Giải ngân vốn đầu tư công đạt gần 21% kế hoạch trong 5 tháng
Theo báo cáo Bộ Tài chính, lũy kế thanh toán từ đầu năm đến ngày 30/4 là 110.460,7 tỷ đồng, đạt 15,63% tổng kế hoạch, đạt 16,64% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.
Ước thanh toán từ đầu năm đến ngày 31/5 là 148.284,8 tỷ đồng, đạt 20,99% tổng kế hoạch, đạt 22,34% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Cùng kỳ năm 2023 đạt 20,8% tổng kế hoạch và đạt 22,22% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao).
Có 11/44 bộ, cơ quan Trung ương và 31/63 địa phương có tỷ lệ ước giải ngân đạt trên mức bình quân chung của cả nước.
Một số bộ, cơ quan trung ương và địa phương có tỷ lệ giải ngân tốt gồm: Đài Truyền hình Việt Nam (100%), Bộ Xây dựng (41,44%), Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (41,53%), Ngân hàng Chính sách xã hội (37,78%), Tiền Giang (47,8%), Phú Thọ (41,95%), Tuyên Quang (39,34%), Hòa Bình (35,6%).
27 địa phương tỷ lệ giải ngân dưới 20%
Đáng lưu ý, vẫn có 30 bộ, cơ quan trung ương có tỷ lệ ước giải ngân dưới 10% (trong đó 4 bộ, cơ quan trung ương chưa giải ngân); có 27 địa phương tỷ lệ giải ngân dưới 20%.
Một số vướng mắc đã được Bộ Tài chính và các bộ chuyên ngành báo cáo với Chính phủ liên quan đến quy định về trình tự lập, thẩm định kế hoạch đầu tư công hàng năm, thẩm quyền quyết định thời gian bố trí vốn, công tác giải phóng mặt bằng, trọng tâm là việc xác định nguồn gốc đất, xác định giá đất, người dân chưa đồng thuận với phương án bồi thường, tái định cư, liên quan đến biến động giá nguyên vật liệu, nguồn cung nguyên vật liệu xây dựng...
Ngoài các nguyên nhân trên, việc giải ngân vốn đầu tư công 5 tháng đầu năm còn một số khó khăn, vướng mắc liên quan đến công tác phân bổ vốn.
Cụ thể, việc chưa phân bổ một lượng vốn tương đối lớn (17.614,2 tỷ đồng, chiếm 2,65% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao) đã ảnh hưởng đến tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công nguồn NSNN những tháng đầu năm 2024.
Việc chưa phân bổ một lượng vốn tương đối lớn (17.614,2 tỷ đồng, chiếm 2,65% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao) đã ảnh hưởng đến tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công nguồn NSNN những tháng đầu năm 2024.
Một số bộ, cơ quan trung ương và địa phương đã phân bổ vốn nhưng không đảm bảo thời gian theo quy định (có 5.134,54 tỷ đồng NSTW phân bổ sau ngày 30/12/2023).
"Nhạy bén và linh hoạt trong các tình huống"
Nhìn nhận kết quả này, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho rằng, để đạt được mục tiêu giải ngân đầu tư công đã đề ra 95% là một nhiệm vụ khó khăn, không hề đơn giản.
Trên thực tế, Quốc hội đã có đoàn giám sát tối cao về tình hình triển khai các dự án quan trọng của quốc gia do Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư, đây là những dự án quy mô rất lớn, lượng vốn đầu tư đổ vào rất nhiều.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, không tránh khỏi những tình huống phát sinh từ khâu giải phóng mặt bằng, va chạm trong các bước thủ tục đền bù cho người dân… Chỉ cần vướng một vài hộ gia đình là có thể ảnh hưởng đến tiến độ của cả một dự án. Hay các điều chỉnh phát sinh, ví dụ như trong khảo sát thăm dò, thiết kế dự án phát sinh... những yếu tố mà mà khi phê duyệt dự án chưa có được các thông số.
Vì vậy, Thứ trưởng cho rằng, tất cả các tình huống phát sinh như vậy cần phải giải quyết nhanh, bởi nếu không thì dự án sẽ bị đình trệ, không liên tục, bị ngắt quãng và ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân.
"Ở đây, chúng ta cũng không thể lường trước được tình huống của mỗi một dự án, nhưng tinh thần chung là đối với các chủ đầu tư, các ban quản lý dự án là phải hết sức nhạy bén và linh hoạt trong các tình huống. Như vậy mới có thể đảm bảo được tiến độ”, Thứ trưởng lưu ý.
Bên cạnh đó, Thứ trưởng Trần Quốc Phương cũng cho rằng cuối năm có thể thiếu vốn hơn 100.000 tỷ đồng. . Đây cũng là tình huống mà vừa qua, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có báo cáo với Thủ tướng về khả năng dự báo năm nay và năm 2025 đối với việc lượng vốn thực tế có thể giải ngân được so với tổng hạn mức của kế hoạch đầu tư công trung hạn.
Trong tình huống thiếu vốn có thể xảy ra, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có nghiên cứu và dự kiến một giải pháp là điều chỉnh hài hoà kế hoạch đầu tư công, bởi luôn luôn có tình trạng có nơi thiếu và có nơi thừa và rõ ràng nơi thừa phải điều chuyển đến nơi thiếu để làm sao chúng ta có thể giải ngân hết được nguồn tiền, không được ôm tiền, không được giữ tiền mà không làm gì cả.
“Quán triệt quan điểm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ là phải từ sớm từ xa, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã báo cáo Thủ tướng chủ trương rà soát kế hoạch 2024 ngay từ bây giờ để phát hiện sớm những nơi thấy thừa, kịp thời ghi nhận tổng hợp lại. Sau đó, đến khi nào phát hiện có nơi nào thiếu thì sẵn sàng khoản vốn dư để điều chuyển giải ngân", Thứ trưởng Trần Quốc Phương nhấn mạnh.