Sửa Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt với ngành bia: Cần có lộ trình, tránh tạo 'cú sốc'
Tại cuộc họp, các đại biểu cũng tham gia ý kiến về các đối tượng chịu thuế, căn cứ tính thuế, thuế suất, lộ trình tăng thuế, giảm thuế; đề nghị rà soát đảm bảo thống nhất và đánh giá tác động một cách toàn diện, hài hòa để đảm bảo mối quan hệ giữa người sản xuất, người tiêu dùng và lợi ích xã hội… Đây là những ý kiến tâm huyết, trách nhiệm và dưới nhiều giác độ khác nhau và còn có ý kiến băn khoăn về một số nội dung, cần nghiên cứu kỹ lưỡng để hoàn thiện dự thảo luật.
Theo đại biểu Trịnh Xuân An (Đoàn Đồng Nai), cần đánh giá tác động tới môi trường kinh doanh của doanh nghiệp trước khi áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB). Vị đại biểu bày tỏ ủng hộ việc áp dụng thuế TTĐB đối với các mặt hàng xa xỉ, nhằm định hướng tiêu dùng. Tuy nhiên, cần tránh việc điều chỉnh thuế đối với những mặt hàng thiết yếu, đồng thời đề nghị cần rà soát, đánh giá, nhất là đánh giá tác động tới môi trường kinh doanh của doanh nghiệp. “Nếu tăng thuế gấp quá sẽ tác động ngay tới doanh nghiệp và môi trường kinh doanh”, đại biểu Trịnh Xuân An cho biết.
Trao đổi với báo chí bên lề cuộc họp, đại biểu Trần Hoàng Ngân (đoàn TP HCM) bày tỏ đồng tình với phương án thuế như dự thảo Luật Thuế TTĐB, tuy nhiên đại biểu cũng lưu ý, để hạn chế người dân uống rượu, bia không chỉ bằng công cụ thuế, mà cũng cần tăng cường xử phạt hành chính, kết hợp tuyên truyền như thời gian vừa qua.
“Vấn đề ở đây là công tác tuyên truyền, xử phạt, xử lý hành chính những người uống rượu, bia khi lái xe đã lập tức khiến người dân hạn chế uống rượu, bia chứ không phải là dùng công cụ thuế để hạn chế”, đại biểu phân tích.
Ông Ngân cũng bày tỏ đồng tình tăng thuế theo lộ trình đối với rượu, nhưng đối với bia cần phải cân nhắc thời điểm.
Theo đại biểu, đại dịch Covid 19 xảy ra, cộng với xử phạt hành chính đối với lỗi uống rượu bia khi tham gia giao thông đã khiến doanh thu bán hàng của các doanh nghiệp bia sụt giảm mạnh, ảnh hưởng lớn đến người lao động làm việc trong ngành bia cũng như tới chuỗi hệ thống phân phối, các nhà hàng, dịch vụ bán lẻ… liên quan.
Do đó, ông Ngân cho rằng, việc áp thuế đối với bia cần phải cân nhắc, có thể lùi 1, 2 năm chứ nếu tăng sớm trong bối cảnh doanh nghiệp vẫn đang “mệt mỏi” trong bối cảnh khó khăn vừa qua là chưa hợp lý.
Theo ông Ngân, mỗi người lao động trong ngành bia đóng góp 1 tỷ đồng vào ngân sách mỗi năm, nhân lên với 57 nghìn người lao động trong ngành này thì tổng đóng góp ngân sách vào khoảng 57.000 tỷ/năm. Trong vài năm đại dịch vừa qua, con số này giảm còn 50.000 nghìn người và ngân sách cũng giảm theo đó.
“Nhưng điều quan trọng là số người đi theo chuỗi liên quan đó rất lớn, cho nên quan điểm của tôi là ủng hộ tăng thuế đối với bia nhưng cần phải có độ trễ”, ông Ngân nói.
Đồng tình với quan điểm của đại biểu Ngân, đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn Hà Nội) cũng đồng ý với quan điểm nên lùi thời gian áp dụng với mặt hàng rượu, bia.
Theo vị này, mục tiêu chính và tính hiệu quả của thuế TTĐB là nhằm thay đổi hành vi người tiêu dùng đối với những sản phẩm có tính độc hại cho sức khoẻ cá nhân hoặc ảnh hưởng đến môi trường, chứ không phải là để thu ngân sách. Do đó, khi đưa ra giải pháp tăng thuế cần phải đánh giá khả năng đáp ứng đồng thời hai mục tiêu đó là có thay đổi hành vi tiêu dùng hay không và tác động đến thu ngân sách như thế nào.
Hiện nay, Chính phủ đang phải kích cầu tiêu dùng để đảm bảo tăng trưởng kinh tế. Mấy năm qua, tăng trưởng của Việt Nam chủ yếu là nhờ xuất khẩu, trong khi tiêu dùng trong nước vẫn đang rất chậm. Do đó, nếu tăng giá của bất kỳ mặt hàng tiêu dùng nào trong lĩnh vực dịch vụ ăn uống sẽ ảnh hưởng lập tức đến tăng trưởng kinh tế, nên có lẽ cũng cần phải xem lại.
“Tôi băn khoăn với mức tăng thuế TTĐB đối với rượu, bia theo 2 phương án mà Bộ Tài chính đề xuất đều dẫn đến giảm tăng trưởng GDP và giảm thu ngân sách do giảm tiêu dùng và các ngành dịch vụ chịu ảnh hưởng suy giảm.
Từ thực tiễn này, tôi cho rằng rất cần cân nhắc lộ trình tăng thuế TTĐB đối với rượu, bia và cách thức đánh thuế như thế nào cho hiệu quả.
Mục tiêu chính của thuế TTĐB là để thay đổi hành vi thì phải để cho người tiêu dùng nhận biết được việc đánh thuế sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến quyền, lợi ích của họ và nếu không thay đổi thì mục tiêu đặt ra là không đạt, trong khi lại chịu ảnh hưởng rất lớn.
Tôi đề nghị tăng thuế mạnh ngay lần đầu tiên, nhưng phải lùi thời gian áp dụng. Theo đó, ban hành Luật vào năm 2025 nhưng thời gian áp dụng lùi lại so với Dự thảo (bắt đầu từ năm 2027) để tăng cường việc tuyên truyền giúp người tiêu dùng có thời gian thay đổi hành vi. Đồng thời, để các doanh nghiệp chuẩn bị, nghiên cứu phương án chuyển đổi sản xuất sang các mặt hàng tác động ít đến sức khỏe và được khuyến khích hơn.
Có thể đánh thuế lần đầu cao, sau đó dừng 5 năm. Chẳng hạn, từ năm 2027 bắt đầu đánh thuế cao với rượu, bia. Sau đó, năm 2032 lại đánh thuế tiếp để người tiêu dùng và doanh nghiệp có thời gian chuyển đổi hành vi chứ không tăng đều đều hằng năm như phương án đề xuất của Bộ Tài chính”, đại biểu Cường nói.
Dự thảo Luật Thuế TTĐB đang sửa đổi theo hướng điều chỉnh tăng thuế suất thuế TTĐB đối với mặt hàng bia (mức thuế hiện nay là 65%) với 2 phương án được đề xuất:
Phương án 1, tăng thuế từ năm 2026, tăng theo từng năm và mỗi năm tăng 5% để tới năm 2030 thuế suất thuế TTĐB đối với bia là 90%.
Phương án 2, tăng thuế từ năm 2026 với mức tăng 15%, sau đó từ năm 2027 tăng từng năm và mỗi năm tăng 5% để tới năm 2030 thuế suất thuế TTĐB đối với bia là 100%.
Ngoài 2 phương án trên, Hiệp hội Bia – Rượu – Nước giải khát (VBA) đã gửi văn bản lên Bộ Tài chính đề xuất lùi thời hạn tăng thuế tới năm 2027, đồng thời tăng thuế ở mức 5% với lộ trình 2 năm tăng 1 lần, đến 80% vào năm 2031 để phù hợp với bối cảnh kinh tế.