Cần ngăn chặn tham nhũng, rửa tiền thông qua mua bán đất đai
Phát biểu thảo luận tại Quốc hội về công tác phòng chống tham nhũng ngày 8/11, ĐBQH Lê Thanh Hoàn (đoàn Thanh Hóa) - Ủy viên chuyên trách Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đề nghị Chính phủ cần đặc biệt quan tâm đến phòng, chống tham nhũng trong lĩnh vực đất đai, tăng cường thực thi pháp luật và xử lý nghiêm hành vi sử dụng đất bất hợp pháp.
Đại biểu Hoàn phân tích: “Cũng giống như các hành vi phạm tội thông thường dưới góc độ kinh tế, sử dụng đất trái pháp luật có thể được coi là hành vi kinh tế dựa trên vấn đề quyết định về chi phí và lợi ích. Những người vi phạm pháp luật để đạt được lợi ích đã và sẽ làm thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước và các thành viên khác trong xã hội. Việc theo đuổi lợi ích rất lớn của các tổ chức và cá nhân có liên quan, nhu cầu thu ngân sách và sự cạnh tranh để tăng trưởng kinh tế của chính quyền địa phương được coi là những yếu tố chính thúc đẩy vi phạm pháp luật đất đai.
Thông qua việc thực hiện hành vi vi phạm pháp luật đất đai, các tổ chức và cá nhân có thể thu được những lợi ích rất lớn về kinh tế - xã hội mà thực tiễn trong thời gian qua đã cho thấy. Quyết định vi phạm pháp luật đất đai của các bên liên quan phụ thuộc vào cách họ xác định mối quan hệ giữa lợi ích của việc sử dụng đất bất hợp pháp và chi phí và hậu quả của nó. Một khi họ tin rằng lợi ích mong đợi của việc sử dụng đất bất hợp pháp cao hơn chi phí và hậu quả phải trả thì với tư cách là người kinh doanh họ sẽ quyết định vi phạm pháp luật.
Lúc này, giá phải trả của việc vi phạm pháp luật đất đai chủ yếu bao gồm tiền bồi thường cho những người bị thiệt hại về quyền lợi, tác động tiêu cực đến sự phát triển lâu dài của địa phương, sự trừng phạt có thể xảy ra và làm mất đi tương lai chính trị của người có chức vụ, quyền hạn có liên quan”.
Theo Đại biểu Lê Thanh Hoàn, việc tăng cường thực thi pháp luật đất đai có hiệu quả sẽ có tác động rất lớn, rất quan trọng đến những chi phí, hậu quả khi cá nhân, tổ chức vi phạm pháp luật phải bỏ ra và gánh chịu, bởi phần lớn chi phí cố định như bồi thường kinh tế, thời gian hoặc lao động, vốn đầu tư mà người vi phạm pháp luật phải trả cho việc sử dụng đất bất hợp pháp sẽ không cao hơn so với việc sử dụng đất hợp pháp.
Ông Hoàn cho hay: “Thực thi pháp luật về đất đai không nghiêm sẽ dẫn đến tình trạng vi phạm pháp luật càng tăng và ngược lại nếu thực thi nghiêm chỉnh các quy định cũng như tạo ra cơ chế, chính sách phù hợp thì chắc chắn các vi phạm sẽ giảm trong thời gian tới. Cùng với đó, tôi đề nghị nghiên cứu, xem xét việc thành lập các cơ quan kiểm tra, thanh tra, giám sát đất đai quốc gia theo vùng trực thuộc cơ quan trung ương đóng tại địa phương”.
Phòng, chống rửa tiền trong lĩnh vực bất động sản
Đại biểu Lã Thanh Tân (TP Hải Phòng) cho rằng, kinh doanh bất động sản là một trong những lĩnh vực tiềm ẩn nguy cơ về rửa tiền cao, các giao dịch thường có giá trị lớn, hệ thống thông tin để có thể truy xét về nguồn gốc, quá trình giao dịch chưa đầy đủ, điều này ảnh hưởng tới hiệu quả của công tác phòng, chống rửa tiền.
“Để thực sự xây dựng được một thị trường bất động sản hoàn toàn minh bạch thì việc sửa đổi, bổ sung các quy định tại Luật Phòng, chống rửa tiền theo tôi là chưa đầy đủ. Chúng ta cần tiếp tục nghiên cứu các quy định liên quan đến thủ tục giao dịch, phương thức giao dịch, thanh toán giao dịch bất động sản, việc kết nối hệ thống cơ sở dữ liệu của các cơ quan quản lý về đất đai, xây dựng công chứng… tại các luật liên quan như Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở, Luật Công chứng. Tôi đề nghị cần quan tâm đến những vấn đề trên để xem xét sửa đổi, bổ sung các luật tương ứng, đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất trong các quy định của pháp luật”, ông Tân nói.
Đại biểu Thái Thị An Chung - Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An cũng cho rằng, cùng với ngân hàng, bất động sản là lĩnh vực có nguy cơ cao bị tội phạm rửa tiền tấn công, bởi vì đầu tư tương đối thuận lợi và thủ tục đơn giản. Các giao dịch mua, bán, chuyển nhượng bất động sản có thể thực hiện trực tiếp, thanh toán theo thỏa thuận bằng tiền mặt hoặc chuyển khoản nên rất khó kiểm tra, xác minh nguồn gốc của tiền.
“Thực tế cho thấy việc thanh toán bằng tiền mặt đối với các giao dịch bất động sản tại Việt Nam khá phổ biến. Qua đấu tranh phòng, chống tội phạm cho thấy các đối tượng phạm tội thường rửa tiền bằng cách nhờ người thân, gia đình mua, chuyển nhượng, tặng, cho bất động sản. Chính vì vậy, việc quy định và thực thi các quy định về phòng, chống rửa tiền trong lĩnh vực bất động sản là hết sức cần thiết, không chỉ để thực hiện các cam kết của Việt Nam với quốc tế mà còn góp phần quan trọng vào công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng mà Đảng và Nhà nước ta đang thực hiện”, bà Chung nói.
Đại biểu Thái Thị An Chung nêu 4 kiến nghị góp phần hoàn thiện các quy định về phòng, chống rửa tiền trong lĩnh vực bất động sản:
Thứ nhất, Nhà nước thực hiện việc giao quyền sử dụng đất cho hộ gia đình, cá nhân có thu tiền sử dụng đất chủ yếu thông qua hình thức đấu giá. Nhiều năm gần đây hoạt động đấu giá quyền sử dụng đất diễn ra rất sôi động, nguồn thu từ đấu giá quyền sử dụng đất chiếm tỷ trọng lớn trong thu ngân sách ở địa phương, do đó cần phải giám sát chặt chẽ dòng tiền tham gia đấu giá quyền sử dụng đất để phòng ngừa rửa tiền, đồng thời giúp cho thị trường bất động sản phát triển ổn định, lành mạnh, tránh để xảy ra tình trạng bong bóng.
Thứ nhì, bổ sung thêm các dấu hiệu đáng ngờ trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản, đó là khách hàng thực hiện nhiều giao dịch trở lên trong một ngày; khách hàng mua, bán nhiều bất động sản trở lên trong một lần (có thể từ 2 hoặc 5 trở lên do Chính phủ quy định) kết quả đấu giá quyền sử dụng đất tăng một cách bất thường.
Thứ ba, bổ sung trách nhiệm của Bộ Tư pháp, đó là chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan triển khai thực hiện các biện pháp phòng, chống rửa tiền, áp dụng cho các đối tượng báo cáo là đấu giá viên, tổ chức hành nghề đấu giá, thực hiện thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động phòng, chống rửa tiền đối với các đối tượng này.
Thứ tư, cùng với việc sửa đổi Luật Phòng, chống rửa tiền thì việc sửa đổi Điều 16 và Điều 57 của Luật Kinh doanh bất động sản theo hướng quy định các giao dịch phải thực hiện thanh toán qua hệ thống ngân hàng là hết sức cần thiết để chống thất thu thuế, chống rửa tiền và minh bạch thị trường bất động sản.