Hàng ngàn khu tái định cư đắp chiếu, lối ra nào cho loại hình BĐS này?
Hàng chục tỷ đồng bỏ hoang đắp chiếu, xuống cấp nghiêm trọng
Hiện nay trên địa bàn TP.HCM và Hà Nội còn có khá nhiều nhà tái định cư đang dư thừa, thậm chí có hàng nghìn căn đang bị bỏ hoang. Theo số liệu từ Sở Xây dựng TP.HCM, TP có 11.681 căn hộ và nền đất tái định cư, trong đó đã phân bổ cho quận/huyện khoảng 4.000 căn hộ và nền đất, dùng làm quỹ dự phòng hơn 2.500 căn hộ và nền đất, đang làm thủ tục bán đấu giá gần 5.000 căn hộ và nền đất. Trong đó có 9.434 căn hộ và hơn 2.500 nền đất tái định cư bỏ trống trong nhiều năm, chi phí duy tu bảo dưỡng hơn 70 tỉ đồng/năm. Tại Hà Nội hiện nay vẫn còn 1.947 số căn hộ trống/17.863 căn nhà tái định cư chưa có quyết định bán nhà; 489 căn hộ chưa có phương án bố trí. Tuy nhiên trên thực tế hiện nay có những dự án hàng trăm căn hộ đã hoàn thiện nhưng chưa được nghiệm thu hệ thống xử lý nước thải, phòng cháy chữa cháy. Phần lớn các khu tái định cư này đang cùng chung một tình trạng xuống cấp và thiếu các tiện ích đi kèm như: công viên, khu vui chơi, khu thể thao, Siêu thị mini, Shophouse...
Dự án tái định cư N01 - D17 Duy Tân ngay ngã tư đường Trần Thái Tông - Duy Tân (phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy,TP. Hà Nội) được khởi công từ năm 2010, dự kiến hoàn thành trong năm 2013, tuy nhiên đến nay đã hơn 10 năm nhưng dự án vẫn chưa được hoàn thiện, phủ đầy rong rêu, chưa phát huy đúng công năng, gây lãng phí. Đây là dự án nhà ở tái định cư được bố trí cho các hộ dân thuộc diện giải phóng, thu hồi đất đường Nguyễn Văn Huyên kéo dài. Dự án xây dựng với quy mô gồm 15 tầng nổi, 1 tầng hầm. Trong đó, tầng 1 và 2 là tầng thương mại, căn hộ ở từ tầng 3 đến tầng 15. Được chia thành 4 đơn nguyên với các loại diện tích: 50m2 – 56m2 – 60m2 – 65m2 – 66m2 – 80m2 – 87,5m2, mỗi đơn nguyên sẽ bao gồm: 05 căn hộ; 02 thang máy cao tốc và 01 thang thoát hiểm. do để nhiều năm không sử dụng nên có thời điểm nhà tái định cư còn bị đổ trộm rác thải thậm chí còn có nguy cơ mất an toàn trật tự xã hội.
Một dự án khác, 3 tòa nhà tái định cư thuộc khu đô thị mới Sài Đồng - Long Biên - Hà Nội, được triển khai từ năm 2001 - 2006 do Công ty Handico3 làm chủ đầu tư dùng để tái định cư tại chỗ khi thực hiện dự án giải phóng mặt bằng mở rộng tuyến phố Sài Đồng nằm trong khu đô thị Sài Đồng. Tuy hoàn thiện hơn 10 năm nay, 3 tòa nhà 6 tầng, với 150 căn hộ này vẫn bị bỏ hoang, nhiều hạng mục trong 3 tòa nhà này đã xuống cấp. Quanh khu vực vườn hoa, sân chơi... cỏ mọc tốt um tùm. Các cánh cửa ra vào tòa nhà vẫn trong tình trạng khóa chặt, tầng một của tòa nhà cũng ngổn ngang đồ đạc. Còn dự án mở rộng tuyến đường kết nối khu đô thị Sài Đồng ra bên ngoài vẫn “đắp chiếu” trên giấy.
Hay tại TP Thủ Đức (TPHCM), dự án khu tái định cư Bình Khánh có diện tích 38,4ha, thuộc chương trình 12.500 căn hộ phục vụ tái định cư Khu đô thị mới Thủ Thiêm, được xây dựng từ năm 2013 và hoàn thành năm 2015. Đây là dự án tái định cư được UBND TPHCM yêu cầu phải trở thành dự án kiểu mẫu, đáp ứng mọi tiêu chuẩn về một nơi ở mới khang trang, hiện đại cho người dân. Nhưng đến nay đã trải qua hơn 10 năm, hàng ngàn căn hộ nơi đây vẫn trong tình trạng để trống, không có người ở và những căn phòng bám đầy bụi.
"Tư lệnh" ngành xây dựng nói gì ?
Tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, Phiên họp chất vấn và trả lời chất vấn vấn đề thứ nhất thuộc lĩnh vực xây dựng Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) có nêu vấn đề về việc phát triển nhà ở tái định cư có nơi có nơi không, chưa tính đến nhu cầu của người dân gây thất thoát lãng phí. Trong khi đó, nhà ở cho công nhân còn bất cập, chất lượng thấp, không đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy. Do đó, vị đại biểu này đề nghị Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị nêu giải pháp khắc phục cũng như thúc đẩy các bất cập vừa nêu.
Trả lời câu hỏi, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị thẳng thắn thừa nhận rằng nhiều dự án nhà ở tái định cư còn bỏ hoang. Giải thích về về điều này, Bộ trưởng cho rằng hầu hết các dự án này xây dựng trước khi có Luật Nhà ở và do người dân không có nhu cầu tái định cư, nhà tái định cư xuống cấp; đồng thời các chính sách an sinh xã hội sau tái định cư chưa được quan tâm; vị trí các dự án tái định cư chưa thuận lợi trong giao thông, tiện ích nên bị bỏ hoang Quy định hiện hành về trách nhiệm của các cấp chính quyền trong việc quản lý, bố trí nhà tái định cư còn chưa cụ thể; việc quản lý, sử dụng nhà tái định cư trong thời gian vừa qua cũng không được quan tâm.
Đề cập tới các giải pháp, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị bày tỏ, Bộ Xây dựng đang tiếp tục hoàn thiện pháp luật về nhà ở, đất đai theo hướng đồng bộ để đảm bảo việc tái định cư cho các hộ gia đình, cá nhân không chỉ là giải quyết chỗ ở mới mà phải đảm bảo một không gian sống đồng bộ với đầy đủ các hạng mục hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội.
Bộ trưởng cho rằng, cần xác định nhu cầu nhà ở tái định cư; rà soát kế hoạch đầu tư xây dựng nhà ở tái định cư cho từng giai đoạn để đáp ứng yêu cầu về công tác giải phóng mặt bằng, tạo điều kiện ổn định sinh hoạt cho nhân dân.
Ngoài ra, rà soát công tác quy hoạch các khu tái định cư để định hướng xây dựng các khu tái định cư đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội và phải đảm bảo vị trí làm sao cho kết nối giao thông thuận lợi để đảm bảo điều kiện sống, điều kiện đi lại của người dân. Đặc biệt, Bộ Xây dựng sẽ rà soát, bổ sung các quy định về nguyên tắc, hình thức bố trí tái định cư và các nguồn vốn để thực hiện nhà ở tái định cư và cũng phải quan tâm nâng lên chất lượng nhà ở tái định cư để đảm bảo điều kiện ở, điều kiện sống của người dân.
Lối ra nào cho nhà tái định cư
Trước thực trạng hàng ngàn căn hộ tái định cư bị bỏ hoang, theo các chuyên gia bất động sản, nên có cơ chế mở để cho thuê ngắn hạn, từ đó tạo nguồn thu. Việc cho thuê có kèm theo yêu cầu: khi Nhà nước cần thì người thuê phải bàn giao lại. Với những căn hộ dôi dư, cần bán cho những người có nhu cầu vì thực tế hiện nay, nhà ở vẫn đang là câu chuyện rất bức thiết của đại đa số người dân. Với dự án có số căn hộ tái định cư lớn, nên chia nhỏ số lượng căn hộ khi bán đấu giá để tạo điều kiện cho nhiều nhà đầu tư tham gia. Ngoài ra, cần có một số phương án khác như chuyển một lượng căn hộ tái định cư bị bỏ trống thành nhà ở xã hội để bán rẻ cho cán bộ, công nhân viên chức, người thuộc diện chính sách, công nhân lao động chưa có nhà ở. Như vậy, đối với các căn hộ cho thuê, thành phố khỏi tốn chi phí bảo dưỡng; đối với các căn hộ bán cho khách hàng, thành phố sẽ có thêm nguồn thu.
Chia sẻ trên báo Lao động Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM Lê Hoàng Châu ngày 4/10 cho biết: "Bộ Xây dựng nên nhìn thẳng vào sự thật là các Nghị định 100/2015 và 49/2021 có bất cập đối với việc phát triển nhà ở xã hội".
Từ đó, ông Lê Hoàng Châu đề xuất 2 phương thức phát triển loại hình này. Thứ nhất, không giới hạn quy mô, diện tích dự án để thực hiện nghĩa vụ NƠXH trong dự án nhà ở thương mại mà xét từ việc chủ đầu tư thấy phù hợp hay không. Thứ hai, hoán đổi bằng quỹ nhà có giá trị tương đương như kiến nghị của DN. "Ví dụ chủ đầu tư có nghĩa vụ xây 100 căn NƠXH tại trung tâm thành phố thì thay vào đó xây dựng 200-300 căn tại huyện Bình Chánh theo giá trị tương đương" - ông Lê Hoàng Châu nói. Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM nhấn mạnh ý làm nhà ở thì phải làm nhanh, đồng thời cho rằng để thực hiện Chỉ thị 13/2022 của Thủ tướng Chính phủ về phát triển thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng nên ưu tiên sự quan tâm, nhanh chóng phối hợp với các tỉnh để ban hành quy trình cho các tỉnh, trong đó có quy trình đầu tư nhà ở xã hội.
Tạp chí điện tử Kinh Doanh dẫn lời ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cho rằng, trước khi tiến hành xây dựng nhà tái định cư, việc nghiên cứu xem liệu dự án có đáp ứng nhu cầu thực tế của người dân hay không lại chưa được tiến hành kỹ càng, sâu sát.
"Nhà tái định cư phải gắn liền với việc thực hiện các chính sách an sinh xã hội như đào tạo nghề, giải quyết công ăn việc làm tốt hơn, hoặc phục hồi thu nhập, góp phần nâng cao chất lượng sống cho người dân sau khi di dời", ông Đính nhấn mạnh.
Bên cạnh đảm bảo quyền lợi, đáp ứng nhu cầu của các hộ dân thuộc diện tái định cư, các chuyên gia cũng cho rằng cần đẩy nhanh quá trình đấu giá các dự án căn hộ, nền đất tái định cư. Cùng với đó là tính toán phương án chuyển đổi nhà tái định cư sang nhà ở xã hội hoặc nhà ở cho thuê, từ đó giải cơn khát nhà ở đang ngày càng nghiêm trọng thời gian qua.