Hải Dương sáp nhập với Hải Phòng, giá bất động sản biến động thế nào?
UBND TP Hải Phòng và UBND tỉnh Hải Dương đã có đề xuất Bộ Nội vụ về đề án hợp nhất đơn vị hành chính cấp tỉnh để thẩm định, trình Chính phủ xem xét, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Theo phương án hợp nhất, tên gọi mới của 2 địa phương này là TP Hải Phòng, đặt Trung tâm Hành chính - Chính trị tại KĐT mới Bắc Sông Cấm, Thủy Nguyên.
Đề án đã chỉ ra nhiều điều kiện thuận lợi khi hợp nhất giữa hai địa phương. Về địa lý, Hải Phòng và Hải Dương đều nằm ở khu vực Đồng bằng sông Hồng, có địa hình chủ yếu đồng bằng thấp, bằng phẳng, thuận lợi phát triển công nghiệp, nông nghiệp và giao thông.
Hệ thống giao thông kết nối thuận lợi như: quốc lộ 5, cao tốc Hà Nội - Hải Phòng nối liền 2 tỉnh, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân di chuyển sau sắp xếp. Hải Phòng còn có Cảng hàng không quốc tế Cát Bi, hệ thống đường sắt kết nối hai hành lang, một vành đai kinh tế giữa Việt Nam – Trung Quốc.

Trung tâm hành chính mới của Hải Phòng tại TP Thủy Nguyên. Ảnh BHP.
Về cơ cấu kinh tế, Hải Phòng là trung tâm sản xuất công nghiệp với tốc độ tăng trưởng kinh tế 2 con số liên tiếp trong 10 năm, cơ cấu công nghiệp - xây dựng chiếm 53% GRDP, thu hút nhiều tập đoàn lớn trong lĩnh vực điện tử, ô tô, thiết bị điện.
Hải Phòng còn là cửa ngõ xuất nhập khẩu chính phía Bắc với cụm cảng biển nước sâu Lạch Huyện, cảng Hải Phòng cùng hệ thống kho bãi, logistics quy mô quốc tế. Hiện nay, phần lớn hàng hóa sản xuất tại Hải Dương và khoảng 80% nông sản Hải Dương được xuất khẩu qua cảng Hải Phòng.
Cả 2 địa phương đều đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn năm 2050. Trong đó, năm 2030 định hướng Hải Phòng trở thành cảng biển lớn, đi đầu cả nước trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và chuyển đổi số; là động lực phát triển của vùng Bắc Bộ và cả nước; có công nghiệp hiện đại, thông minh, bền vững; đời sống vật chất và tinh thần của người dân không ngừng được nâng cao ngang tầm với các thành phố tiêu biểu châu Á...
Sau khi sáp nhập với Hải Dương, TP Hải Phòng (mới) có tổng diện tích 3.194,2 km2, quy mô dân số hơn 4,6 triệu người. Quy mô GRDP (theo giá hiện hành) năm 2024 ước đạt hơn 657.000 tỷ đồng. Lũy kế có 1.625 dự án với tổng vốn đầu tư FDI khoảng 45 tỷ USD.
Giá bất động sản Hải Dương, Hải Phòng thế nào?
Hải Phòng vốn đã sôi động về thị trường bất động sản trong vài năm gần đây khi có sự hiện diện của những "ông lớn" như Vinhomes, Sun Group với những dự án quy mô lớn. Theo đó, giá đất cũng không ngừng tăng trưởng theo thời gian.
Theo khảo sát của Batdongsan.com.vn đầu năm 2025, Thủy Nguyên đang là một trong những điểm nóng của thị trường đất nền Hải Phòng. Đề án hợp nhất Hải Phòng với Hải Dương, tên gọi mới là TP Hải Phòng chọn KĐT mới Bắc Sông Cấm (Thủy Nguyên) là Trung tâm Hành chính - Chính trị. Cùng với đó, từ ngày 1/1/2025, Thủy Nguyên chính thức lên thành phố, trở thành thành phố trực thuộc thành phố Hải Phòng. Những thông tin tích cực này đã đưa mặt bằng giá đất nền Thủy Nguyên thiết lập mức mới.
Những lô đất vị trí mặt đường Đỗ 10, nằm ngay trung tâm hành chính mới thuộc Dương Quan (Thủy Nguyên) đang được chào bán với mức giá dao động từ 180 - 220 triệu đồng/m2, tăng 25% so với cùng kì năm ngoái. Cũng thuộc Dương Quan, nhưng không ở vị trí mặt tiền đường, giá rao bán cũng đang dao động 90 - 130 triệu đồng/m2, tăng 20% so với cùng kì năm ngoái. Đất mặt đường 351 thuộc Đồng Thái, tăng giá từ 50 - 52 triệu đồng/m2 lên mức 57 - 60 triệu đồng/m2, tăng giá khoảng 20% so với nửa năm trước đó.
Đất thuộc khu C, khu D tái định cư Bắc Sông Cấm cũng tăng giá từ 53 - 56 triệu đồng/m2 lên mức 60 - 67 triệu đồng/m2. Những lô vị trí đẹp, đắc địa, mức giá dao động từ 78 - 89 triệu đồng/m2, tăng từ 20 - 30% so với cùng kì năm ngoái. Đất tái định cư Áp Tràn cũng tăng giá từ 45 - 48 triệu đồng/m2 lên 51 - 54 triệu đồng/m2.
Đáng chú ý, đất tại phường Trần Hưng Đạo cũng tăng giá từ 16- 19 triệu đồng/m2 lên 21 - 25 triệu đồng/m2. Đất tại phường Phạm Ngũ Lão, mặt tiền kinh doanh đang dao động 28 - 37 triệu đồng/m2. Đất ở những vị trí không đẹp bằng tăng giá từ 15 - 16 triệu đồng/m2 lên mức 18 - 22 triệu đồng/m2.
Một điểm nóng khác của thị trường đất nền Hải Phòng phải nhắc đến là đất nền An Dương. Cũng từ 1/1/2025, An Dương chính thức lên quận. Khảo sát ghi nhận, đất mặt đường Vĩnh Khê thuộc An Đồng tăng giá từ 27 - 30 triệu đồng/m2 lên 30-34 triệu đồng/m2, mức tăng đạt khoảng 12% so với cuối năm ngoái.
Đất mặt đường Đồng Thái tăng giá từ 34 - 36 triệu đồng/m2 lên mức 38 - 42 triệu đồng/m2. Một số khu vực khác tại An Dương như An Hải, An Hòa, Đồng Thái, Hồng Phong, Hồng Thái, Lê Lợi, Lê Thiện, Nam Sơn, Tân Tiến cũng ghi nhận mức tăng giá trung bình 15 - 20% so với cùng kì năm ngoái.
Không chỉ giá tăng, khảo sát của Batdongsan.com.vn cũng ghi nhận, tùy từng khu vực, vị trí, lượng giao dịch trên thị trường cũng tăng từ 20 - 40% so với cùng kì năm ngoái.

Hải Dương cũng ghi nhận giá đất nền tăng trước khi sáp nhập. Ảnh BHD.
Còn tại Hải Dương, thị trường bất động sản không thực sự sôi nổi như Hải Phòng. Theo khảo sát của Hiệp hội bất động sản Việt Nam, giá đất nền xung quanh TP Hải Dương nhiều nơi cũng đang lên từ 50 - 70 triệu đồng/m2, còn tại dự án Khu dân cư Bắc Sông Hương, xã Tân Việt, huyện Thanh Hà do Công ty CP Tập đoàn AH làm chủ đầu tư đang giao động từ 1,7 đến hơn 2 tỷ đồng một lô tùy vị trí.
Bên cạnh đó, thị trường bất động sản tỉnh Hải Dương sôi động tại các dự án gần các khu công nghiệp. Khu vực đất nền xung quanh dự án VSIP Hải Dương (xã Cẩm Điền, huyện Cẩm Giàng) ngay trong thời gian qua có sự tăng giá đột biến. Đơn cử, một lô đất nền 120m2 có vị trí đẹp hai mặt tiền đang được môi giới rao bán với giá 8 tỷ đồng, tương đương khoảng 66 triệu đồng/m2. Còn trung bình tùy vào từng vị trí có giá dao động các lô đất khác từ 50 đến 80 triệu đồng/m2.
Tại tại huyện Cẩm Giàng, thời điểm tháng 4/2025 giá đất tại Khu đô thị TTTM Ghẽ đang đạt ở mức cao nhất từ 60 - 70 triệu đồng/m2. Tương tự, tại Khu đô thị TNR Stars Tân Trường, huyện Cẩm Giàng, các môi giới tại đây đang giao bán trung bình khoảng 3 tỷ đồng cho một lô đất 90m2, trung bình khoảng 33,5 triệu đồng/m2. Theo giá chia sẻ từ môi giới thì vào thời điểm trước, đất tại vị trí này chỉ từ 600 đến 700 triệu đồng/lô.
Thống kê từ một số văn phòng kinh doanh bất động sản ở Hải Dương cho biết, từ đầu năm 2024 đến nay, giá đất dự án tăng từ 15 - 20% so với thời điểm năm ngoái. Điều này cho thấy thị trường giao dịch bất động sản tại Hải Dương đang có tín hiệu sôi động trở lại nhưng lúc này bất động sản giá không còn rẻ.
Ngày 18/4, tại Hải Phòng - nơi được chọn đặt trung tâm hành chính mới, Ban Thường vụ Thành ủy Hải Phòng và Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hải Dương đã có buổi làm việc chính thức để trao đổi, thống nhất một số nội dung về hợp nhất 2 địa phương.
Tại buổi làm việc, Bí thư Thành ủy Hải Phòng Lê Tiến Châu đánh giá: Hợp nhất là cơ hội mở ra không gian phát triển mới, tối ưu hóa nguồn lực của 2 địa phương để xây dựng thành phố mới là trung tâm công nghiệp, dịch vụ, logistics hiện đại, phát triển bền vững và tiếp tục nâng cao đời sống người dân.
Hải Phòng sẽ chủ động, tích cực phối hợp với Hải Dương và khẩn trương nghiên cứu xây dựng tuyến giao thông kết nối giữa 2 địa phương để tạo thuận lợi cho cán bộ, người dân trong việc đi lại.
Tại buổi làm việc, Ban Thường vụ 2 địa phương đã ký kế hoạch phối hợp xây dựng và triển khai đề án hợp nhất tỉnh Hải Dương và TP Hải Phòng.
Hội thảo Khoa học ‘Kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế’ do Hội Doanh nhân Tư nhân Việt Nam chủ trì, Tạp chí Điện tử Doanh nhân Việt Nam tổ chức. Hội thảo khoa học sẽ diễn ra vào lúc 8h00 ngày 26/05/2025, tại Khách sạn Thắng Lợi, 200 Yên Phụ, TP Hà Nội.
Hội thảo có sự hiện diện và tham gia thảo luận của đại diện một số cơ quan Đảng, bộ, ngành, các chuyên gia kinh tế đầu ngành, đại diện Hội và hiệp hội, đại diện ngân hàng, doanh nhân tư nhân…
Bên cạnh các bài tham luận riêng từ đại diện cơ quan Đảng, các chuyên gia và đại diện hiệp hội, … Hội thảo cũng tập trung thảo luận các nhóm vấn đề chính như cơ hội, tiềm năng, thách thức của kinh tế tư nhân trong sứ mệnh một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế, cũng như việc thể chế hóa đầy đủ và khoa học Nghị quyết 68/NQ-TW vào thực tiễn trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.