Facebook hiện thực hóa tham vọng thế giới ảo với cái tên mới, nhưng có thoát khỏi những rắc rối hiện tại?

16:00 | 29/10/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Như đã từng được rò rỉ trên loạt nguồn tin trong những ngày gần đây, cuối cùng Facebook đã chính thức có cái tên mới Meta cùng với những kế hoạch mới mặc những tranh cãi xuất hiện ngày càng nhiều

Theo đó, rạng sáng ngày 29/10, CEO Mark Zuckerberg đã chính thức đổi tên Faccebook sang Meta tại sự kiện Facebook Connect vừa diễn ra. Điều này chính thức biến mạng xã hội trùng tên cũ xuống chỉ còn là một trong những công ty con của công ty Meta, cùng với Instagram và WhatsApp, chứ không phải là một thương hiệu bao trùm như trước nữa. 

Việc đổi tên tương tự như cách Google đã đổi tên thành Alphabet năm 2015. Tức là việc đổi tên chỉ áp dụng cho công ty mẹ, Facebook, Instagram và WhatsApp - những nền tảng mạng xã hội, tiện ích có hàng tỷ người dùng mỗi tháng vẫn sẽ tiếp tục hoạt động theo tên cũ.

Cái tên Meta sẽ giúp Facebook thoái khỏi rắc rối? Ảnh: @AFP

CEO Mark Zuckerberg tuyên bố rằng kể từ bây giờ, công ty của vị doanh nhân này sẽ được biết đến đầu tiên như một vũ trụ ảo (metaverse), không chỉ còn là Facebook. 

Meta được lấy cảm hứng từ tiếng Hy Lạp, có nghĩa là "vượt qua giới hạn". Nó được tích hợp nhiều sản phẩm, ứng dụng mạng xã hội, nhắn tin như Facebook, Messenger, Instagram, Whatsapp. Oculus. Việc đổi tên này phù hợp với sự tập trung ngày càng tăng của công ty vào metaverse (vũ trụ ảo) - kết hợp công nghệ thực tế ảo và thực tế tăng cường trong một lĩnh vực trực tuyến mới. 

"Thay tên đổi họ" giữa loạt tâm bão

Giới chuyên gia ví von rằng đổi tên thương hiệu của Facebook là cách để công ty đánh lạc hướng sự chú ý của dư luận đến những rắc rối gần đây. 

Loạt đám mây đen bao phủ Facebook trong thời gian gần đây như thông tin sai lệch về nền tảng của nó, lỗi kiểm duyệt nội dung và bị cáo buộc tiết lộ về tác động tiêu cực mà sản phẩm của họ gây ra đối với sức khỏe tinh thần của một số người dùng.

Danh tiếng của Facebook đã đi xuống rất nhiều sau loạt khủng hoảng

Cuộc đại tu thương hiệu có giá trị lên đến 10 tỷ USD. Công ty mới Meta cho biết họ sẽ chi số tiền trên trong nhiều năm tới để phát triển các công nghệ cần thiết để xây dựng metaverse. Zuckerberg cho biết rất điều này là một chặng đường dài, với các yếu tố của metaverse có khả năng trở thành xu hướng chủ đạo trong 5 đến 10 năm nữa. Công ty dự kiến "sẽ đầu tư nhiều tỷ đô la trong nhiều năm tới trước khi đạt quy mô đi đầu toàn cầu", Zuckerberg nói thêm.

Tất nhiên, vẫn còn rất nhiều ý kiến ngờ vực xung quanh những nỗ lực này của mạng xã hội lớn nhất thế giới. 

Rebecca Biestman, giám đốc tiếp thị của Reputation cho biết việc thay đổi tên gọi tương tự như phủ một lớp sơn mới lên tên thương hiệu cũ vốn bị nhiều vết ố khủng hoảng truyền thông như Facebook.

"Đó là một cái tên tồi tệ nhất trong số tất cả những cái tên. Nếu chúng ta đã không tin tưởng họ trong thế giới thực, thì tại sao chúng ta lại ở cùng họ trong thế giới ảo? " Kirsten Martin, giáo sư công nghệ tại Đại học Notre Dame đặt vấn đề với tờ MarketWatch.

Đồng quan điểm với Martin, nhà đầu tư mạo hiểm Roger McNamee nói với MarketWatch rằng Facebook đang cố gắng đánh lạc hướng các nhà báo và các nhà hoạch định chính sách khỏi bằng chứng của người tố giác về các quyết định quản lý vô trách nhiệm và hành vi phạm tội tiềm tàng. Đồng thời ông tin rằng: Nếu công ty thay đổi luôn cơ cấu tổ chức, điều đó sẽ là để bảo vệ Mark Zuckerberg khỏi trách nhiệm giải trình cho những tổn hại mà công ty dưới sự lãnh đạo của anh ấy gây ra suốt thời gian qua. 

Được biết, khi nhắc tới Zuckerberg, bản thân CEO Meta cũng đang gặp rắc rối trong thời gian gần đây. 

Theo Business Insider, một số thành viên quản lý của gia đình Zuckerberg bị hai người từng làm việc tại đây tố quấy rối và phân biệt đối xử.

Cụ thể, trong đơn gửi lên tòa án quận của San Francisco, hai nhân viên cũ Mia King và John Doe nói họ bị một phụ tá của nhà Zuckerberg lạm dụng, phân biệt chủng tộc và kỳ thị đồng tính. Họ cũng bị trả đũa sau khi tố cáo nội bộ. 

Trước khi nghỉ việc, King, một phụ nữ da đen và tham gia cộng đồng LGBTQ, là trợ lý an ninh trong hai năm 2018-2019 cho gia đình Zuckerberg. Còn Doe, một người đàn ông đồng tính và tàn tật, là quản gia từ 2017 đến 2019.

Vợ chồng Mark Zuckerberg và Priscilla Chan hiện thuê hàng chục người và một mạng lưới các công ty để quản lý công việc gia đình. Trong số những người bị kiện có các thành viên cấp cao của Chan Zuckerberg Initiative và Iconiq Capital - công ty con chuyên quản lý tài sản được Zuckerberg bảo trợ.

Ngoài ra, sau vụ cựu nhân viên  Frances Haugen đã chia sẻ tài liệu nội bộ của Facebook cho 17 tờ báo lớn, cũng như ra điều trần trước Quốc hội Mỹ với loạt những bí mật kinh khủng của mạng xã hội thì hệ quả là CEO Meta đang bị nhiều thượng nghị sĩ yêu cầu thực hiện điều tương tự.

Richard Blumenthal, Chủ tịch tiểu ban của Ủy ban Thương mại Thượng viện về bảo vệ người tiêu dùng thẳng thừng chỉ trích vị CEO trong phiên điều trần đầu tháng 10:

"Không xin lỗi, không thừa nhận, không hành động, không có gì để nói ở đây. Mark Zuckerberg cần phải đến trước Ủy ban, giải thích với Francis Haugen, với chúng tôi, với thế giới và với các bậc phụ huynh ở Mỹ về những gì mạng xã hội đang làm và tại sao làm như vậy". 

Hôm 20/10, thượng nghị sĩ Blumenthal tiếp tục yêu cầu những người có trách nhiệm tại Facebook phải giải trình trước Quốc hội Mỹ: "Các bậc phụ huynh trên khắp nước Mỹ vô cùng lo lắng trước báo cáo nói rằng, Facebook biết Instagram có thể gây ra tác hại lâu dài và hủy hoại sức khỏe, tinh thần thanh thiếu niên. Họ có quyền biết sự thật về sự an toàn của Instagram", Blumenthal nêu trong bức thư gửi Facebook. Ông nhấn mạnh việc điều trần của Zuckerberg và Mosseri là "khẩn cấp và cần thiết" để cung cấp cho Quốc hội và các bậc phụ huynh để họ kiểm soát con em mình tốt hơn. 

Quyền lực của Mark Zuckerberg tại Facebook lớn như thế nào?

Nhiều chỉ trích đều cho rằng Mark Zuckerberg đang hủy hoại Facebook nhưng không ai trong công ty có thể lật đổ vị trí tối thượng của vị CEO. 

Dù chỉ sở hữu không quá bán số cổ phiếu công ty, loại cổ phiếu Zuckerberg nắm giữ có quyền biểu quyết lớn hơn nhiều so với cổ phiếu phổ thông, nên việc loại ông khỏi vị trí hiện tại được đánh giá là "gần như không thể". Ngay cả khi hội đồng quản trị và cổ đông đoàn kết để chống lại, ông vẫn có thể tự quyết các vấn đề nếu muốn.

"Ông ta là một vị vua, không phải là một CEO", cựu nhân viên Facebook Yael Eisenstat nói với Time đầu tháng 10.

Tài liệu rò rỉ cho biết: "Ông ta có quyền kiểm soát đơn phương đối với 3 tỷ người". 

Dù vậy, cách quản lý này cũng khiến các cổ đông phải phàn nàn nhiều về công ty bởi Mark Zuckerberg giúp những người này giàu có theo và kiếm được bộn tiền. Theo thống kê, cổ phiếu Facebook chưa bắt kịp Google hay Apple về giá trị, nhưng vẫn tăng 75% kể từ tháng 10/2019. 

Các nhà đầu tư chỉ quan tâm đến lợi nhuận mà mình kiếm được, những tin tức xấu hôm 25/10 chỉ khiến cổ phiếu công ty giảm 5% vào ngày hôm sau, nhưng tăng trở lại 3% sau đó. Thậm chí, nó còn tiếp đà tăng tăng 4% sau một bài phát biểu quan trọng và đầy cường điệu từ Giám đốc điều hành Mark Zuckerberg về cuộc "lột xác" mang tên Meta. 

Nếu không có những sự can thiệp thì chính quyền Mỹ, nhiều khả năng Meta (Facebook cũ) và bản thân Mark Zuckerberg sẽ chẳng hề hấn gì và lại thoát hiểm ngoạn mục khỏi những rắc rối như mọi lần.