Doanh nghiệp không trả được nợ, ngân hàng ồ ạt thanh lý tài sản, đất đai
Từ đầu năm đến nay, hàng loạt lô bất động sản vài trăm tỉ đến cả ngàn tỉ đồng, được các ngân hàng thương mại tích cực rao bán để thu hồi nợ xấu.
Thời gian gần đây, ngoài ô tô thì bất động sản cũng là một tài sản được các ngân hàng ồ ạt thanh lý để thu hồi nợ. Việc bán đấu giá các tài sản thế chấp bao gồm nhà đất, căn hộ... tại các ngân hàng thương mại hiện diễn ra khá phổ biến.
Ngân hàng ồ ạt rao bán bất động sản giá trị
Một trong những ngân hàng đang tích cực thu hồi nợ xấu thông qua phát mại, bán đấu giá tài sản là Sacombank, khi vừa thông báo bán đấu giá hàng loạt tài sản gồm bất động sản, ôtô các loại ở TP. Hồ Chí Minh.
Nhiều lô đất hàng chục tỉ ở các quận trung tâm TP. Hồ Chí Minh cũng được đem bán để thu hồi nợ như khu đất trên đường Trần Hưng Đạo, quận 5 diện tích 254m2 giá 63,9 tỷ đồng; Bất động sản trên đường Điện Biên Phủ, quận 3 diện tích 270 m2 giá 58 tỷ đồng. Ngoài ra, còn có khu nhà đất trên đường Nguyễn Biểu, quận 5 diện tích 1.774 m2 giá 195,2 tỷ đồng; dãy nhà đất diện tích lên tới 6.327 m2 ở đường Hòa Bình, quận Tân Phú giá hơn 392 tỉ đồng hay lô bất động sản trên đường D2, quận Bình Thạnh với diện tích 6.382 m2 giá 423,9 tỷ đồng…
Agribank liên tục thông báo bán đấu giá tài sản bảo đảm, lựa chọn tổ chức bán đấu giá tài sản bảo đảm để xử lý nợ. Cụ thể, Agribank chi nhánh Trung tâm Sài Gòn rao bán 2 tài sản thế chấp là 2 lô nhà đất ở đường Tôn Thất Đạm, quận 1 với giá 69 tỷ đồng.
LienVietPostBank chi nhánh TP. Hồ Chí Minh đem bán đấu giá khoản nợ có tài sản bảo đảm là quyền thu phí phát sinh tại dự án đầu tư xây dựng đoạn tuyến nối từ đường Võ Văn Kiệt đến cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Trung Lương (giai đoạn 1), theo hình thức BOT và hiện đang trong quá trình thi công. Đây chính là dự án của Công ty CP Tập đoàn Yên Khánh, do nữ đại gia 8X Vũ Thị Hoan làm giám đốc. Bà Hoan đã bị Cơ quan Điều tra hình sự Bộ Quốc phòng khởi tố, bắt tạm giam từ cuối tháng 11 năm ngoái.Thông tin từ LienVietPostBank, tính đầu tháng 4/2019, khoản nợ tạm tính hơn 457 tỷ đồng, trong đó dư nợ gốc là hơn 435 tỷ đồng và lãi quá hạn trên 21,9 tỷ đồng. Hiện ngân hàng đang khởi kiện khách hàng tại TAND quận 1, TP. Hồ Chí Minh để yêu cầu thanh toán khoản nợ.
Khách sạn trăm tỉ cũng được ngân hàng bán đấu giá
Saigon One Tower là tòa nhà có vị trí đắc địa nằm trên đường Tôn Đức Thắng giao với đường Võ Văn Kiệt, quận 1, TP.HCM. Được công ty Quản lý tài sản (VAMC) đưa dự án Cao ốc Saigon One Tower ra bán đấu giá công khai với mức giá khởi điểm là 6.110 tỷ đồng.
Với khoản dư nợ gốc và lãi hơn 1.000 tỷ đồng, BIDV Chi nhánh Phú Tài đang rao bán hàng loạt tài sản thế chấp do CTCP Tập đoàn Khải Vy cầm cố tại ngân hàng.Danh sách bất động sản của Khải Vy nối dài với dự án đầu tư xây dựng Khách sạn, trung tâm tiệc cưới Crystal Palace tại khu đô thị Phú Mỹ Hưng, quận 7. BIDV Chi nhánh Phú Tài rao bán Trung tâm hội nghị tiệc cưới Crystal Palace của tập đoàn này với giá 535 tỷ đồng để thu hồi nợ nhưng không có nhà đầu tư tham gia. Sau nhiều lần rao bán không thành, giá khởi điểm gần nhất ngân hàng đưa ra cho khách sạn, trung tâm tiệc cưới này là 356 tỷ đồng, thấp hơn 33% so với giá rao bán lần đầu.
Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) đang thông báo bán đấu giá tài sản gắn liền với đất tại lô số 14, khu công viên phần mềm Quang Trung, phường Tân Chánh Hiệp, Quận 12, TP. Hồ Chí Minh. Cụ thể, thửa đất có diện tích 5.646m2, có mục đích sử dụng là xây dựng Trường kỹ thuật tin học Sài Gòn (SaigonTech). Thời hạn sử dụng đất đến ngày 24/12/2056. Hạng mục công trình gắn liền trên đất là tòa nhà 1 tầng hầm, 12 thầng và 1 tầng kỹ thuật, xây dựng năm 2006. Giá khởi điểm của tài sản bán đấu giá là hơn 190,6 tỷ đồng, chưa bao gồm thuế GTGT. Khách hàng tham gia đấu giá phải nộp khoản tiền đặt trước bằng 10% giá khởi điểm (tức hơn 19 tỷ).
Bất động sản hàng tỷ đến hàng trăm tỷ được ngân hàng giao bán từ nhiều năm nay
Ngân hàng (SCB) tiếp tục bán đấu giá quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất thuộc dự án khu cao ốc căn hộ và biệt thự cao cấp BMC Hưng Long. Phiên đấu giá diễn ra vào ngày 14/8. Mức giá khởi điểm cho khối tài sản này là 2.530 tỉ đồng. Hiện tại, ngân hàng chưa công bố kết quả đấu giá. Trước đó, ngân hàng từng đấu giá bán dự án trên vào tháng 6 nhưng bất thành.
Ngân hàng TMCP Quốc Dân (NCB) rao bán khách sạn Fusion suites Saigon trên đường Sương Nguyệt Ánh, quận 1 cũng đang được chủ đầu tư rao bán với giá 50 triệu USD, tương đương 1.165 tỷ đồng.
Vì sao ngân hàng ồ ạt bán thanh lý tài sản?
Lãnh đạo trung tâm xử lý nợ một ngân hàng lớn cho biết việc các ngân hàng ồ ạt thanh lý tài sản đảm bảo để xử lý nợ từ tháng 8 đến nay không phải điều bất ngờ. Theo đó, việc xử lý nợ xấu, tài sản đảm bảo gắn với nợ xấu của ngân hàng cũng giống như kết quả kinh doanh là đều được lên kế hoạch, chỉ tiêu xử lý từ đầu. Việc các ngân hàng rao bán ồ ạt gần đây là do những tháng trước đó ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 nên không thể thực hiện các phiên đấu giá.
Đến nay, khi dịch bệnh đã cơ bản được khống chế, các hoạt động dần được nối lại thì ngân hàng mới thực hiện bán đấu giá tài sản để xử lý nợ. Ngoài những tài sản phải thanh lý theo kế hoạch mới, những tài sản đã rao trước đó nhưng chưa thanh lý được cũng phải hạ giá để bán lại. Vì vậy, từ nay đến cuối năm sẽ vẫn còn những đợt thanh lý tài sản lớn khác của ngân hàng.
Ngân hàng cũng thừa nhận với những tài sản có giá trị thấp (dưới 5 tỷ đồng) như ôtô hay căn hộ chung cư… thanh khoản thị trường tương đối cao. Nhưng những tài sản giá trị lớn như khách sạn, dự án bất động sản, khu công nghiệp… giá trị từ vài trăm tỷ cho tới vài nghìn tỷ đồng rất khó để bán trong 1-2 lần đấu giá. Thông thường, các tài sản giá trị vài chục tỷ đồng đã phải mất tới 5-9 lần hạ giá với mức giảm 15-25% mới có thể thanh lý. Nhiều dự án khu công nghiệp có giá trị trên dưới 1.000 tỷ rao bán nhiều lần, giảm giá hàng trăm tỷ nhưng đến nay vẫn không có nhà đầu tư tham gia.
Bà Nguyễn Đức Thạch Diễm, Tổng giám đốc Sacombank, cho biết năm 2020, ngân hàng này dự kiến xử lý và thu hồi 11.000 tỷ nợ xấu thông qua hoạt động bán đấu giá nợ và tài sản đảm bảo đi kèm nợ. Do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 từ đầu năm nhiều đối tác đấu giá của ngân hàng đã gặp khó khăn. Tuy vậy, doanh số đấu giá thành công sau nửa đầu năm vẫn đạt gần 10.000 tỷ đồng. Trong đó, số thực thu bằng tiền mặt về là 1.800 tỷ, số dư còn lại đang trong quá trình hoàn tất thủ tục, dự kiến hoàn tất từ nay đến cuối năm. Với tốc độ xử lý nợ như hiện nay, bà Diễm cho rằng doanh số xử lý nợ xấu và tài sản bảo đảm của Sacombank có thể vượt xa con số kế hoạch 11.000 tỷ đồng đặt ra hồi đầu năm. Tuy vậy, tốc độ sẽ phải phụ thuộc vào tình hình dịch bệnh và khả năng tài chính của các đối tác tham gia đấu giá.
Nguyễn Dung