Chuyên gia: Thị trường bất động sản sẽ chuyển biến khá thận trọng trong năm 2023

Đông Bắc 08:07 | 14/12/2022 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Chuyên gia kỳ vọng thị trường bất động sản sẽ chuyển biến khá thận trọng trong năm 2023.  Đáng chú ý, Việt Nam tiếp tục được dự báo là một trong những điểm thu hút đầu tư hàng đầu tại châu Á - Thái Bình Dương.

 

 Việt Nam tiếp tục là điểm thu hút đầu tư hàng đầu tại châu Á - Thái Bình Dương

Mới đây, Colliers chính thức công bố Báo cáo Triển vọng đầu tư toàn cầu 2023. Báo cáo được thực hiện trong tháng 10 và 11/2022, dựa trên 30 cuộc phỏng vấn chuyên sâu với các chuyên gia toàn cầu và khu vực của bộ phận Thị trường Vốn của Colliers. Ngoài ra, còn có hơn 750 nhà đầu tư trên toàn thế giới tham gia khảo sát, trong đó có 365 nhà đầu tư từ châu Á - Thái Bình Dương.

Báo cáo cho thấy, giới đầu tư kỳ vọng  thị trường bất động sản toàn cầu sẽ ổn định vào giữa năm 2023. Bất chấp tình hình biến động do căng thẳng địa chính trị, các cú sốc kinh tế và chính sách tiền tệ không đồng đều trong năm 2022, giá bất động sản đã nhanh chóng tái lập tại Anh và Hoa Kỳ, tuy nhiên điều này không diễn ra tương tự ở các nơi khác. Do đó, việc tái lập mặt bằng giá mới sẽ còn có nhiều khác biệt giữa các thị trường và phân khúc trong năm 2023.

Trên toàn cầu, châu Á - Thái Bình Dương là khu vực lạc quan nhất về tăng trưởng kinh tế. Hơn một nửa số nhà đầu tư châu Á - Thái Bình Dương  (53%) kỳ vọng kết quả tích cực từ tăng trưởng kinh tế trong khu vực, so với 41% ở khu vực châu Âu, Trung Đông và châu Phi (EMEA) và 38% ở châu Mỹ. Tương tự, 43% nhà đầu tư ở châu Á - Thái Bình Dương mong đợi tác động tích cực từ tăng trưởng kinh tế toàn cầu, cao hơn khu vực EMEA (38%) và châu Mỹ (28%).

Ông John Howard, Giám đốc Điều hành, Trưởng bộ phận Thị trường Vốn quốc tế, châu Á - Thái Bình Dương chia sẻ trên Reatimes: "Châu Á - Thái Bình Dương có thể sẽ vượt qua các thị trường khác trong năm 2023. 12 tháng tới vẫn sẽ khó khăn, đặc biệt là đối với các thị trường chính như Úc, Hồng Kông (Trung Quốc), Hàn Quốc và Singapore. Tuy nhiên, các nhà đầu tư đa quốc gia tập trung nhiều ở các thị trường châu Âu và Bắc Mỹ sẽ nhận thấy rằng các khoản đầu tư ở châu Á ít bị ảnh hưởng bởi lạm phát và môi trường lãi suất hiện tại. Khi thị trường nợ ổn định và không còn biến động, chúng tôi cũng kỳ vọng các quỹ đầu tư tư nhân đẩy mạnh hoạt động mua bán - sáp nhập (M&A) trong năm 2023".

  Việt Nam tiếp tục là điểm thu hút đầu tư hàng đầu tại châu Á - Thái Bình Dương. Ảnh BĐS.

Tại các thị trường mới nổi ở châu Á - Thái Bình Dương, Việt Nam tiếp tục là một trong những điểm thu hút đầu tư hàng đầu, với vốn đầu tư nước ngoài trong 11 tháng đầu năm 2022 đạt 25,1 tỷ USD, tăng 0,5% so với tháng trước. Vốn đầu tư nước ngoài điều chỉnh tăng 23,3% so với cùng kỳ năm 2021, cho thấy niềm tin của các nhà đầu tư nước ngoài đối với nền kinh tế và môi trường đầu tư Việt Nam.

Phân tích về điều này, ông David Jackson - Tổng Giám đốc Colliers Việt Nam nhận định: “Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nới room tín dụng thêm 1,5 - 2% hồi đầu tháng 12/2022 đã giúp cải thiện tâm lý thị trường. Tại Colliers, chúng tôi nhận được ngày càng nhiều yêu cầu từ các nhà đầu tư đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore… nhắm đến nhiều phân khúc bất động sản tại Việt Nam, từ khu công nghiệp, văn phòng, nhà ở, cho đến bán lẻ và khách sạn. Dù tâm lý chung vẫn rất thận trọng, họ đang tận dụng giai đoạn thị trường giảm tốc để củng cố danh mục đầu tư. Với các chủ đầu tư trong nước, chúng tôi cho rằng các hoạt động tái cấu trúc và M&A sẽ còn tiếp diễn trong những tháng tới, chủ yếu nhằm chuyển đổi sang mô hình tăng trưởng ổn định hơn trong dài hạn”.

Những phân khúc như BĐS công nghiệp và văn phòng vẫn hoạt động tốt  

Chia sẻ về khó khăn hiện tại của thị trường nhà đất trong năm 2022 trên Batdongsan.com.vn, TS. Sử Ngọc Khương, Giám đốc cấp cao Savills Việt Nam cho biết, bất động sản đang đối mặt với 4 khó khăn chính bao gồm: Vấn đề nguồn cung hạn chế, có sự thiên lệch ở các sản phẩm mới triển khai trên thị trường khi chủ yếu là BĐS có giá trị cao. Tiếp theo là khó khăn về tài chính bao gồm việc hệ thống ngân hàng thắt chặt tín dụng; Bộ Tài chính tăng cường kiểm soát trái phiếu doanh nghiệp và lãi suất tăng cao.

Ngoài ra, ở góc độ phát triển dự án, tình trạng tắc nghẽn pháp lý diễn ra trong thời gian dài gây khó khăn cho nguồn cung thị trường, ảnh hưởng đến phương án tài chính của chủ đầu tư dẫn đến giá thành tăng. Cuối cùng là vấn đề quỹ đất phát triển dự án rất hạn chế, làm ảnh hưởng đến khả năng phát triển dự án mới của các chủ đầu tư.

Theo đó, để cải thiện tình trạng thiếu hụt nguồn cung nhà ở, ông đề xuất Chính phủ cần phải đẩy mạnh giải quyết các khó khăn về vướng mắc pháp lý, bổ sung quỹ đất mới và hỗ trợ về nguồn vốn cho thị trường. Vị chuyên gia của Savills cho rằng, việc giải quyết vấn đề "cởi trói" pháp lý cho dự án bất động sản là yếu tố then chốt và cần đẩy nhanh lúc này để tạo điều kiện cho thị trường hồi phục sớm. Việc chính phủ thắt chặt tín dụng và lãi suất ngân hàng tăng đã tạo ảnh hưởng đến dòng vốn đổ vào bất động sản và làm sức mua của thị trường suy giảm.

Ảnh: BĐS.

 Tuy nhiên, yếu tố then chốt hiện tại vẫn là việc thị trường đã phải đối mặt với tình trạng siết pháp lý trong dài hạn. Vậy nên vấn đề tài chính chỉ là yếu tố góp phần khiến tình trạng khó khăn của thị trường nặng thêm, chìa khóa giải bài toán hiện nay vẫn là nguồn cung. Để thị trường có thể phục hồi mạnh mẽ trở lại cần phải có hỗ trợ về khơi thông pháp lý trong việc phát triển dự án cho các doanh nghiệp và khuyến khích gia tăng nguồn cung ở các phân khúc vừa túi tiền, phục vụ nhu cầu thực.

Dự đoán về tình hình thị trường bất động sản trong năm 2023, ông Sử Ngọc Khương cho rằng, nền kinh tế và tài chính của Việt Nam trong thời gian tới cũng chịu ảnh hưởng chung từ diễn biến kinh tế toàn cầu. Những vấn đề lạm phát, biến động ngoại tệ và thiếu hụt năng lượng cũng như những bất ổn chính trị ở nhiều quốc gia sẽ tác động đến sự tăng trưởng kinh tế trong nước.

Trong bối cảnh đó, thị trường bất động sản sẽ chuyển biến khá thận trọng. Về tính thanh khoản, phân khúc nhà ở vẫn sẽ duy trì mức thanh khoản ổn, tuy nhiên nguồn cung hạn chế và vắng bóng sản phẩm vừa túi tiền với người tiêu dùng sẽ làm ảnh hưởng đến tính thanh khoản. Những phân khúc như BĐS công nghiệp và văn phòng vẫn hoạt động tốt và các doanh nghiệp sẽ tiếp tục có nhu cầu mở rộng.