Chủ tịch Quốc hội: Tiến độ giải ngân gói phục hồi kinh tế còn chậm
Phát biểu khai mạc phiên họp thứ 11 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 11/5, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ bày tỏ gói 347.000 tỷ đồng của chương trình phục hồi, phát triển kinh tế chỉ giải ngân trong thời gian 2 năm 2022 - 2023, nhưng tới nay đã nửa năm 2022 rồi mà việc triển khai gói này vẫn rất chậm.
Ông Huệ nhận xét, đã gần nửa năm 2022 tiến độ giải ngân gói phục hồi kinh tế còn chậm. Đến nay mới bổ sung khoảng 18.000 tỷ đồng vốn các dự án thuộc chương trình thì "không nhằm nhò gì".
"Chúng tôi rất băn khoăn, lo lắng. Lúc trình ai cũng nói giải ngân được trong 2 năm, cơ chế chính sách đặc thù cũng đã có, không hiểu vì sao chậm", Chủ tịch Quốc hội nói.
Ông nói thêm, nếu hết năm 2023 không giải ngân được sẽ trình Quốc hội dừng lại, và "nếu cứ chuyển nguồn thì không đúng là gói kích thích kinh tế". "Chuyển nguồn" là việc chuyển các khoản chi đã có trong dự toán năm trước nhưng không chi hết cho năm sau. Vì thế, ông đề nghị Chính phủ giải trình kỹ việc chậm điều hoà vốn này.
Việc chậm triển khai chương trình phục hồi kinh tế cũng được ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế (cơ quan thẩm tra của Quốc hội) nêu trong quá trình thẩm tra báo cáo kinh tế xã hội của Chính phủ. Theo ông Thanh, việc thực hiện nhiệm vụ của chương trình phục hồi kinh tế tại một số bộ, ngành cũng đang dừng lại ở rà soát hoặc đang trong quá trình dự thảo, lấy ý kiến.
Theo Nghị quyết 43, Chính phủ phải rà soát, hoàn thiện danh mục các dự án, chương trình sử dụng vốn từ chương trình phục hồi kinh tế và trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định trước khi phân bổ. Nhưng tới giờ danh mục này chưa hoàn thành.
Trước mắt, Chủ tịch Quốc hội cho biết Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xem xét nội dung này để sử dụng vốn linh hoạt cho các dự án có khả năng giải ngân nhanh, phát huy hiệu quả chương trình, nhưng Chính phủ cần sớm bổ sung danh mục tổng thể.
"Nếu chỉ thảo luận về phân bổ vốn cho các bộ, ngành, địa phương mà chưa biết danh mục sẽ thế nào, tức là chỉ nói phần ngọn, gốc chưa biết", ông nói và đề nghị Thường vụ Quốc hội thảo luận, nếu nội dung nào chưa đủ điều kiện thì có thể bố trí thêm buổi họp khác khi Chính phủ trình đủ hồ sơ.
Việc chưa thống nhất trình danh mục, phương án phân bổ vốn đầu tư công, chưa có phương án điều chỉnh linh hoạt nguồn vốn đầu tư công của chương trình và kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025..., Uỷ ban Kinh tế nhận xét, ảnh hưởng đến kết quả hỗ trợ 2% cho tăng trưởng GDP năm 2022, khó hoàn thành yêu cầu triển khai gói phục hồi kinh tế trong 2 năm.
Trong gói hỗ trợ kinh tế, chính sách giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) trong năm 2022 được xem mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho cả doanh nghiệp và người dân. Nếu chính sách này phát huy hết hiệu quả sẽ giúp lạm phát giảm khoảng 1%. Song, thực tế triển khai, theo Ủy ban Kinh tế, còn những vướng mắc trong rà soát, đối chiếu, xác định cụ thể hàng hóa dịch vụ được hưởng giảm thuế VAT cũng như việc xuất hóa đơn thuế VAT.
"Đề nghị Chính phủ báo cáo rõ hơn tiến độ triển khai, những khó khăn, vướng mắc, nguyên nhân; đưa ra giải pháp đột phá, lộ trình hoàn thành các nhiệm vụ theo Nghị quyết của Quốc hội", Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nhấn mạnh.
Tại phiên họp thứ 11 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội sẽ thảo luận về bổ sung kế hoạch ngân sách trung ương năm 2022 cho các bộ, ngành, địa phương. Đây là một trong số nhóm nội dung triển khai Nghị quyết 43 về chính sách tài khoá, tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi kinh tế xã hội 2022 - 2023 có quy mô gần 350.000 tỷ đồng.
Nghị quyết 43 yêu cầu đảm bảo điều hoà vốn đầu tư công trong kế hoạch trung hạn 2021-2025 và nguồn vốn đầu tư công trong chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi kinh tế. Việc này để ưu tiên vốn cho các chương trình, dự án có tính lan toả, khả năng hấp thụ vốn, giúp tăng liên kết vùng, thúc đẩy tăng trưởng...
Cũng tại kỳ họp này, Thường vụ cho ý kiến về việc trình Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương đầu tư dự án vành đai 4 vùng thủ đô Hà Nội; dự án vành đai 3 TP.HCM; các dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng (giai đoạn 1); Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột (giai đoạn 1); Biên Hòa - Vũng Tàu (giai đoạn 1).
Theo Chủ tịch Quốc hội, đây là 5 dự án quan trọng quốc gia thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội về chủ trương đầu tư. Các dự án này có sử dụng đa dạng nguồn vốn ngân sách trung ương và địa phương, vốn đầu tư trung hạn và gói kích thích kinh tế cũng như các nguồn vốn hợp pháp khác.
Ông Huệ đề nghị làm rõ việc phân kỳ đầu tư, hình thức cơ cấu các nguồn vốn đầu tư và đặc biệt là tính khả thi, tránh tình trạng có chủ trương đầu tư rồi lại không triển khai được.
Ông cũng đề nghị Kiểm toán Nhà nước sớm có báo cáo, chịu trách nhiệm về những ý kiến của mình về các nội dung liên quan đến những dự án quan trọng này.
Về dự thảo nghị quyết ban hành nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi), ông Huệ cho rằng chất lượng của Quốc hội phải thông qua chất lượng các kỳ họp, thời gian ngắn thôi nhưng chất lượng vẫn phải được đảm bảo.
"Rút ngắn thời gian họp Quốc hội nhưng vẫn phải đảm bảo chất lượng", Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.