CEO Goldman Sachs: 'Lạm phát đang ăn sâu vào nền kinh tế toàn cầu'

Phương Lê 15:46 | 19/07/2022 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Hôm 18/7, Giám đốc điều hành Goldman Sachs, ông David Solomon, nhận định rằng lạm phát đã ăn sâu vào nền kinh tế toàn cầu và không rõ liệu tình hình có được cải thiện vào cuối năm nay hay không.

“Chúng tôi thấy lạm phát đã ăn sâu vào nền kinh tế, và điều bất thường trong giai đoạn cụ thể này là cả cung và cầu đều đang bị ảnh hưởng bởi các sự kiện bên ngoài, cụ thể là đại dịch và xung đột ở Ukraine", ông Solomon nói với các nhà phân tích trong cuộc gọi thảo luận.

Ông Solomon, nhà lãnh đạo công ty cố vấn hàng đầu của Phố Wall cho các tập đoàn, bình luận: “Chúng ta biết rằng lạm phát đang ở mức cao nhất nhiều thập kỷ; nhưng nó sẽ tồn tại trong bao lâu?”

Ông nói: “CEO các doanh nghiệp toàn cầu lớn nói với tôi rằng họ đang chứng kiến lạm phát dai dẳng trong chuỗi cung ứng của mình. Trong khi đó, các nhà kinh tế của chúng tôi dự báo có những dấu hiệu cho thấy lạm phát sẽ giảm trong nửa cuối năm. Câu trả lời không chắc chắn và chúng tôi sẽ theo dõi rất chặt chẽ”. 

Ông nói, khi các ngân hàng trung ương trên khắp thế giới tiếp tục thắt chặt các điều kiện tài chính để chống lạm phát, thị trường vốn đã biến động sẽ tiếp tục điều chỉnh. Mối quan tâm chính là chiến dịch chống lạm phát sẽ bắt đầu ảnh hưởng đến niềm tin của doanh nghiệp và hoạt động của người tiêu dùng trong nền kinh tế, ông Solomon nói với một nhà phân tích. 

Sự không chắc chắn đã khiến ông Solomon điều hành Goldman Sachs một cách thận trọng, bao gồm cả việc kiểm tra kế hoạch chi tiêu của nó. Theo CFO Denis Coleman, công ty đã giảm tốc độ tuyển dụng mới, cắt giảm phí chuyên môn và có khả năng sẽ khôi phục đánh giá hiệu suất hàng năm cho nhân viên trong năm nay.

“Tôi dự đoán sẽ có nhiều biến động hơn và trong bối cảnh hiện tại, chúng tôi sẽ quản lý tất cả các nguồn lực của mình một cách thận trọng", ông Solomon nói.

Theo số liệu của Bộ Lao động Mỹ, Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6 của nước này tăng 9,1%. Đó là mức tăng lớn nhất kể từ tháng 11/1981 sau khi tăng 8,6% vào tháng 5. Giá tiêu dùng đang tăng cao bởi chuỗi cung ứng toàn cầu gián đoạn và các chính sách tài khóa lỏng lẻo từ các chính phủ trong đại dịch Covid-19. Xung đột đang diễn ra ở Ukraine, khiến giá thực phẩm và nhiên liệu toàn cầu tăng vọt, càng làm cho 'bão giá' trở nên tồi tệ hơn.  Lạm phát cao và chi phí đi vay tăng cao đang làm dấy lên lo ngại về một cuộc suy thoái kinh tế vào đầu năm tới.