Cơ hội cho Việt Nam đón sóng FDI từ Hàn Quốc
Cơ hội thu hút FDI từ Hàn Quốc
Thông tin từ Cục Đầu tư Nước ngoài cho biết nhiều tập đoàn lớn đang lên kế hoạch tự chủ về chuỗi cung ứng vật liệu, dịch chuyển sản xuất ra khỏi Trung Quốc trong bối cảnh địa chính trị nhiều biến động và diễn biến phức tạp của đại dịch. Đây là cơ hội lớn để Việt Nam thu hút FDI từ Hàn Quốc, nâng tầm quan hệ song phương.
Từ đầu năm đến nay, hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp Hàn Quốc tại các thị trường quốc tế đang đối diện với nhiều thách thức. Nổi bật nhất là những biến động kinh tế - chính trị toàn cầu, đặc biệt là xung đột Nga - Ukraine khiến giá dầu và giá hàng hóa cơ bản tăng vọt, dẫn đến chi phí sản xuất tăng và gián đoạn chuỗi cung ứng, qua đó ảnh hưởng nặng nề nhất đến các doanh nghiệp vừa và nhỏ hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, chế biến.
Trên thị trường tài chính, chỉ số Kospi của sàn chứng khoán Seoul tháng qua giảm hơn 1% so với tháng 4/2022, thậm chí có thời điểm ghi nhận mức giảm hơn 4% do tình trạng bán tháo, giải chấp cổ phiếu trên diện rộng.
Trên thị trường vốn, việc các ngân hàng lớn tiếp tục tăng lãi suất cơ bản đã ảnh hưởng đến khả năng tiếp cận nguồn vốn của doanh nghiệp Hàn Quốc, dẫn đến nhu cầu tái cấu trúc lại kế hoạch sản xuất, kinh doanh trong ngắn hạn.
Trên thị trường lao động, kết quả khảo sát nhiều doanh nghiệp Hàn Quốc cho thấy ngành công nghiệp sản xuất dự kiến sẽ thiếu hơn 30 nghìn kỹ sư trong lĩnh vực sản xuất chip bán dẫn từ nay đến 2030. Hiện tượng thiếu hụt nguồn cung lao động có trình độ kỹ thuật cao đã đẩy tiền lương bình quân trong lĩnh vực IT tăng cao.
Đáng chú ý, trong khu vực Đông Á, việc Trung Quốc tiếp tục duy trì chiến lược Zero-COVID và các biện pháp phong tỏa kiểm dịch chặt chẽ cũng làm mất đi một thị trường tiêu dùng lớn cũng như gây thiếu hụt nguồn cung nguyên liệu, tác động đến hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp Hàn Quốc.
“Ngay cả khi các doanh nghiệp này thay thế nguồn cung nguyên liệu đầu mới, giá nguyên liệu vẫn sẽ không được cạnh tranh so với việc sử dụng chuỗi cung ứng hiện hữu, ảnh hưởng đến chi phí và lợi nhuận của doanh nghiệp nói chung”, Cục Đầu tư Nước ngoài phân tích.
Trong bối cảnh thách thức, một số tập đoàn lớn đang lên kế hoạch dịch chuyển sản xuất ra khỏi Trung Quốc, hướng tới tự chủ về chuỗi cung ứng vật liệu.
Chẳng hạn, tập đoàn Posco dự kiến sẽ đầu tư 10 tỷ USD để sản xuất các linh kiện, vật liệu cho pin xe điện như nickel, lithium, coban, giảm dần sự phụ thuộc vào Trung Quốc. Trong lĩnh vực sản xuất chip bán dẫn, Samsung Electronics, SK Hynix và một số các nhà đầu tư khác dự kiến sẽ đầu tư hơn 200 tỷ USD nhằm nâng cao năng lực sản xuất chip bán dẫn của Hàn Quốc đến năm 2030.
Cục Đầu tư Nước ngoài nhận định đây là cơ hội lớn để Việt Nam đón sóng FDI: “Đối với các doanh nghiệp đã có dự án tại Việt Nam và các doanh nghiệp lớn, việc Việt Nam đã áp dụng chính sách “bình thường mới với COVID-19” và mở cửa biên giới sẽ tạo tiền đề mở rộng sản xuất, góp phần giảm sự phụ thuộc vào chuỗi cung ứng của Trung Quốc”.
Trước đó, hồi tháng 4, trao đổi với Doanh nhân Việt Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc (Korcham), ông Hong Sun, cho biết Hiệp hội đang khuyến khích các nhà đầu tư Hàn Quốc tìm kiếm cơ hội đầu tư tại nhiều tỉnh thành mới ở Việt Nam.
"Hiện nay, khi nhập cảnh đã thoải mái và dễ dàng, rất nhiều chuyên gia và nhà đầu tư Hàn Quốc đã quay lại Việt Nam. Trong đó có cả những lãnh đạo cấp cao, những nhà đầu tư quan tâm tới tiềm năng đầu tư, đang tìm hiểu hoặc có ý định đầu tư vào Việt Nam. Tôi cho rằng đây là thời gian chín muồi để thúc đẩy phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh và đầu tư, đặc biệt là đầu tư của Hàn Quốc vào Việt Nam", ông Hong Sun thông tin.
Kiểm soát giá đất công nghiệp, tạo hành lang pháp lý thông thoáng để đón FDI
Trong bức tranh FDI của Việt Nam những năm qua, Hàn Quốc luôn là một trong những quốc gia có số lượng dự án, vốn đăng ký cao nhất, cũng là quốc gia có tổng vốn đầu tư lũy kế cao nhất trong nhiều năm qua.
Tính riêng 4 tháng đầu năm 2022, trong số 72 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam, Hàn Quốc đứng thứ hai về giá trị đầu tư với vốn FDI đạt 1,82 tỷ USD, chiếm 16,9% tổng vốn đầu tư và tăng 53,9% so với cùng kỳ năm ngoái.
Nếu tính theo số lượng dự án, trong 4 tháng đầu năm, Hàn Quốc cũng là đối tác có nhiều nhà đầu tư quan tâm và đưa ra các quyết định đầu tư mới, mở rộng dự án đầu tư và góp vốn mua cổ phần nhiều nhất. Cụ thể, số dự án từ Hàn Quốc chiếm 18,7% số dự án mới, 33,7% số lượt điều chỉnh và 37,3% số lượt góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài trong 4 tháng đầu năm.
Cục Đầu tư Nước ngoài nhận định Việt Nam đang đứng trước cơ hội tốt để tăng cường thu hút nguồn vốn FDI từ Hàn Quốc, đặc biệt là trong lĩnh vực sản xuất, chế biến. Tuy nhiên, để đảm bảo duy trì sức hút với dòng vốn FDI, cần có những chính sách, cơ chế linh hoạt hỗ trợ các nhà đầu tư, tập trung kiểm soát giá đất công nghiệp, đẩy nhanh tốc độ thực hiện thủ tục chuẩn bị đầu tư, và phối hợp với các nhà đầu tư trong đào tạo nguồn nhân lực, đảm bảo được yêu cầu về chất lượng, số lượng để đảm bảo nhu cầu sản xuất nói chung.