Gần 4,2 tỷ USD vốn ngoại đổ vào bất động sản Việt Nam trong 11 tháng

Đông Bắc 14:47 | 28/11/2022 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Bên cạnh ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; kinh doanh bất động sản vẫn là lĩnh vực thu hút dòng vốn của các nhà đầu tư ngoại với tổng vốn đầu tư gần 4,19 tỷ USD trong 11 tháng, chiếm 16,7% tổng vốn đầu tư đăng ký vào Việt Nam.

Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và đầu tư, tính đến ngày 20/11, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài đạt hơn 25,1 tỷ USD, bằng 95% so với cùng kỳ năm 2021, tăng 0,4 điểm phần trăm so với 10 tháng.

Trong số 19 ngành, lĩnh vực thu hút vốn FDI, ngành kinh doanh  bất động sản đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư gần 4,19 tỷ USD, chiếm 16,7% tổng vốn đầu tư đăng ký; chỉ xếp sau ngành công nghiệp chế biến, chế tạo với tổng vốn đầu tư đạt hơn 14,96 tỷ USD.

 Kinh doanh bất động sản tiếp tục đứng thứ hai trong số các lĩnh vực thu hút dòng vốn của các nhà đầu tư ngoại. Ảnh KTĐT.

 Nhà đầu tư ngoại “săn tìm” dự án bất động sản đã hoàn thiện

Thực tế cho thấy nguồn vốn đầu tư nước ngoài vẫn đổ mạnh vào thị trường bất động sản Việt Nam ở nhiều phân khúc.

Chẳng hạn mới đây, sau hàng loạt dự án bất động sản tại Bình Dương hợp tác cùng Becamex IDC, Tokyu Corporation (Nhật Bản) tiếp tục công bố thành lập liên danh với Tập đoàn Danh Khôi để triển khai dự án căn hộ nghỉ dưỡng tại Bà Rịa - Vũng Tàu.

Trước đó, hồi giữa tháng 7/2022, CapitaLand Development - nhánh kinh doanh phát triển bất động sản của Tập đoàn CapitaLand (Singapore) mua lại quỹ đất rộng 8 ha tại TP Thủ Đức (TP HCM), dự kiến hoàn tất thương vụ vào quý IV/2023.

Ngoài ra còn có một số thương vụ đáng chú ý như Dự án Trung tâm dữ liệu cấp độ 3 có diện tích 6.056 m2 tại Khu công nghệ cao TP HCM được công bố bởi tổ chức đầu tư tư nhân Gaw Capital Partners có trụ sở tại Hồng Kông (Trung Quốc)...

 Nhà đầu tư ngoại tìm kiếm dự án bất động sản đã hoàn thiện. Ảnh TN. 

Có thể thấy, bất chấp nhiều khó khăn đang diễn ra, bất động sản Việt Nam vẫn là “mảnh đất lành” được các nhà đầu tư nước ngoài giàu tiềm lực quan tâm. Điều này nằm ngoài dự đoán của nhiều chuyên gia khi cho rằng, bất ổn thị trường có thể khiến dòng vốn ngoại chậm lại.

Tại Diễn đàn M&A Việt Nam 2022 do Báo Đầu tư tổ chức mới đây, bà Trang Bùi, Tổng giám đốc Công ty Cushman & Wakefield Việt Nam cho biết, thị trường bất động sản luôn có nhiều cơ hội, nhưng cũng tiềm ẩn rủi ro. “Câu hỏi đặt ra là chúng ta nên hăm hở bước tiếp, hay chậm lại quan sát thêm?”, CEO Cushman & Wakefield đặt vấn đề và cho rằng, có những yếu tố nền tảng rất hấp dẫn tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương và nhiều nhà đầu tư trả lời “yes, and yes” khi được hỏi có muốn đầu tư vào thị trường bất động sản Việt Nam không.

Dưới góc độ một nhà đầu tư nước ngoài tham gia thị trường bất động sản Việt Nam từ sớm, bà  Khanh Nguyễn, Giám đốc Khối Phát triển kinh doanh của Gamuda Land cho hay, năm 2010 cũng là thời điểm khó khăn của thị trường bất động sản, nhưng Tập đoàn vẫn quyết định đầu tư vào Việt Nam. Lúc đó, những khu vực mà Gamuda Land chọn không quá cạnh tranh, nhưng Tập đoàn đã thành công với hướng đi đó.

Vì vậy, giai đoạn khó khăn này, Gamuda Land vẫn cam kết đầu tư mạnh mẽ vào thị trường Việt Nam. “Chúng tôi coi thời điểm này là giai đoạn điều chỉnh tiếp theo của thị trường. Chúng tôi đang mong đợi sự điều chỉnh về hành lang pháp lý vào năm 2023 để thị trường phát triển bền vững hơn”, bà Khanh Nguyễn chia sẻ.