Điểm mặt loạt dự án chung cư cho cư dân `ở chui` trái phép tại Hà Nội
Trường hợp thứ nhất diễn ra tại Tổ hợp thương mại, văn phòng và nhà ở cao tầng Eco – Green Tower (còn gọi là chung cư Viễn Đông Star) có địa chỉ tại số số 1 phố Giáp Nhị, phường Thịnh Liệt, quận Hoàng Mai với hàng loạt vi phạm.
Đầu tiên, vào tháng 7/2020, chủ đầu tư của chung cư này là Công ty CP Sông Đà 1.01 đã bị UBND quận Hoàng Mai phạt hành chính theo quy định 75 triệu đồng bởi lý do dám đưa hạng mục công trình tại chung cư Viễn Đông Star vào sử dụng khi chưa có văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền.
Lãnh đạo quận Hoàng Mai cũng ra quyết định đình chỉ, tạm ngưng hoạt động đối với 13 căn hộ và khu vực sảnh tầng 1 nơi bố trí gian hàng giới thiệu sản phẩm tại chung cư Viễn Đông Star.
Tính đến thời điệm hiện tại, chung cư này vẫn chưa được nghiệm thu PCCC và có văn bản văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu của cơ quan quản lý nhà nước để đưa vào sử dụng.
Ảnh minh họa
Dù vướng loạt sai phạm về pháp lý như trên nhưng chủ đầu tư vẫn bất chấp lệnh đình chỉ, đưa cư dân vào ở, theo tìm hiểu của Báo Pháp luật Việt Nam thì chung cư đã bàn giao nhà cho 100 hộ dân với khoảng 600 nhân khẩu sinh sống, hộ sớm nhất cũng đã chuyển đến khoảng 1 năm nay.
Người dân sống trong đó hiện đang phải chịu những rủi ro về pháp lý: Đầu tiên các thủ tục liên quan về điều kiện khi bàn giao nhà cho người dân thì chủ đầu tư chưa làm được. Tiếp theo người dân trong vài tháng gần đây thường bị cắt điện nhất là trong dịp nắng nóng vừa qua, có những ngày bị cắt liên tục từ 7 đến 8 lần. Các thiết bị như điều hòa hay bếp điện đun nấu gần như không được sử dụng, hoặc phải sử dụng theo giờ.
Nguyên nhân chính xuất phát bởi vấn đề PCCC đã nêu trên, chưa được nghiệm thu nên không được cấp điện theo quy định. Giờ đây, chủ đầu tư phải dùng điện của công trình xây dựng tòa nhà bán cho các hộ dân, dẫn đến tình trạng công suất điện không đủ phục vụ sinh hoạt cho cư dân.
Trường hợp tương tự là chung cư tại số 129D Trương Định (Hai Bà Trưng, Hà Nội). Theo phản ánh của báo Dân Việt, nhiều cư dân sống tại đây cho biết họ đã bỏ tiền mua nhà của 2 Công ty cổ phần Đồng Tháp và Công ty Đầu tư Phát triển Nhà Hà Nội 22 (Handico 22) là liên danh chủ đầu tư và được bàn giao nhà để cư dân về ở từ năm 2017. Tuy nhiên, do các sai phạm của chủ đầu tư, các hộ gia đình tại chung cư này không được chính quyền thừa nhận.
Ba năm vừa qua, người dân chưa được hưởng các quyền cơ bản nhất như: tạm thường trú, hộ khẩu, sinh hoạt đảng, quyền trẻ em và chăm sóc người cao tuổi, không được điều tra dân số... Thậm chí trong đợt dịch vừa rồi người dân không được kê khai để hưởng chính sách hỗ trợ của Chính phủ. Người dân ở đây ví von họ như "sống chui" giữa Thủ đô hoa lệ.
Hai dự án "tiêu biểu" khác trên địa bàn phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân bị báo chí phản ánh cũng bởi những biểu hiện tương tự là: dự án chung cư để bán và văn phòng làm việc cho thuê tại phường Nhân Chính (Quận Thanh Xuân) do Công ty CP đầu tư và phát triển nhà Hà Nội số 41 và Tổng Công ty Thành An đứng sau đóng vai trò chủ đầu tư.
Giới chuyên gia đưa ra lời khuyên với người mua căn hộ, khi tiến hành bàn giao, ngoài việc kiểm tra căn hộ thì còn cần phải kiểm tra mức độ hoàn thiện của các tiện ích, hạ tầng trong dự án. Bên cạnh đó, việc quan trọng là phải yêu cầu chủ đầu tư xuất trình biên bản nghiệm thu, chấp thuận nghiệm thu của cơ quan nhà nước để chứng minh.
Người mua nhà có quyền từ chối bàn giao nếu phát hiện chủ đầu tư không đáp ứng đủ những điều kiện bàn giao theo quy định của pháp luật. Trong trường hợp bị ép buộc cần thông báo ngay tới cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng (Sở xây dựng), PCCC vào cuộc để bảo vệ quyền lợi của mình.
H.S
Xem thêm: Nhiều dự án BĐS tại Hà Nội có thể bị `bêu tên` bởi liên quan tới sai phạm và các vấn đề pháp lý