“Đánh thuế nước giải khát có đường là không công bằng với các sản phẩm có đường khác”

Trang Mai 14:40 | 11/07/2024 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Trong dự thảo mới nhất Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt, Bộ Tài chính vẫn tiếp tục đề xuất áp thuế tiêu thụ đặc biệt với nước giải khát có đường, với mức thuế suất là 10%. Và điều này đang nhận được nhiều ý kiến trái chiều. Một bên thì cho rằng việc áp thuế sẽ giúp điều chỉnh hành vi, giảm bớt tình trạng béo phì. Nhưng ý kiến khác lại cho rằng tác nhân gây nên béo phì có rất nhiều, không chỉ riêng nước giải khát có đường.

Áp thuế TTĐB lên nước giải khát có đường có làm giảm tình trạng thừa cân, béo phì?

Bộ Tài chính đang lấy ý kiến góp ý với dự thảo Luật thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi). Trong đó, Bộ Tài chính đề xuất bổ sung nước giải khát theo Tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN) có hàm lượng đường trên 5g/100ml vào đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.

Theo Bộ Tài chính, việc bổ sung như trên là để ngăn ngừa và giảm thiểu tình trạng thừa cân, béo phì đáng báo động ở trẻ em và thanh thiếu niên, nhằm dự phòng giảm thiểu rủi ro bệnh tật và gánh nặng y tế đối với bệnh không lây nhiễm.

 Còn nhiều ý kiến trái chiều xung quanh dự thảo vềLuật Thuế tiêu thụ đặc biệt. Ảnh: Báo Chính phủ

Tuy nhiên, theo báo cáo của Viện Dinh dưỡng, tại Việt Nam, tỷ lệ thừa cân béo phì ở học sinh khu vực thành thị cao hơn nhiều so với học sinh ở khu vực nông thôn (lần lượt là 41,9% và 17,8%), nhưng tỷ lệ tiêu thụ nước ngọt ở mức độ thường xuyên của trẻ em khu vực thành thị lại thấp hơn mức tiêu thụ của trẻ em ở khu vực nông thôn (lần lượt là 16,1% và 21,6%). Do đó nước giải khát có đường không phải là nguyên nhân duy nhất dẫn đến tình trạng thừa cân béo phì. 

Phát biểu tại Hội thảo góp ý hoàn thiện luật thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) do VCCI tổ chức sáng 11/7, các chuyên gia cho rằng trên thị trường hiện nay không chỉ có các sản phẩm nước giải khát là có đường, không nên tách riêng mặt hàng này để đánh thuế. Đồng thời, việc áp thuế có thể khiến giảm việc dùng nước ngọt, nhưng trên thị trường còn rất nhiều sản phẩm khác như trà sữa, cà phê sữa, hay các thức uống khác. Do đó, việc áp thuế với nước giải khát có đường có thể gây nên sự mất công bằng về chính sách thuế. 

Đánh thuế TTĐB với nước giải khát là “không công bằng”

Theo bà Chu Thị Vân Anh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội bia - rượu - nước giải khát Việt Nam (VBA), chính sách này ảnh hưởng không nhỏ đến sự phục hồi của các doanh nghiệp trong ngành, đặc biệt trong bối cảnh giá thành các nguyên liệu gia tăng và người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu, doanh nghiệp cũng đồng thời chịu nhiều sức ép từ các nghĩa vụ tài chính phát sinh.

Đại diện VBA phân tích, kể từ khi đại dịch Covid, lợi nhuận toàn ngành đã giảm tới 67%, trong đó mức giảm nghiêm trọng nhất ở khối doanh nghiệp nhỏ và vừa, nhiều doanh nghiệp phải đối mặt với nguy cơ phá sản. Mặc dù có những dấu hiệu phục hồi, nhưng công suất sản xuất của toàn ngành vẫn ở mức dưới 80% và các doanh nghiệp trong ngành đã và đang bị ảnh hưởng bởi lạm phát kéo theo sự suy giảm xu hướng tiêu dùng toàn cầu, chi phí nguyên vật liệu gia tăng và sự đứt gãy cung cầu với biến động khó lường và tăng giá của nguyên vật liệu và nhiên liệu.

Các doanh nghiệp cũng đã và đang đồng thời chịu nhiều sức ép từ các trách nhiệm tài chính mới như trách nhiệm tái chế và có thể phải thực hiện một số trách nhiệm khác như kiểm kê và giảm phát thải khí nhà kính cùng hàng loạt các loại phí môi trường đang dự kiến bổ sung mới như phí khí thải, phí nước thải,... theo quy định của pháp luật bảo vệ môi trường với chi phí ước tính lên tới hàng trăm tỷ đồng

Là một trong những doanh nghiệp trực tiếp chịu ảnh hưởng nếu luật thuế TTĐB có hiệu lực, chia sẻ tại hội thảo, ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch Ủy ban Quan hệ Doanh nghiệp và Pháp chế của Tập đoàn Tân Hiệp Phát cho rằng, việc áp thuế TTĐB với nước giải khát có đường có hai mục tiêu chính: Giảm tình trạng béo phì và mục tiêu về ngân sách. 

Với mục tiêu đầu tiên, ông Hưng cho hay với các số liệu từ Viện dinh dưỡng, các hiệp hội, “rõ ràng nguyên nhân thừa cân, béo phì có rất nhiều, đặc biệt là việc không vận động. Đường chỉ là một trong những nguyên nhân nhỏ. Vậy thì câu hỏi là tại sao muốn ngăn ngừa thừa cân, béo phì mà chúng ta không áp dụng thuế TTĐB với mỡ, chất béo, những tác nhân gây nên bệnh thừa cân, béo phì nhiều hơn là đường?”, ông Hưng đặt câu hỏi. 

Còn với mục tiêu thay đổi hành vi tiêu dùng, đại diện Tân Hiệp Phát phân tích: “Thực ra bệnh thừa cân béo phì là bệnh của “nhà giàu”, và khi người ta có tiền thì chuyện áp thuế không có ý nghĩa. Cũng giống như xe hơi, chúng ta cũng áp dụng thuế TTĐB. Trên thực tế thì xe hơi ở Việt Nam gần như đắt nhất thế giới nhưng  chúng ta cũng vẫn tiêu thụ, vẫn mua xe hơi, không hạn chế được”.

“Đặc biệt, thừa đường là nguy hiểm, thiếu đường cũng là nguy hiểm. Vậy nếu áp dụng thuế TTĐB với nước giải khát có đường thì cũng có thể ngăn chặn khả năng tiếp cận đường của những người cần đường’, ông Hưng nói thêm. 

Bên cạnh đó, ông Hưng cũng bày tỏ dự thảo thuế suất 10% cho “nước giải khát theo Tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN), có hàm lượng đường trên 5g/100ml” cũng là chưa hợp lý và cần tính toán lại. 

Ngoài ra, vị này cho rằng việc áp thuế này sẽ gây nên sự không công bằng giữa các doanh nghiệp, ngành nghề. “Trong ngành của chúng tôi cạnh tranh rất khốc liệt. Như tôi đã nói trong một hội thảo gần đây, cạnh tranh lành mạnh là một cuộc chơi thể thao và thành tích của chúng ta ngày càng được nâng lên thì người có lợi là người tiêu dùng. Nếu áp thuế TTĐB cho nước giải khát có đường thì cả ngành sẽ bị ảnh hưởng. Trong khi đó những sản phẩm khác có đường thì lại không bị ảnh hưởng. Điều đó tạo nên một sự không bằng giữa nước giải khát có đường và các sản phẩm khác có đường. Tôi nghĩ như thế là không phù hợp”.

 

“Chỉ cần tăng thuế 200-300 đồng/chai nước là việc tiêu thụ đã thay đổi hoàn toàn”

Ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch Ủy ban Quan hệ Doanh nghiệp và Pháp chế của Tập đoàn Tân Hiệp Phát

Đề cập đến những tác động nếu áp thuế TTĐB, đại diện doanh nghiệp Tân Hiệp Phát cho biết ngành sản xuất nước giải khát là một ngành khá đặc thù, có chi phí đầu tư lớn, kéo theo nhiều kế hoạch dài hạn như thuế đất, nhà xưởng, nhân công, đào tạo… Khi mức thuế thay đổi thì giá cả sản phẩm cũng phải thay đổi. Trong khi đó “đối với ngành nước giải khát thì giá cả là rất nhạy cảm. Các doanh nghiệp cạnh tranh với nhau chỉ cần điều chỉnh 200 đồng, 300 đồng trên một chai nước là việc tiêu thụ đã thay đổi hoàn toàn. Vậy nên mức thuế 10% sẽ khiến các doanh nghiệp rất khó khăn, các kế hoạch dài hạn sẽ không thay đổi kịp”. Bên cạnh  đó, việc không tiêu thụ được sản phẩm sẽ ảnh hưởng đến hàng nghìn nhà cung cấp, kênh phân phối và hàng triệu người nông dân. 

Trước đó, trong công văn gửi Văn phòng Chính phủ, tham gia góp ý kiến về Hồ sơ dự án Luật thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) ngày 21/6 mới đây, Hiệp hội mía đường Việt Nam cho rằng vẫn còn nhiều bất cập trong các khái niệm "đồ uống có đường" và "nước giải khát có đường theo Tiêu chuẩn Việt Nam". Do đó, đại diện Hiệp hội kiến nghị bỏ tiêu chí "hàm lượng đường trên 5g/100ml" vì không còn phù hợp thực tế, có thể dẫn đến nguy cơ bỏ qua đối tượng chịu thuế chính hiện nay là đồ uống có chứa đường lỏng sirô ngô HFCS.

“Tăng thuế TTĐB nhưng chưa thay đổi được hành vi của người tiêu dùng”

Đứng trên góc độ của cơ quan thuế, trao đổi với phóng viên Doanh nhân Việt Nam, ông Nguyễn Văn Phụng, Vụ trưởng quản lý thuế doanh nghiệp lớn (Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính) đánh giá: “Tôi theo dõi và thấy rằng rất nhiều năm qua chúng ta tăng thuế TTĐB nhưng chưa thay đổi được hành vi của người tiêu dùng. Chúng ta tăng thuế từ 45% lên tới 65, 75% nhưng sức tiêu dùng vẫn tăng lên. Và Nhà nước phải tăng thuế lên để điều chỉnh hành vi đó, và vừa bảo đảm được nguồn thu cho ngân sách nhà nước. Thế nhưng tăng bao nhiêu, tăng nhóm hàng nào, tăng thời điểm nào thì tôi đề nghị là phải tính toán kỹ”.

Theo ông Phụng, việc tăng thuế phải gắn với các biện pháp quản lý, phải đổi mới quản lý để đảm bảo công bằng trong thực thi thì chính sách mới đạt được hiệu quả, tránh tình trạng né thuế, trốn thuế, hay người dân sẽ sử dụng các mặt hàng khác mà không có sự kiểm soát nghiêm ngặt.