TS Cấn Văn Lực: 'Có thể xem xét lùi thời điểm hiệu lực của luật thuế TTĐB đến 1/1/2027'
Ngành đồ uống “khó chồng khó”, bức tranh kinh doanh kém sắc
Phát biểu tại hội thảo Góp ý Dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) đối với đồ uống có cồn diễn ra mới đây, TS Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV phân tích, có 4 khó khăn chính các doanh nghiệp nói chung và trong ngành đồ uống nói riêng đang phải đối diện là: Pháp lý, tài chính, chi phí đầu vào liên tục tăng và những rủi ro về lao động.
Ngoài các khó khăn chung, doanh nghiệp ngành đồ uống còn đối mặt với việc “khó chồng khó”. Khó khăn đầu tiên là từ dịch bệnh, các biện pháp phong toả, cách ly, đóng cửa các cơ sở ăn uống, lưu trú, vui chơi - giải trí kéo dài... tác động tới tiêu thụ của ngành. Tiếp đó là việc ngành không được hưởng chính sách hỗ trợ thuế GTGT (giảm 2%) đối với đồ uống có cồn.
Thứ ba là Nghị định 100/2019/NĐ-CP về xử lý hành chính vi phạm nồng độ cồn. Đặc biệt là chi phí, giá nguyên vật liệu chính tăng từ 15-40% cũng khiến ngành đồ uống đã khó lại càng thêm khó.
Mặt khác, ngành phải thực hiện các nghĩa vụ chính sách bắt buộc về bảo vệ môi trường từ 2024, chuyển sang sử dụng các nguồn nguyên liệu xanh, cắt giảm khí phát thải nhà kính… khiến chi phí tăng thời gian qua.
Không chỉ vậy, tình trạng buôn lậu, hàng giả, hàng trôi nổi đối với rượu, bia khá phức tạp; đặc biệt là rượu thủ công tự nấu, chiếm tới 63% tổng lượng rượu tiêu thụ trên thị trường. Điều này đã đặt ra các vấn đề về quản lý và chất lượng rượu.
Đồng thời, lối sống, hành vi của người tiêu dùng thay đổi, đòi hỏi doanh nghiệp ngành phải thích ứng.
Chính những khó khăn này đã khiến kết quả bức tranh kinh doanh của ngành không có nhiều khả quan. Giai đoạn 2021-2023 lợi nhuận bình quân toàn ngành đồ uống giảm bình quân 10%/năm. Bộ Công Thương dự báo năm 2024 doanh thu của ngành tăng khoảng 10-12%. “Nhưng đây là mức tăng so với mức rất thấp của năm ngoái, còn nếu so với trước dịch bệnh thì vẫn đang bị suy giảm”, TS Lực nhấn mạnh.
Quy mô ngành đồ uống khoảng 27 tỷ USD doanh thu (theo Statista), trong đó đồ uống không cồn đạt doanh thu 10,22 tỷ USD chiếm 38%, đồ uống có cồn gần 17 tỷ USD, chiếm 62%. Nếu đánh thuế vào đồ uống có cồn thì tác động tới 62% của thị trường.
Đánh thuế tiêu thụ đặc biệt "chưa chắc" giúp thay đổi hành vi tiêu dùng
Theo TS Cấn Văn Lực, ngành đồ uống đóng góp ngân sách Nhà nước khoảng 60.000 tỷ đồng/năm (riêng thuế tiêu thụ đặc biệt chiếm trên 40.000 tỷ đồng/năm). Giai đoạn 2021-2023, lợi nhuận bình quân toàn ngành liên tục giảm: năm 2021 giảm 12%, năm 2022 giảm 6%, năm 2023 ước giảm 10% so với năm trước. Thu ngân sách toàn ngành giảm bình quân 10%/năm.
Năm 2024, hàng tồn kho ngành đồ uống tiếp tục tăng, riêng 6 tháng đầu năm 2024 tăng 29% so với cùng kỳ. Các doanh nghiệp lớn trong ngành đều giảm doanh thu, lợi nhuận...
Nếu đánh giá theo giá cổ phiếu của ngành, các nhà đầu tư có cái nhìn rất tích cực, vì đây là lĩnh vực thiết yếu. Giá cổ phiếu vẫn tăng khoảng 27%, nhưng trong lĩnh vực ăn uống (liên quan tới nhà hàng, khách sạn) giá cổ phiếu giảm… chứng tỏ còn nhiều khó khăn.
Theo Tax Foundation (2023), thuế tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống nếu được thiết kế phù hợp có thể giúp hạn chế tiêu dùng. Ngược lại, nếu không phù hợp có thể tạo ra một số hệ luỵ tiêu cực cho nền kinh tế như gia tăng tình trạng trốn, lậu thuế, sói mòn nguồn thu ngân sách trong dài hạn.
Đánh giá về khả năng đánh thuế giúp giảm nhu cầu sử dụng các loại đồ uống có cồn, chuyên gia kinh tế cho rằng "chưa chắc". Bởi lẽ có thể người tiêu dùng sẽ chuyển sang rượu lậu, các loại đồ uống khác có giá rẻ hơn, và điều này sẽ ảnh hưởng đến sức khoẻ nhiều hơn.
Trong bối cảnh khó khăn như vậy, TS Lực cho rằng cần tính toán mức thuế tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống có cồn một cách hợp lý, hài hoà, có thời điểm và lộ trình tăng phù hợp hơn. Có thể xem xét lùi thời điểm hiệu lực của luật đến 1/1/2027.
"Nếu tăng nhanh quá, cao quá doanh nghiệp sẽ bị sốc, tổng hoà lợi ích nền kinh tế bị suy giảm, thậm chí còn tác dụng ngược liên quan tới hành vi lách luật, điều tiết sang hành vi tiêu dùng không mong muốn", TS Lực nhấn mạnh.
Chuyên gia cũng đồng ý việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống, giúp tăng thu ngân sách nhà nước trong ngắn hạn, nhưng trong trung và dài hạn, sẽ làm giảm sức cầu tiêu dùng, thu hẹp quy mô và giá trị sản xuất, giảm giá trị tăng thêm của nền kinh tế, giảm doanh thu và lợi nhuận của doanh nghiệp, qua đó giảm thu thuế VAT và thu nhập doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, cần hài hoà lợi ích giữa nhà nước – doanh nghiệp và người dân. Đặc biệt, cần có đánh giá tác động đầy đủ, khoa học, khách quan; tăng cường đa dạng hoá nguồn thu, thay vì tận thu.
TS Cấn Văn Lực gợi ý nên cân nhắc những mặt hàng đưa vào diện chịu thuế cần làm rõ trên nhiều cơ sở khoa học, thực tiễn, phù hợp với đặc thù Việt Nam. Đánh giá tác động ngân sách cần đa chiều hơn kể cả trước mắt và lâu dài.
Hơn nữa, cần đồng bộ nhiều chính sách, vì một thứ thuế không giải quyết được vấn đề, mà cần tăng chi ngân sách cho tuyên truyền, cho giáo dục, phòng chống buôn lậu...
Đồng thời, rà soát để có sự đồng bộ với nhiều luật khác như Luật Phòng chống tác hại rượu bia, Luật thuế giá trị gia tăng, Luật quảng cáo, Luật chất lượng sản phẩm hàng hoá, Luật bảo vệ môi trường…
Đồng tình với ý kiến của TS Lực, TS Nguyễn Minh Thảo, Trưởng Ban Môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh, Viện Nghiên cứu quản lý Kinh tế trung ương cho biết: Qua nghiên cứu định lượng thì nhóm thực hiện nhận thấy khi tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với bia thì nguồn thu ngân sách nhà nước từ thuế sản phẩm (thuế gián thu) tăng. Nhưng xét chung về tác động kinh tế, khi tăng thuế sẽ ảnh hưởng tới sản xuất của ngành bia, từ đó làm giảm sản xuất của các ngành trong quan hệ liên ngành. Hệ quả là dẫn tới khấu hao tài sản cố định của doanh nghiệp giảm, kéo theo lợi nhuận giảm sút, làm giảm thu nhập của người lao động và do đó thuế trực thu giảm.
Bà Thảo kết luận, tăng thu ngân sách nhà nước trong cả hai phương án của Bộ Tài chính đều chỉ trong ngắn hạn, hơn nữa cũng không bù đắp được mức sụt giảm tổng giá trị tăng thêm của nền kinh tế. Đại diện Viện Nghiên cứu quản lý Kinh tế trung ương khuyến nghị, khi đề xuất phương án tăng thuế tiêu thụ đặc biệt cần đánh giá toàn diện và tính tới các yếu tố như: bối cảnh kinh tế, thực trạng doanh nghiệp, yêu cầu về phát triển các ngành sản xuất, dịch vụ trong nước, các công cụ điều tiết khác sẵn có, các hệ lụy kinh tế, xã hội…