Cần nâng cao năng lực cạnh tranh của báo chí

08:46 | 24/07/2019 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
(DNVN) - Đây là ý kiến của ông Lê Quốc Vinh, Chủ tịch Tập đoàn Truyền thông Le Bros tại Diễn đàn Doanh nghiệp và Báo chí 2019 mới đây.

Theo ông Lê Quốc Vinh, chúng ta đang đứng trước thách thức, báo chí phải chất lượng nhưng báo chí cũng phải “sống”, phải tạo ra được nguồn thu. Hiện có nhiều mâu thuẫn xảy ra để đảm bảo báo chí có được nguồn thu, không thể để phóng viên đưa tin thiếu trung thực làm tổn hại đến doanh nghiệp nhưng cũng không thể có sự thoả hiệp nếu doanh nghiệp sai phạm. Vậy làm sao để báo chí có nguồn thu?. Đây là vấn đề nóng bỏng của các cơ quan báo chí hiện nay.

Ông Vinh cũng đưa ra số liệu, tổng doanh thu của báo chí theo Bộ Thông tin và Truyền thông và Ban Tuyên giáo là 15.000 tỷ năm 2018, tuy nhiên, doanh thu báo chí đang sụt giảm nghiêm trọng. Trong khi đó, Google và Facebook đang tăng doanh thu nhanh chóng. Khoảng 60-70% chi phí quảng cáo của doanh nghiệp trôi vào túi Google và Facebook. Trong khi đó doanh nghiệp ngày càng lớn lên, chi phí cho truyền thông tăng lên thì tỉ lệ thu được của báo chí lại giảm mạnh, chỉ còn 30%, năm 2019 dự báo chỉ còn 29%.  

Cần nâng cao năng lực cạnh tranh của báo chí - ảnh 1
 Ông Lê Quốc Vinh, Chủ tịch Tập đoàn Truyền thông Le Bros.
Chủ tịch Tập đoàn Le Bros cho biết, hiện nay các xu hướng mới của báo chí gồm báo chí chậm, báo chí đầu tư sâu với xu hướng sáng tạo trong báo chí như phương thức đưa tin phi truyền thống và công cụ video, longform… đang làm tiết kiệm chi phí truyền thông cho doanh nghiệp. Cùng với đó, khối lượng thông tin khổng lồ từ báo chí là dữ liệu cho doanh nghiệp. Loại hình longform của báo chí tạo ra sản phẩm truyền thông hoàn thiện hơn cho doanh nghiệp cũng như một vấn đề của xã hội - đây là điều mà mạng xã hội không làm được.  Đơn cử như tại tờ New York Times, doanh thu có được từ người đọc là 1 tỷ USD. Trong khi đó, tại Việt Nam cơ quan báo chí chỉ có doanh thu từ quảng cáo mà không có doanh thu từ bạn đọc.
Từ đó, chủ tịch Le Bros khẳng định, truyền thông 4.0, thương hiệu đang làm theo cách tìm ra nền tảng truyền thông hữu ích để nói chuyện với khách hàng, bạn đọc của họ, tạo tính tương tác cao, không còn đơn thuần là quảng cáo nữa. Do đo, báo chí phải tạo ra được cái mà doanh nghiệp cần. Theo đó, doanh nghiệp muốn truyền thông theo kiểu Build Human Brands (truyền thông con người). Đây là phương thức truyền thông giống báo chí nhưng tạo cảm xúc cho thương hiệu doanh nghiệp. Báo chí phải tạo ra được cách kể chuyện tương tác như vậy mới đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp. Còn doanh nghiệp cần báo chí thấu hiểu, truyền tải những câu chuyện của họ qua cách kể chuyện với hình ảnh đẹp.
Còn luật sư Trần Hữu Huỳnh, Chủ tịch Trung tâm trọng tài Quốc tế (VIAC) cho rằng, điểm mới và cần quan tâm nhất trong mối quan hệ của doanh nghiệp và báo chí là phải đặt trong bối cảnh cuộc cách mạng về khoa học kỹ thuật. Đây là một thách thức mới đối với báo chí, dù không mới về nội hàm nhưng mới về tốc độ, bởi tốc độ đang diễn ra ở mức “chóng mặt”.
Luật sư Trần Hữu Huỳnh lấy dẫn chứng câu chuyện về bà Tân Vlog đã sản xuất ra được các sản phẩm trên youtube và thu hút được hàng triệu lượt xem trên mỗi sản phẩm. Đây thực sự là thách thức đối với báo chí với các sản phẩm từ công nghệ thông tin. Trong thách thức đó, doanh nghiệp hướng về báo chí hay là sử dụng sức mạnh của mạng xã hội? Đây là một câu hỏi và các nhà báo phải tìm được câu trả lời, giải pháp cho doanh nghiệp.
Cần nâng cao năng lực cạnh tranh của báo chí - ảnh 2
 Luật sư Trần Hữu Huỳnh, Chủ tịch Trung tâm trọng tài Quốc tế (VIAC).
Thách thức thứ hai là sự thay đổi của chính sách và bối cảnh hội nhập. Liên quan đến nội dung này đã có những kết quả khảo sát cho thấy, nhiều doanh nghiệp thốt lên với hình ảnh ví von rằng nếu nền kinh tế “mở toang” cửa như vậy, thì gió vào cuồn cuộn doanh nghiệp không chỉ bị cảm cúm đâu! Nói như vậy để thấy, tốc độ hội nhập quá nhanh, quá rộng về phạm vi khiến cho khả năng và năng lực của doanh nghiệp không thể chống chọi được. Đây là những vấn đề mà báo chí cần phản ánh cụ thể.
Luật sư Trần Hữu Huỳnh chia sẻ, hiện nay, đang có những nghiên cứu về điều chỉnh chính sách. Theo đó, kinh tế tư nhân trước đây không có trong Hiến pháp thì bây giờ đã có, đồng thời có những nhận định về vai trò, thứ bậc của kinh tế tư nhân. Hiến pháp đã nói về vấn đề hợp tác, cạnh tranh của kinh tế tư nhân, nhưng còn vấn đề thứ bậc lại chưa. Ngoài ra, qua nhiều khảo sát cộng đồng doanh nghiệp cho biết, trước các sự kiện lớn của quốc gia thì các quyết định thường ban hành chậm và rất rụt rè.
Trong bối cảnh mới như vậy, ông Huỳnh đặt vấn đề: Báo chí nên làm gì để giúp cộng đồng doanh nghiệp phát triển? Ông cũng đặt ra câu hỏi: Làm sao để báo chí trở thành diễn đàn của người dân và doanh nghiệp chứ không phải chỉ là sự phản ánh an toàn?. Đây cũng là một trong những thách thức rất lớn đối với việc phát triển báo chí hiện nay.
Trước những thách thức như vừa nêu, Luật sư Trần Hữu Huỳnh đề xuất: Một là, báo chí phải sáng hơn. Sáng hơn ở chỗ phải nhanh nhạy nhìn ra vấn đề hơn. Hai là, báo chí phải sạch hơn. Bởi xã hội phân hóa rất nhiều, trong cộng đồng doanh nghiệp cũng phân hóa nhiều nên tính chất sẽ phức tạp hơn. Ba là, báo chí phải sắc hơn. Báo chí phải có nét sắc sảo riêng để hàng triệu doanh nghiệp khi xảy ra vấn đề gì thì sẽ hướng đến tờ báo để nhận được thông tin một cách chính xác nhất, kịp thời nhất. Bốn là, báo chí phải đáng tin câỵ hơn. Trong bối cảnh nhiễu loạn thông tin, bão thông tin thì sẽ có sàng lọc trong báo chí.  Đây chính là cuộc cạnh tranh để giành độc giả ngay với mạng xã hội. Nếu báo chí không tin cậy sẽ không giành được thời gian của độc giả.