Hơn 100 lượt chạy và 25.000 hành khách đã tham gia trải nghiệm trong ngày đầu đường sắt Cát Linh hoạt động
Theo thông tin từ Bộ Giao thông vận tải, thống kê của Công ty TNHH MTV Đường sắt đô thị Hà Nội (Metro Hà Nội) cho biết ngày đầu tiên đường sắt Cát Linh - Hà Đông mở cửa đón khách không ghi nhận vấn đề, hệ thống đã vận hành đúng biểu đồ, đảm bảo an toàn.
Tuyến tàu bắt đầu hoạt động từ 8h và đóng cửa vào lúc 22h. Metro Hà Nội tuyên bố tổng số chuyến tàu phục vụ hành khách là 109 và tổng lượt khách trải nghiệm là 25.680 người.
Các chuyên gia trong ngành nhận định lượng khách đi trải nghiệm khá lớn, tuy nhiên dự báo trong ngày chủ nhật mọi người được nghỉ nên có thể lượng người dân sẽ tới trải nghiệm đông hơn. Do đó, cơ quan quản lý vẫn đang tập trung lực lượng đảm bảo phục vụ tốt nhất cho người dân đến đi thử, trải nghiệm tàu. Đồng thời, đảm bảo công tác an toàn, phòng, chống dịch bệnh COVID-19.
Dự kiến trong năm đầu tiên thì đường sắt Cát Linh - Hà Đông được chia thành 2 giai đoạn vận hành 6 tháng đầu và 6 tháng sau. 15 ngày đầu dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông sẽ phát hành miễn phí vé cho khách đi tàu trải nghiệm, làm quen với loại hình vận tải công cộng này.
Nhằm đảm bảo an toàn chạy tàu Cát Linh - Hà Đông, thành phố Hà Nội đã yêu cầu Công an và các lực lượng liên quan hỗ trợ đơn vị vận hành trong thời gian đầu.
Trước đó, lễ bàn giao giữa Bộ GTVT và Hà Nội cũng đã diễn ra vào ngày 6/11. Phát biểu tại buổi lễ, ông Vũ Hồng Phương, Giám đốc Ban Quản lý dự án đường sắt (Bộ GTVT) cho biết, trước khi đưa vào khai thác, dự án đã vận hành thử 70.000 km an toàn. Dự án đã được Bộ GTVT nghiệm thu đảm bảo tuân thủ đúng quy định và Hội đồng Kiểm tra nhà nước đã chấp thuận kết quả, đủ điều kiện bàn giao đưa vào khai thác.
Thứ trưởng GTVT Nguyễn Ngọc Đông thông tin thêm, kết cấu hạ tầng giao thông được Chính phủ và Hà Nội quan tâm đầu tư với mục đích giảm ùn tắc giao thông, trong đó đẩy mạnh đầu tư vận tải hành khách công cộng. Theo quy hoạch, Thủ đô Hà Nội sẽ xây dựng 10 tuyến đường sắt đô thị kết nối xuyên tâm và vành đai tới các khu đô thị, trong đó có tuyến Cát Linh-Hà Đông là dự án đường sắt đô thị thí điểm đầu tiên được xây dựng.
Quy hoạch mạng lưới đường sắt đô thị Hà Nội đến năm 2030, TP sẽ có 10 tuyến với tổng chiều dài 417,8km, thế nhưng với tiến độ hiện nay, 8-10 năm mới xây dựng được một tuyến đường sắt đô thị thì bài toán cần giải bây giờ là huy động nguồn vốn, đặc biệt vốn ODA nhằm giúp xây dựng vì đây là loại hình vận tải khối lượng lớn, góp phần quan trọng giảm ùn tắc nên cần được chú trọng đầu tư.
Các cơ quan chức năng đánh giá, công trình thế kỷ này có ý nghĩa quan trọng trong giao thông công cộng và khởi đầu cho quy hoạch đường sắt đô thị. Hà Nội đã chỉ đạo các cơ quan có liên quan phối hợp với chủ đầu tư thực hiện triển khai dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông, đến nay công trình đã được hoàn thành và chấp nhận nghiệm thu. Về mặt nhân lực, năng lực quản lý, xây dựng kế hoạch tiếp nhận bàn giao để vận hành khai thác cũng đã đầy đủ, sẵn sàng đi vào hoạt động để phục vụ người dân.
Được biết, vé tàu Cát Linh - Hà Đông có giá vé tương đương vé xe buýt khoảng 7 nghìn đồng và cứ đi 1km sẽ cộng thêm 600 đồng. Những người đi vé tháng thì đi bao nhiêu sẽ trừ bấy nhiêu. Đối với hành khách đi vé lượt thì sẽ làm tròn đi 1 ga là 8 nghìn đồng, thêm một ga là 9 nghìn đồng và đi cả tuyến là 15 nghìn đồng.
Vé tháng bình thường là 200 nghìn đồng, còn vé tháng ưu tiên là 100 nghìn đồng. Vé tháng của tàu Cát Linh – Hà Đông có tính ưu việt sử dụng trong 30 ngày, mua ngày nào thì sẽ tính đến ngày mua vé của tháng sau và có vé ngày. Đường sắt Cát Linh – Hà Đông có 651 nhân sự được đào tạo nghiệp vụ cho các vị trí để vận hành tuyến đường sắt Cát Linh – Hà Đông.
Tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông có 55 tuyến xe buýt ở gần, đồng thời Hà Nội đã lên phương án kết nối với đường sắt này từ năm 2020. Ga đầu Cát Linh và ga cuối Yên Nghĩa có 16 tuyến buýt, ga ít nhất 7 tuyến. Trong tương lai sẽ có 59 tuyến xe buýt kết nối với đường sắt Cát Linh - Hà Đông.
Thời gian sắp tới, vấn đề hạ tầng quan trọng mà thành phố cần giải quyết là không có chỗ để gửi ôtô, hiện 12 ga chỉ có 12 điểm cho phép người dân được gửi xe máy, xe đạp. Trên thực tế, nếu muốn tiếp cận metro thì có những người phải đi bộ 200 - 400 m.