Đề xuất áp thuế tiêu thụ đặc biệt với đồ uống có đường tại Việt Nam

Trang Mai 11:29 | 05/04/2024 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Đây là đề xuất được nhiều chuyên gia tán thành tại "Hội thảo cung cấp thông tin cho báo chí về tác hại của đồ uống có đường đối với sức khoẻ và vai trò của chính sách thuế trong kiểm soát tiêu dùng" được tổ chức sáng nay (5/4) tại Hà Nội.

Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Hồ Hồng Hải, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết: “Đi cùng với sự phát triển của đời sống kinh tế - xã hội, các sản phẩm đồ uống có đường (ĐUCĐ) ngày càng phổ biến trên thị trường, mức tiêu thụ ngày càng gia tăng trên toàn cầu, đặc biệt ở trẻ em và vị thành niên.

 Ông Hồ Hồng Hải, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Thông tin và Truyền thông. Ảnh: Mai Trang

Việc sử dụng ĐUCĐ không hợp lý là một trong những nguyên nhân chính gây ra thừa cân, béo phì và các rối loạn chuyển hóa cả ở người trưởng thành và trẻ em do làm tăng lượng calo nạp vào cơ thể, dẫn đến gia tăng tỷ lệ mắc bệnh đái tháo đường tuýp 2, tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu cũng như các biến chứng về bệnh tim mạch, đột quỵ và tử vong”.

Chia sẻ về một số giải pháp, ông Hải cho biết: “Theo khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), để có thể giảm mức tiêu thụ đường và chặn mức gia tăng đại dịch béo phì và đái tháo đường, các quốc gia cần thực hiện kết hợp ba nhóm giải pháp gồm: Áp thuế với ĐUCĐ, hạn chế quảng cáo ĐUCĐ đối với trẻ em và truyền thông về tác hại của việc sử dụng ĐUCĐ không hợp lý". 

Theo các chuyên gia tại hội thảo, việc áp thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) sẽ là một trong những giải pháp hữu hiệu để giảm thiểu thói quen sử dụng quá mức đồ uống có đường. 

Về cơ bản có ba phương thức chủ yếu dùng để đánh thuế TTĐB đối với đồ uống có đường: Đầu tiên là áp dụng thuế suất theo tỷ lệ phần trăm: Là phương pháp xác định mức thuế đối với hàng hóa, dịch vụ theo tỷ lệ phần trăm tính trên giá trị bằng tiền của hàng hóa, dịch vụ chịu thuế.

Bên cạnh đó là phương pháp áp dụng mức thuế tuyệt đối: Là phương pháp thu một mức thuế xác định bằng tiền trên một đơn vị hàng hóa, dịch vụ chịu thuế.

Cuối cùng là áp dụng đồng thời cả thuế suất theo tỷ lệ phần trăm và mức thu tuyệt đối (phương thức hỗn hợp): Số thuế TTĐB được tính theo mức thuế suất phần trăm trên giá tính thuế TTĐB và cộng thêm một mức thuế tuyệt đối trên một đơn vị hàng hóa chịu thuế TTĐB. Phương pháp này thu theo cả giá trị và đơn vị hàng hóa chịu thuế. Yêu cầu quản lý thuế đối với phương pháp thu này cũng đòi hỏi cao hơn so với thu theo một phương pháp riêng lẻ do thực hiện thu cả thuế tuyệt đối và thuế theo tỷ lệ phần trăm.

Hiện nay, tại Việt Nam chưa có thuế tiêu thụ đặc biệt đánh vào đồ uống có đường, sản phẩm này chỉ chịu ảnh hưởng của thuế giá trị gia tăng 10%. Nhận định về tác động của thuế tiêu thụ đặc biệt với đồ uống có đường, ThS Nguyễn Tuấn Lâm, WHO tại Việt Nam thông tin: “Việc tăng thuế để giá tăng 20%, sẽ làm giảm khoảng hơn 20% tiêu thụ nước ngọt, với điều kiện thuế tăng được chuyển hết vào giá”.

 ThS Nguyễn Tuấn Lâm, WHO tại Việt Nam. Ảnh: Mai Trang

Từ đó, ông Lâm đề xuất Việt Nam nên xem xét áp dụng thuế đồ uống có đường ở mức 20% giá bán lẻ theo khuyến nghị của WHO để giảm nguy cơ sức khỏe cho thế hệ tương lai. Đồng thời cân nhắc đánh thuế theo hàm lượng hoặc ngưỡng đường để khuyến khích sản phẩm giảm đường.

Chia sẻ với phóng viên, PGS. TS Trương Tuyết Mai, Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết: "Thuế là một trong những chính sách của Nhà nước và theo tôi, các chính sách đều mục tiêu quan trọng nhất là đảm bảo sức khỏe của người dân.

Do đó, thông qua chính sách thuế có thể giúp các nhà sản xuất kinh doanh thay đổi phương thức sản xuất cũng như phương thức tiếp cận người tiêu dùng, phương thức quảng cáo để đảm bảo cùng với hội, cùng với Nhà nước có trách nhiệm đối với sức khỏe người dân nhiều hơn".