'Heo ăn chuối' giúp Hoàng Anh Gia Lai (HAG) thu lãi nghìn tỷ trong năm 2022

Lạc Lạc 07:35 | 01/02/2023 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Sau nhiều năm báo lỗ và lãi không đáng kể, CTCP Hoàng Anh Gia Lai (HAGL, mã: HAG) dưới sự dẫn dắt của 'bầu' Đức vẫn kiên trì với chiến lược “1 cây, 1 con” (cây chuối, con heo). Kết thúc năm 2022, tập đoàn đã thu về thắng lợi lớn với doanh thu và lợi nhuận cao nhất kể từ năm 2011.

Lãi ròng chạm ngưỡng nghìn tỷ sau hàng chục năm kinh doanh

Theo đó, trong quý IV/2022, HAGL thu về 1.610 tỷ đồng, tăng 119% so với cùng kỳ. Hàng loạt doanh thu từ hoạt động chính của công ty đồng loạt tăng trưởng tích cực. 

 

Giá vốn dù vậy cũng tăng hơn 2 lần lên 1.191 tỷ đồng, HAGL thu về 419 tỷ đồng lợi nhuận gộp, biên lãi gộp giảm từ 30% cùng kỳ năm trước xuống 26%. 

Doanh thu hoạt động tài chính giảm 35% xuống 82 tỷ đồng do tiền lãi cho vay trong quý cuối năm 2022 giảm so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, chi phí tài chính tăng mạnh 34 lần lên 407 tỷ đồng do HAGL đã tăng trích dự phòng khoản đầu tư vào nhóm CTCP Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (mã: HNG), cùng với đó là lãi vay với hơn 225 tỷ đồng. Chi phí bán hàng tăng nhẹ lên 50 tỷ đồng, chi phí quản lý doanh nghiệp giảm 405 tỷ đồng so với cùng kỳ 2021 do trong quý IV/2022 tập đoàn đã tăng hoàn nhập dự phòng các khoản phải thu. 

Dù vậy, HAGL vẫn thu về lãi ròng 288 tỷ đồng trong quý IV/2022, gấp gần 3 lần so với cùng kỳ 2021. 

Luỹ kế cả năm 2022, doanh thu của HAGL đạt 5.081 tỷ đồng, tăng 142%. Trong đó, bán heo và trái cây vẫn là 2 nguồn doanh thu chủ lực của tập đoàn khi mang về 1.214 tỷ đồng, chiếm 75% tổng doanh thu. Sau đó là bán sản phẩm, hàng hoá cùng cung cấp các dịch vụ.

Lãi ròng cả năm đạt gần 1.181 tỷ đồng, gấp 9 lần năm 2021, bao gồm hơn 92 tỷ đồng thuế thu nhập doanh nghiệp hoãn lại (bao gồm chênh lệch lợi nhuận nội bộ chưa thực hiện và chênh lệch giá trị hợp lý của tài sản mua trong hợp nhất kinh doanh). 

Trước đó, ngày 19/1, HAGL nhận được quyết định xử phạt vi phạm hành chính về thuế của Chi cục Thuế tỉnh Gia Lai ban hành ngày 9/1 về các hành vi: khai sai không dẫn đến thiếu thuế trên tời khai quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế GTGT và khai sai căn cứ tính thuế, số tiền thuế được khấu trừ dẫn đến thiếu số tiền thuế phải nộp nhưng các nghiệp vụ kinh tế đã được phản ánh đầy đủ trên hệ thống sổ kế toán, hóa đơn chứng từ hợp pháp.

HAGL cũng bị tình tiết tăng nặng là vi phạm nhiều lần (hành vi khai sai không dẫn đến thiếu thuế năm 2021 đối với quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp, tờ khai thuế GTGT tháng 2, tháng 5 và tháng 11/2021).

Do đó, HAGL bị phạt tiền tổng cộng hơn 261,5 triệu đồng cho 2 hành vi vi phạm trên, bị truy thu gần 1,1 tỷ đồng cùng 212 triệu đồng tiền chậm nộp thuế. Tổng cộng, tập đoàn phải nộp 1.573,5 tỷ đồng. 

 

Năm 2022, HAG đặt mục tiêu doanh thu thuần 4.820 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 1.120 tỷ đồng. Với kết quả đạt được, tập đoàn đã vượt 5,4% doanh thu và lợi nhuận, đúng như lời khẳng định trước đó của bầu Đức trong thư gửi cổ đông. Đáng chú ý, đây là năm đầu tiên doanh nghiệp thu lãi trên nghìn tỷ đồng. 

Vay và nợ thuê tài chính chiếm 56% tổng nợ

Tính tới 31/12/2022, tổng tài sản của HAGL đạt 19.951 tỷ đồng, tăng 8,2% so với đầu năm. Tiền gửi ngân hàng 65 tỷ đồng và tiền mặt tại quỹ chỉ chiếm hơn 7 tỷ đồng. Doanh nghiệp có 6.896 tỷ đồng các khoản phải thu ngắn hạn, 2.434 tỷ đồng thu dài hạn, trong đó HAGL Agrico (HNG) vay 1.510 tỷ đồng. 

Cũng liên quan đến HNG,  trong các mảng đầu tư tài chính dài hạn, khoản đầu tư vốn của HAGL vào HNG đã giảm 41% xuống còn 1.041 tỷ đồng.

Ngoài ra, chiếm phần đáng kể khác trong tổng tài sản là hàng tồn kho còn 1.119 tỷ đồng, tăng 2,7 lần từ đầu năm, bao gồm chi phí sản xuất, kinh doanh dở dang 968 tỷ, nguyên vật liệu 77 tỷ cùng chi phí hàng hoá, thành phẩm 75 tỷ đồng. 

Bên cạnh đó, tập đoàn có 4.646 tỷ đồng chi phí xây dựng cơ bản dở dang, gồm gần 3.000 tỷ đồng phát triển vườn cây ăn quả, hơn 1.600 tỷ đồng cho dự án chăn nuôi, 12 tỷ đồng cho nhà xưởng nhà văn phòng nông trường cùng 2,4 tỷ đồng cho học viện bóng đá HAGL-JMG. 

Bên kia bảng cân đối, HAGL ghi nhận nợ phải trả 14.711 tỷ đồng, tăng 6% so với đầu năm. Trong đó, vay ngắn hạn là 3.460 tỷ đồng, tăng 37%; vay dài hạn 4.818 tỷ đồng, giảm 16% so với số đầu kỳ. Vay và nợ thuê tài chính cả ngắn hạn và dài hạn 8.279 tỷ đồng, chiếm 56% tổng nợ, gồm 5.742 tỷ đồng vay trái phiếu (giảm gần 11% so với đầu năm) cùng 2.536 tỷ đồng nợ ngân hàng và các tổ chức khác.  

Tính đến 31/12/2022, tập đoàn có vốn chủ sở hữu 5.240 tỷ đồng, tăng 12% so với đầu năm. 

 

Ngày 3/1, HAGL đã thông báo lùi thanh toán lô trái phiếu có mã HAGLBOND16.26 sang quý II/2023.

Cụ thể, lô trái phiếu HAGLBOND16.26 có giá trị hơn 1.021 tỷ đồng, bao gồm số tiền lãi phải thanh toán hơn 140,3 tỷ đồng và số tiền gốc phải thanh toán là 881 tỷ đồng, có ngày thanh toán theo lịch trả nợ là 30/12/2022 đã được dời ngày thanh toán dự kiến sang quý II/2023 với lý do nguồn tiền thanh toán là từ khoản nợ của HNG (hiện đã thỏa thuận lộ trình trả nợ 3 bên) và thanh lý một số tài sản không sinh lợi của Tập đoàn.

Trước đó, trong thông cáo phát đi đầu tháng 10/2022, HAG cho biết Công ty có 2 khoản trái phiếu gồm dư nợ 5.271 tỷ đồng, phát hành ngày 30/12/2016 và đáo hạn ngày 30/12/2026; dư nợ 300 tỷ đồng, phát hành ngày 18/6/2012 và đáo hạn ngày 30/9/2023. Hiện tại, cả 2 khoản trái phiếu trên đều có đầy đủ tài sản bảo đảm cho dư nợ hiện tại.