Dòng vốn cho thị trường bất động sản: Trái phiếu vẫn tiềm năng, doanh nghiệp tiếp cận kênh mới
Dự thảo sửa đổi Nghị định 153 đang được Bộ tài chính trình Chính phủ, trong đó có quy định về xếp hạng tín nhiệm đối với tổ chức phát hành. Thực tế, các doanh nghiệp địa ốc lớn trên sàn cho biết đã và đang chuẩn bị cho việc xếp hạng tín nhiệm để tiếp tục huy động vốn qua trái phiếu, bởi đây vẫn được xem là kênh huy động vốn hiệu quả bền vững, trong bối cảnh kiểm soát tín dụng hiện nay.
Nhiều doanh nghiệp bất động sản cho biết, thời gian qua, các đơn vị này liên tục mở rộng các kênh huy động vốn khác nhau để đảm bảo dòng tiền, như: IPO, vay vốn ngân hàng, và kênh trái phiếu trong và ngoài nước.
Số liệu báo cáo từ Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA) cho thấy, tính chung nửa đầu năm, bất động sản đứng ở vị trí thứ hai với giá trị phát hành gần 43 ngàn tỷ đồng, chiếm tỷ trọng gần 26% cơ cấu phát hành toàn thị trường.
Nhận định về kênh trái phiếu bất động sản, TS. Lê Xuân Sang - Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam - chia sẻ trên TTXVN: Bất động sản có tầm quan trọng trong nền kinh tế cũng như trong cuộc sống của con người. Trong quá trình phát triển kinh tế thị trường, các kênh đầu tư bất động sản; trong đó có thị trường bất động sản nhà ở, ngày càng đa dạng, từ chỉ đơn thuần nguồn vốn tự có, người thân, vay ngân hàng, đến phát hành cổ phiếu bất động sản, trái phiếu bất động sản và gián tiếp qua các quỹ đầu tư bất động sản (Quỹ tín thác đầu tư bất động sản – REIT). Tại Việt Nam, các kênh đầu tư này đã có và phát triển với các mức độ khác nhau.
Theo Tiến sỹ Lê Xuân Sang, tại Việt Nam, kênh đầu tư trái phiếu bất động sản và chứng chỉ quỹ Quỹ Đầu tư bất động sản ra đời muộn hơn. Nhưng những kênh đầu tư này nếu được quản lý tốt sẽ mang hiệu quả cho nền kinh tế, doanh nghiệp, nhà đầu tư; đồng thời, giúp thị trường phát triển lành mạnh, giảm nhẹ rủi ro cho các đối tượng liên quan.
Cùng với thị trường cổ phiếu, thị trường trái phiếu doanh nghiệp cũng là kênh quan trọng trong huy động vốn đầu tư thị trường bất động sản. Thị trường này giúp giảm nhẹ rủi ro cho hệ thống tài chính và doanh nghiệp, nhất là trong giảm thiểu các rủi ro do sai lệch quá lớn về kỳ hạn và loại đồng tiền trong bảng cân đối kế toán - vốn là một nguyên nhân cốt yếu gây khủng hoảng tiền tệ Đông Á. Phát triển thị trường chứng khoán; trong đó có trái phiếu doanh nghiệp giúp thúc đẩy tốt hơn tính minh bạch, trách nhiệm giải trình, định giá tài sản - doanh nghiệp và quản trị doanh nghiệp; trong đó có quản trị rủi ro.
Tiến sỹ Lê Xuân Sang cho rằng, muốn phát triển các kênh vốn cho bất động sản cần phải củng cố, lành mạnh hóa các kênh hiện hữu như tín dụng ngân hàng, trái phiếu doanh nghiệp bất động sản và thúc đẩy mạnh hơn, gắn liền với lành mạnh hóa, giảm rủi ro các kênh mới hình thành và còn yếu như đầu tư qua các quỹ REIT.
Hoàn thiện kênh huy động vốn
Theo ông Nguyễn Quang Thuân, Chủ tịch, kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần FiinGroup cho biết, thời gian gần đây, Ngân hàng Nhà nước có động thái siết chặt tín dụng bất động sản nhằm hạn chế các hoạt động đầu cơ, giúp thị trường trở nên minh bạch. Chủ trương siết tín dụng khiến người dân, nhà đầu tư, đặc biệt là doanh nghiệp bất động sản khó tiếp cận với nguồn vốn vay từ ngân hàng.
Trong bối cảnh này, việc tiếp tục đa dạng hóa và hoàn thiện các kênh huy động vốn đầu tư bất động sản là một trong những ưu tiên chính sách.
Chia sẻ trên Báo Đầu tư, giám đốc tài chính một doanh nghiệp bất động sản lớn tại TP HCM cho rằng, việc kiểm soát các kênh tín dụng ngân hàng và trái phiếu là cần thiết, nhưng chưa phải giải pháp bền vững cho thị trường. Tuy nhiên, việc hãm phanh đột ngột với các kênh vốn chảy về bất động sản có thể tạo ra nhiều hệ luỵ. Trước mắt khiến cho thanh khoản của thị trường giảm, doanh nghiệp không dám mở rộng đầu tư, làm khan hiếm nguồn cung và đẩy giá bất động sản tăng cao.
Báo cáo cập nhật thị trường trái phiếu vừa công bố, Công ty cổ phần Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) cũng nhận định, trong bối cảnh kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào lĩnh vực bất động sản và giám sát chặt chẽ hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp, các doanh nghiệp bất động sản sẽ khó khăn hơn trong việc huy động vốn trong vài quý tới.
Điểm tích cực mà KBSV quan sát được ở nhóm bất động sản niêm yết là, bên cạnh hai kênh huy động vốn truyền thống là tín dụng và trái phiếu trong nước, các doanh nghiệp bất động sản niêm yết cũng đã và đang đa dạng nguồn vốn, tiếp cận các kênh mới như quỹ đầu tư, mua bán - sáp nhập (M&A) và liên doanh quốc tế.
Chẳng hạn, Tập đoàn Novaland mới đây đã hoàn tất chào bán 250 triệu USD trái phiếu chuyển đổi và trái phiếu kèm chứng quyền cho các đối tác nước ngoài, Đất Xanh Group dự kiến phát hành xong 300 triệu USD trái phiếu chuyển đổi quốc tế trong quý III/2022…
KBSV đánh giá, dù chịu áp lực chung của ngành bất động sản trong bối cảnh hiện tại, nhưng nhóm bất động sản niêm yết quy mô lớn hoàn toàn có khả năng trả nợ khi đến thời điểm đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp.