường lớn hiện đã lên tới 170 - 180 triệu đồng/m2.
Môi giới này cho biết thêm, giá đất thổ cư tại Vân Côn hiện cũng tăng lên khoảng 40 - 50 triệu đồng/m2 do khu vực này chỉ cách Vành đai 4 và Đại lộ Thăng Long vài trăm mét.
"Đợt này giá tăng nên nhiều chủ đất giữ lại hàng không bán, những người bán ra chỉ là những người đang cần tiền gấp hoặc cần tiền đi đầu tư chỗ khác. Đợt này nếu lướt sóng thì không nên nhưng nếu mua để khoảng 1 - 2 năm thì được. Những người mua đất khu này từ năm ngoái đến giờ cũng phải lời ít nhất 30%. Đất khu này hai năm nữa khi đường sá xung quanh hoàn thiện có khi còn tăng giá gấp đôi. Hiện tại muốn tìm đất giá rẻ ở khu vực này là không còn”, anh Tâm cho biết.
Anh Phương, một chủ đất ở xã Vân Côn cho biết, từ ngày đường Vành đai 4 được triển khai, giá đất tại đây đã tăng tới 20 triệu đồng/m2. Còn tăng chóng mặt hơn nữa phải kể đến tại An Khánh và An Thượng, mảnh đẹp bây giờ đều trên dưới 100 triệu đồng/m2. Trong khi đó, qua văn phòng môi giới, một thửa đất có thể bị đẩy lên thêm ít nhất 3 giá (3 triệu đồng). Nếu mua được trực tiếp của người dân thì giá mềm hơn.
Anh Hùng, chủ một văn phòng môi giới bất động sản ở Vân Côn cho biết, khoảng 3 tháng trở lại đây, nhiều người đổ về đây mua đất, lượng giao dịch ghi nhận tăng mạnh. So với trước Tết, các lô đất đẹp tại khu vực này hiện đã tăng khoảng 10 giá, lô xấu thì lên khoảng 5 giá.
“So với An Khánh và An Thượng thì giá đất tại Vân Côn hiện mềm hơn. Đỉnh điểm nhất một lô đất dịch vụ mặt đường Liên khu 8 tại An Thượng vừa được giao dịch thành công với giá 165 triệu đồng/m2. Tại An Khánh, một ô góc ngay chân cầu vượt đang được rao bán bán với giá 230 triệu đồng/m2, có người trả 210 triệu nhưng chủ đất vẫn không bán”, người này cho biết.
Theo anh Hùng, giá đất ở một số xã tại Hoài Đức tăng mạnh trong thời gian gần đây chủ yếu do ăn theo hạ tầng (đường Vành đai 4 đang xây dựng). Ngoài ra, lãi suất ngân hàng đang giảm, mua vàng thì bấp bênh nên nhiều người quay sang mua đất.
Trước đó, chia sẻ tại hội thảo về bất động sản, bà Đỗ Thu Hằng, Giám đốc cấp cao, Bộ phận Nghiên cứu & Tư vấn, Savills Hà Nội cho biết: “Theo ghi nhận của Savills, khu vực phía Tây nếu tính riêng các quận Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Cầu Giấy luôn dẫn đầu thị trường về thị phần nguồn cung với khoảng 30% từ năm 2011 đến nay. Đây đồng thời là khu vực có nguồn cung văn phòng lớn nhất thủ đô, với 50% thị phần, tương đương 873.700m2”.
Theo bà Hằng, khu vực này vẫn sẽ là tâm điểm phát triển của Hà Nội trong thời gian sắp tới, trong đó tập trung hơn về chất lượng, cải thiện mạnh về cơ sở hạ tầng giao thông, cảnh quan để giảm áp lực về dân cư và lưu lượng đi lại lớn.
Trong khi đó, bà Nguyễn Hoài An, Giám đốc Cấp cao CBRE, chi nhánh Hà Nội đánh giá, trong khoảng thời gian từ 10 đến 15 năm trở lại đây, thị trường bất động sản phía Tây đã có sự chuyển mình mạnh mẽ, từ một khu vực hoang vu, hạ tầng thiếu kết nối, trở thành trung tâm mới rất sầm uất, đông đúc với sự xuất hiện của hàng loạt tòa nhà cao tầng đến từ các chủ đầu tư bất động sản uy tín. Ngoài các toà nhà văn phòng và các tòa nhà chung cư hỗn hợp, khu nhà ở thấp tầng hiện hữu, diện mạo bất động sản phía Tây vẫn đang tiếp tục hình thành ở các quỹ đất còn lại.
Cũng theo bà An, với sức hấp dẫn về giá, cùng với mạng lướt hạ tầng ngày càng được đẩy mạnh và hoàn thiện, đây là khu vực còn nhiều tiềm năng phát triển và gia tăng về giá trong 3-5 năm tới.