Giá đường tiếp tục duy trì mức cao, dự báo 'niên vụ ngọt ngào' cho doanh nghiệp mía đường
Trước lo ngại về nguồn cung khan hiếm đè nặng lên an ninh lương thực toàn cầu, giá đường đã tăng vọt lên mức cao nhất trong vòng hơn một thập kỷ. Cụ thể, giá đường thô thế giới ghi nhận nhịp tăng "thẳng đứng" từ đầu tháng 4, chạm 24,67 US cent/lb vào ngày 19/4 và cũng là mức cao nhất kể từ quý I/2012.
Bên cạnh đà tăng phi mã của giá đường thế giới, các biện pháp phòng vệ thương mại sẽ có ảnh hưởng rõ rệt hơn so với năm 2022, dẫn đến lượng đường nhập khẩu giảm trong khi tồn kho đường nhập khẩu giá rẻ trong năm 2022 đang giảm dần. Do đó, giá đường nhập khẩu vào Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trong năm 2023. Tuy nhiên, đường nhập khẩu vẫn chiếm khoảng 70% tổng nguồn cung do đó đường nhập lậu vẫn sẽ gây áp lực cạnh tranh lên giá đường trong nước.
Trong báo cáo cập nhật triển vọng ngành đường vừa công bố, VNDirect kỳ vọng giá đường sẽ duy trì ở mức cao trong năm 2023. Cụ thể, chuyên gia kỳ vọng giá đường toàn cầu trong 6 tháng đầu năm 2023 sẽ được hỗ trợ bởi sản lượng đường thấp hơn dự kiến ở Ấn Độ và sản xuất đường ở châu Âu bị ảnh hưởng tiêu cực bởi thời tiết bất lợi (hạn hán) và các doanh nghiệp sản xuất mía đường Brazil dự kiến sẽ tiếp tục ưu tiên sản xuất ethanol thay vì đường do đợt tăng giá xăng gần đây.
Cùng với quan điểm của VNDirect, trong báo cáo ngành mía đường quý I/2023, CTCK Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (VCBS) cho biết biện pháp bảo hộ đối với ngành đường trong nước đã có hiệu quả khi nhập khẩu đường từ Thái Lan, Lào và Campuchia trong quý I giảm hơn 12% trong với cùng kỳ, nguồn nhập thay thế chủ yếu đến từ Úc và Indonesia.
Bên cạnh đó, giá thu mua mía đã hồi phục về mức trung bình 1,05 - 1,1 triệu đồng/tấn do khan hiếm nguồn cung, tạo tiền đề thúc đẩy người nông dân mở rộng vùng nguyên liệu tạo. Giá đường được dự báo sẽ tăng quanh mức 18.000 - 18.500 đồng/kg nhờ nhu cầu trong nước tăng và giá đường nhập khẩu kém cạnh tranh sau áp thuế thúc đẩy nhu cầu với đường trong nước.
Thực tế, việc giá đường tăng từ thời điểm đầu năm đã phản ánh rõ nét trong bức tranh kinh doanh quý III niên độ 2022 - 2023 (từ ngày 1/1 - 31/3/2023) của các doanh nghiệp trong ngành.
Là doanh nghiệp ghi nhận kết quả kinh doanh tăng trưởng ấn tượng trong quý III tài chính, Đường Kon Tum (mã: KTS) báo lãi ròng thu về hơn 12 tỷ đồng, gấp 3,2 lần cùng kỳ và là mức lợi nhuận cao nhất của doanh nghiệp tính đến thời điểm hiện tại.
Mía đường Sơn La (mã: SLS) cũng ghi nhận lợi nhuận sau thuế quý thứ hai liên tiếp duy trì trên trăm tỷ. Cụ thể, lãi ròng quý III tài chính đạt hơn 109 tỷ đồng, tăng 90%; và cũng mức lãi kỷ lục trong một quý của doanh nghiệp này. Ngoài việc doanh thu tăng 28% do sản lượng cùng giá bán tăng, một trong những lợi thế giúp SLS đạt kết quả này đến từ việc Công ty được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp do hoạt động chế biến nông sản tại tỉnh Sơn La. Bên cạnh đó, doanh thu hoạt động tài chính kỳ này tăng 100% lên gần 11 tỷ đồng, chủ yếu do lãi cho vay đầu tư vùng nguyên liệu mang lại gần 8 tỷ đồng.
"Ông lớn" Đường Quảng Ngãi (mã: QNS) cũng có quý "ngọt ngào" khi thu về doanh thu thuần gần 2.130 tỷ đồng, lãi sau thuế gần 317 tỷ đồng, tăng lần lượt 17% và 80% so với cùng kỳ. Về từng mảng kinh doanh, QNS cho biết một số sản phẩm có mức tăng trưởng cao như sản phẩm đường có sản lượng tiêu thụ tăng 90%, doanh thu tăng 80%, qua đó đóng góp 746 tỷ đồng tổng doanh thu. Dù vậy, mảng sữa đậu nành vẫn giữ vai trò chủ lực với 817 tỷ đồng, giảm hơn 8% so với cùng kỳ.
Ở chiều ngược lại, trong khi phần đông doanh nghiệp đón kết quả tích cực, Thành Thành Công - Biên Hòa (TTC Sugar, mã: SBT) công bố BCTC quý III niên độ 2022 - 2023 với kết quả không mấy khả quan. Mặc dù doanh thu thuần hơn 5.710 tỷ đồng, tăng 62%; trong đó mảng kinh doanh đường chiếm gần 91% tỷ trọng, đạt hơn 5.174 tỷ đồng, tăng 76%. Điểm “ghì” lại lợi nhuận của TTC Sugar trong quý này là việc chi phí tài chính tăng lên gấp đôi, cùng các chi phí bán hàng, quản lý doanh nghiệp đều tăng lên đáng kể. Kết quả, lãi ròng doanh nghiệp giảm 27% còn hơn 149 tỷ đồng.
Trở lại với dự báo triển vọng của toàn ngành mía đường năm nay, trong báo cáo ngành nông nghiệp công bố vào đầu tháng 4, VNDirect cho rằng các công ty chủ yếu sử dụng nguyên liệu mía trong nước như SLS và LSS sẽ được hưởng lợi nhiều hơn từ xu hướng tăng giá đường. Với các doanh nghiệp nhập khẩu đường thô để sản xuất đường RE như QNS hay SBT, giá bán đường cao trong năm 2023 sẽ bù đắp phần nào cho giá đường thô nhập khẩu tăng.