Đạm Cà Mau (DCM) 9 tháng lãi ròng gần 3.300 tỷ, vượt hơn 500% kế hoạch năm

Trang Mai 14:32 | 25/10/2022 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Trong bối cảnh tình hình xuất khẩu 9 tháng đầu năm toàn ngành khởi sắc, CTCP Phân bón dầu khí Cà Mau (Đạm Cà Mau, mã: DCM) cũng ghi cho mình sự tăng trưởng ấn tượng với hơn 3.300 tỷ đồng doanh thu và 731 tỷ đồng lãi ròng.

Theo báo cáo kết quả kinh doanh hợp nhất quý III mới công bố, CTCP Phân bón dầu khí Cà Mau (Đạm Cà Mau, mã: DCM) ghi nhận doanh thu thuần tăng vọt 82,5% so với cùng kỳ, đạt 3.307 tỷ đồng. Trừ 2.299,7 tỷ đồng giá vốn, DCM thu về 1.007 tỷ đồng lãi gộp, tăng 73% so với cùng kỳ. 

Doanh thu hoạt động tài chính quý III/2022 đạt 82,46 tỷ, tăng hơn 96,9% so với cùng kỳ năm 2021 do lãi tiền gửi và các khoản lãi chênh lệch tỷ giá do đánh giá lại các khoản mục tiền tệ có gốc ngoại tệ tăng.

Các yếu tố chi phí sản xuất, chi phí bán hàng, quản lý đều tăng do biến động giá nguyên liệu đầu vào. Tuy nhiên nhờ sản lượng tiêu thụ tăng, giá phân bón thuận lợi làm cho lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp của công ty mẹ và hợp nhất tăng tương ứng 96,53% và 95,48% so với cùng kỳ năm 2021.

Kết quả trong kỳ, DCM báo lãi ròng gần 731 tỷ đồng, tăng 95% so với quý III/2021. Riêng lợi nhuận sau thuế của cổ đông Công ty mẹ ghi nhận 727,8 tỷ đồng.  

DCM giải thích nguyên nhân khiến doanh thu và lợi nhuận quý III tăng cao do sản lượng tiêu thụ các loại sản phẩm trong quý tăng hơn 30% so với cùng kỳ, kết hợp giá bán phân bón tiếp tục neo cao, cụ thể đơn giá bán bình quân sản phẩm Ure quý III/2022 đạt 13.781 đồng/kg, tăng hơn 32,7%, đơn giá sản phẩm NPK đạt 14.045 đồng/kg tăng hơn 20,4% so với cùng kỳ năm 2021 làm cho doanh thu bán hàng của công ty mẹ tăng hơn 82%.  

Lũy kế 9 tháng, DCM đạt doanh thu thuần 11.466 tỷ đồng, tăng 90% so với cùng kỳ và lãi ròng 3.272 tỷ đồng, cao gấp 4 lần cùng kỳ.

 

Tính đến ngày 30/9, tổng tài sản của DCM đạt 13.436 tỷ đồng, tăng 21% so với thời điểm đầu năm. Trong đó, các khoản tiền mặt và tiền gửi tăng 60% đạt 7.684 tỷ đồng, khoản đầu tư tài chính ngắn hạn đạt 6.912 tỷ đồng, hàng tồn kho còn 2.111,6 tỷ đồng. 

Nợ phải trả là 3.695,6 tỷ đồng, tăng 101,6 tỷ đồng. Khoản vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn chỉ có 36 tỷ đồng, giảm 94,8% từ đầu năm. Khoản phải trả người bán ngắn hạn 662,7 tỷ đồng, người mua trả tiền trước 407 tỷ đồng, chi phí phải trả ngắn hạn 607 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu của DCM đạt 9.741 tỷ đồng, tăng 30% từ đầu năm. 

 

Về tình hình lưu chuyển tiền tệ, dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh ghi nhận 4.423 tỷ đồng, tăng 105,9% so với cùng kỳ năm trước, đến chủ yếu từ lợi nhuận trước thuế. Dòng tiền từ đầu tư âm 2.482 tỷ đồng do DCM chi 8.860 tỷ đồng cho vay, mua các công cụ nợ của các đơn vị khác. Dòng tiền tài chính âm 1.602,6 tỷ đồng do công ty trả nợ gốc vay 2.047 tỷ đồng. Tính chung trong kỳ, dòng tiền thuần ghi nhận 338 tỷ đồng, tiền và tương đương tiền cuối kỳ do đó tăng lên 772 tỷ đồng.  

Năm 2022, DCM đặt kế hoạch tổng doanh thu hợp nhất là 9.060 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế hợp nhất 513 tỷ đồng. Như vậy, sau 9 tháng, DCM đã vượt 27% kế hoạch doanh thu năm và 538% kế hoạch lợi nhuận.

Theo Bộ Công Thương, 9 tháng đầu năm, xuất khẩu phân bón tăng 166% kim ngạch. Giá xuất khẩu phân bón trung bình đạt 637,7 USD/tấn, tăng mạnh 45,4% về khối lượng và tăng 83% về giá so với 9 tháng đầu năm 2021.

Riêng tháng 9/2022 xuất khẩu phân bón đạt 161.448 tấn các loại, đạt 94,26 triệu USD, giá 583,8 USD/tấn, tăng 36,9% về khối lượng, tăng 33,6% kim ngạch nhưng giảm 2,4% về giá so với tháng 8/2022. So với tháng 9/2021 thì tăng mạnh cả lượng, kim ngạch và giá, với mức tăng tương ứng 84,1%, 152,4% và 37%.

Các thị trường nhập khẩu lớn của Việt Nam là Campuchia, Hàn Quốc, Malaysia, Philippines.