Điểm danh loạt tỉnh thành hút tỷ USD vốn ngoại sau 9 tháng, xuất hiện 'làn gió mới' Nghệ An và Thái Bình
Số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, tính đến ngày 20/09/2023, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam đã đạt gần 20,21 tỷ USD, tăng 7,7% so với cùng kỳ. Ngành bất động sản là lĩnh vực đứng thứ 2 với tổng vốn đầu tư đạt gần 1,94 tỷ USD, chiếm hơn 9,6%.
9 tháng đầu năm, hàng loạt địa phương đã cán mốc hút trên 1 tỷ USD vốn FDI, vượt mục tiêu năm dù chưa hết quý IV.
9 địa phương hút tỷ USD trong cuộc đua vốn ngoại
Ở khu vực phía Bắc, TP Hải Phòng đã thu hút gần 3,1 tỷ USD vốn FDI trong 9 tháng đầu năm, tăng 140,3% so với cùng kỳ và đạt 152,78% kế hoạch đề ra của thành phố. Qua đó, về đích trước 4 tháng kế hoạch thu hút vốn FDI trong năm 2023.
Riêng trong tháng 9, Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng đã trao Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho một số dự án với tổng vốn đầu tư gần 1,4 tỷ USD. Đồng thời, trao Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư điều chỉnh tăng vốn 237,5 triệu USD cho Khu đô thị, công nghiệp và dịch vụ VSIP Hải Phòng (nhà đầu tư Nhật Bản), nâng tổng vốn đầu tư của dự án này lên 425 triệu USD.
Tại Hà Nội, theo thông tin từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, 9 tháng qua Thủ đô có tổng vốn đầu tư đăng ký gần 2,53 tỷ USD, chiếm gần 12,5% tổng vốn đầu tư đăng ký và tăng gấp 2,46 lần so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó có hơn 2 tỷ USD là giá trị góp vốn, mua cổ phần, hơn 215 triệu USD là vốn đăng ký điều chỉnh và gần 270 triệu USD là vốn đăng ký cấp mới.
Tại Bắc Giang, số liệu từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy tổng vốn FDI đăng ký cấp mới, vốn tăng thêm và vốn góp trong 9 tháng qua của tỉnh này đạt hơn 1,76 tỷ USD. Trước đó, nếu xét riêng 8 tháng đầu năm, Bắc Giang thu hút 1,49 tỷ USD vốn ngoại, tăng 176% so với cùng kỳ, vượt mức cả năm 2022 và đứng thứ 2 cả nước (chỉ sau Hà Nội).
Tại Thái Bình, mới đây tỉnh này vừa đón thêm 3 nhà đầu tư nước ngoài đổ bộ vào Khu công nghiệp Liên Hà Thái, đánh dấu lần đầu tiên địa phương này thu hút trên 1 tỷ USD vốn FDI trong năm.
Được biết, 3 dự án FDI mới có tổng vốn đầu tư đạt 270 triệu USD, thuộc 3 doanh nghiệp ngoại là Công ty Pegavision Corporation, Công ty TNHH Goodway Cayman và Công ty TNHH Longstar Lighting Hạ Môn.
Tại thủ phủ công nghiệp Bắc Ninh, 9 tháng đầu năm, tỉnh này đã hút khoảng 1,3 tỷ USD vốn FDI, tăng gấp 3,1 lần về số dự án cấp mới và gấp 5,1 lần về vốn đăng ký so cùng kỳ, theo Báo Bắc Ninh.
Trong đó, nhà đầu tư Trung Quốc chiếm số đông với khoảng 450 dự án trên toàn tỉnh, chủ yếu thuộc các lĩnh vực như sản xuất linh kiện điện tử, cơ khí chính xác, công nghiệp dân dụng… Tổng vốn đầu tư các dự án này đạt khoảng 950 triệu USD.
Ở khu vực miền Trung, Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho hay, trong 9 tháng, Nghệ An đã cấp mới 14 dự án với tổng số vốn hơn 1,015 tỷ USD. Đồng thời, điều chỉnh tổng vốn đầu tư cho 7 dự án FDI với tổng mức 256,79 triệu USD. Tổng cộng cả dự án đầu tư mới và tăng vốn, tỉnh đã thu hút hơn 1,272 tỷ USD, tăng 221,8% so với cùng kỳ năm 2022.
Với sự kiện trao Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho Tập đoàn Sunny ngày 20/9 vừa qua, Nghệ An đã đánh dấu cột mốc lần đầu tiên thu hút vốn FDI vượt mốc trên 1 tỷ USD/năm. Hiện toàn tỉnh có 130 dự án FDI đăng ký đầu tư, tổng vốn tích lũy đạt 3,85 tỷ USD.
Ở khu vực phía Nam, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, trong 9 tháng qua, TP HCM có tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài của địa phương đạt gần 1,96 tỷ USD.
Trong khi đó ở Bình Dương, con số này là hơn 1,38 tỷ USD. Lũy kế đến ngày 30/9/2023, toàn tỉnh Bình Dương có 4.175 dự án đầu tư từ 65 quốc gia và vùng lãnh thổ với tổng vốn đăng ký hơn 40 tỷ USD.
Tại Đồng Nai, qua 3 quý, tổng vốn đầu tư nước ngoài đạt gần 1,09 tỷ USD, đạt gần 134% kế hoạch năm của tỉnh. Lũy kế 9 tháng đầu năm, tỉnh đã thu hút được hơn 120 dự án FDI.
Ông Nguyễn Trí Phương, Trưởng Ban Quản lý Khu công nghiệp Đồng Nai tiết lộ điểm nổi bật trong thu hút FDI của tỉnh là có nhiều doanh nghiệp đầu tư từ Trung Quốc đã chuyển một phần vốn sang Việt Nam. 9 tháng qua, Đồng Nai đã cấp mới cho 17 dự án có vốn đầu tư từ Trung Quốc với tổng vốn gần 150 triệu USD.
Làn sóng FDI lần 4 sắp đổ bộ vào Việt Nam?
Báo cáo về thị trường bất động sản công nghiệp do Savills Việt Nam vừa công bố đã chỉ ra trong các quốc gia có mức đầu tư vào Việt Nam lớn nhất, Singapore dẫn đầu với 25% tổng vốn, trị giá 1,4 tỷ USD. Kế đến là Trung Quốc với tổng vốn đầu tư chiếm 23% và Hong Kong ở mức 12%.
Xét theo khu vực trong nước, phía Bắc là nơi thu hút đầu tư lớn nhất với 3,4 tỷ USD, tương đương 63% dự án FDI sản xuất đăng ký mới. Trong khi đó, khu vực phía Nam đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư đạt 1,4 tỷ USD hay 27% dự án. Về số dự án, miền Bắc giữ vị trí đầu tiên với 238 dự án mới, miền Nam ghi nhận 122 dự án và miền Trung có 19 dự án.
Chia sẻ với người viết, bà Nguyễn Hoài An - Giám đốc cấp cao chi nhánh Hà Nội CBRE Việt Nam đánh giá: “Bất động sản công nghiệp là phân khúc xuất hiện nhiều điểm sáng nhất trong năm 2023 và đây cũng không phải năm đầu tiên chúng tôi ghi nhận những kết quả tích cực ở phân khúc này.
Một trong những yếu tố ảnh hưởng lớn nhất tới thị trường bất động sản công nghiệp là dòng vốn đầu tư nước ngoài. Có thể thấy năm 2023, thị trường này đang được hưởng lợi từ việc Việt Nam củng cố quan hệ ngoại giao, tăng cường hợp tác với các nền kinh tế lớn của thế giới, điển hình là với Hoa Kỳ sau chuyến thăm của Tổng thống Joe Biden diễn ra mới đây.
Minh chứng là thông qua đó, một số doanh nghiệp Hoa Kỳ đã thể hiện sự quan tâm và mong muốn mở nhà máy sản xuất, hướng tới đầu tư vào các ngành nghề công nghệ cao tại Việt Nam. Ngoài ra, nhiều tỉnh thành cũng đã vượt mục tiêu năm về thu hút vốn ngoại.
Từ đây, cơ hội cho Việt Nam có thể kỳ vọng đón nhận “làn sóng” đầu tư nước ngoài lần thứ 4 (theo cách tạm gọi của chúng tôi) đang được mở ra. Tuy nhiên, điều này đòi hỏi Việt Nam phải sẵn sàng đảm bảo các điều kiện, yếu tố, đơn cử như như cơ sở hạ tầng, nguồn lao động trình độ cao, điện, nước,…
Đây là những thách thức chúng ta cần chuẩn bị trong thời gian ngắn nhất có thể, nếu không các nhà đầu tư nước ngoài hoàn toàn có thể rẽ hướng lựa chọn sang những địa điểm khác ngay trọng khu vực Đông Nam Á”.
Theo chuyên gia, thời gian tới thị trường bất động sản công nghiệp trong nước sẽ tiếp tục có nhiều chuyển biến với kỳ vọng tăng trưởng về nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI, sự chuyển dịch và đa dạng về ngành nghề của các doanh nghiệp FDI, xu thế sẽ tập trung nhiều vào lĩnh vực công nghệ cao.
“Cán cân cung - cầu trên thị trường đang khá cân bằng. Dù thị trường đang có nhiều sự cạnh tranh, song các chủ đầu tư khu công nghiệp đang được hưởng lợi từ khả năng tăng giá thuê ở ngưỡng tốt và đà phát triển lành mạnh của phân khúc này.
2 năm tới, giá thuê đất công nghiệp dự kiến sẽ tăng ở ngưỡng 6 - 10%/năm tại khu vực phía Bắc và 4 - 8%/năm tại khu vực phía Nam. Giá thuê kho xưởng xây sẵn cũng dự kiến tăng nhẹ từ 2 - 4%/năm”, bà An bổ sung.