Hợp lực thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa những tháng cuối năm
Theo số liệu của Tổng cục thống kê, trong tháng 8, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 8/2023 ước đạt 32,37 tỷ USD, tăng 7,7% so với tháng trước. Xuất khẩu ở khu vực kinh tế trong nước đạt 8,43 tỷ USD, tăng 8,7%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 23,94 tỷ USD, tăng 7,3%.
Ở chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 8/2023 ước đạt 28,55 tỷ USD, tăng 5,7% so với tháng 7/2023. Tính chung 8 tháng năm 2023, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 207,52 tỷ USD, giảm 16,2% so với cùng kỳ năm 2022. Do vậy, cán cân thương mại hàng hóa 8 tháng năm 2023 ước tính xuất siêu 20,19 tỷ USD.
Đáng lưu ý, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa cũng tăng trong vài tháng trở lại đây với nhóm hàng chính là tư liệu phục vụ sản xuất. Với mức gia tăng như vậy, có thể kỳ vọng xuất khẩu hàng hóa khởi sắc hơn thời gian tới.
Theo Bộ Công Thương, một yếu tố thuận lợi khác cho xuất khẩu các tháng cuối năm là kinh tế Hoa Kỳ tăng trưởng cao hơn dự kiến, tồn kho hàng hóa tiếp tục giảm.
Ngoài ra, các nước công nghiệp phát triển tiếp tục đẩy mạnh chiến lược đa dạng hóa nguồn cung, chuỗi cung ứng, đầu tư sẽ giúp Việt Nam trở thành trung tâm sản xuất và xuất khẩu quan trọng trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Các yếu tố như hiệp định thương mại tự do (FTA) đang có với các đối tác thị trường lớn của Việt Nam như châu Âu, châu Mỹ tiếp tục có tác động tích cực đối với thương mại, đầu tư và xuất khẩu. Một số mặt hàng may mặc bắt đầu được hưởng thuế nhập khẩu 0% vào thị trường EU theo Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam- EU (EVFTA) là điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường này.
Ông Trần Anh Khoa, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Anh Khoa (Cà Mau) - chuyên xuất khẩu tôm súcho hay: Xuất khẩu đã có dấu hiệu hồi phục rõ do nhu cầu thủy sản phục vụ mùa trung thu và lễ hội cuối năm. Do đó, công ty đã tiếp xúc thêm với nhiều khách hàng mới từ nhiều quốc gia khác nhau, nhất là khu vực châu Á. So với cùng kỳ năm ngoái, đơn hàng xuất khẩu đã nhiều hơn và kỳ vọng kết quả kinh doanh khả quan.
Thế nhưng, nhiều ý kiến nhận định hoạt động xuất khẩu của doanh nghiệp vẫn chưa hết khó khăn, thách thức khi tình hình kinh tế thế giới diễn biến phức tạp, nhiều bất ổn… bởi các nền kinh tế lớn là đối tác xuất khẩu của Việt Nam như Hoa Kỳ, Liên minh châu Âu (EU) giảm chi tiêu mua sắm các sản phẩm thông thường và xa xỉ khiến khối lượng đơn hàng giảm.
Trong khi đó, ngành sản xuất công nghiệp trong nước chủ yếu hướng vào xuất khẩu, phụ thuộc lớn vào thị trường toàn cầu do sản lượng sản xuất trong nước vượt xa nhu cầu của thị trường nội địa, nhất là dệt may, da giày, điện tử…
Tương tự, một số tổ chức quốc tế dự báo rằng những tháng cuối năm 2023, kinh tế Việt Nam sẽ gặp nhiều khó khăn trước tác động từ cả bên trong và bên ngoài. Kinh tế Việt Nam có độ mở lớn nên nhiều khả năng phải chịu tác động từ suy giảm tăng trưởng kinh tế toàn cầu, biến động thị trường và điều chỉnh chính sách của nền kinh tế lớn, nhất là chính sách lãi suất - tỷ giá.
Chính vì vậy, xuất khẩu- một trong những động tăng trưởng chính của Việt Nam sẽ đối mặt với thách thức chung của thị trường đối tác. Nhu cầu thị trường trong nước tăng không cao, lạm phát có xu hướng tăng, cản trở sự hồi phục kinh tế.
Chia sẻ về vấn đề này, ông Nguyễn Xuân Sơn – Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất Chế biến Kinh doanh-Xuất nhập khẩu Hương Quế bày tỏ, từ cuối quý II/2023 đến nay, xuất khẩu chững lại ở tất cả các thị trường. Sức mua ở thị trường xuất khẩu tụt giảm khoảng 30%.
Mặc dù thị trường xuất khẩu chính của là Đức nhưng lạm phát cao kéo dài tại thị trường này đã khiến sức mua giảm mạnh. Chẳng hạn trước kia đối tác nhập khẩu khoảng 10 sản phẩm nhưng nay chỉ nhập 6 sản phẩm. Tuy nhiên, dù dự báo tình hình khó khăn nhưng công ty vẫn kỳ vọng sẽ ký được một số đơn hàng trong những tháng cuối năm 2023 để mở đầu cho sản xuất năm 2024.
Cùng quan điểm này, ông Vương Đức Anh, Chánh Văn phòng HĐQT Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) nêu rõ, những tháng cuối năm vẫn tiếp tục đối mặt tình trạng cầu thấp, dù tổng cầu có thể tăng theo mức tăng tự nhiên hàng năm với các mùa lễ hội.
Chẳng hạn, thị trường Hoa Kỳ nhập khẩu hàng may mặc những tháng cuối năm dự kiến tăng 10%; thị trường Nhật có thể tiếp tục đà tăng của 6 tháng đầu năm, tuy nhiên sẽ chịu tác động từ tỉ giá đồng yenNhật.
Theo ông Vương Đức Anh, thị trường những tháng cuối năm không xấu hơn so với giai đoạn vừa qua bởi đáy xấu nhất của dệt may đã đi qua. Đặc biệt, hơn một nửa khách hàng của Vinatex đánh giá thị trường đang tốt lên cho thấy tín hiệu tích cực của ngành dệt may vào dịp cuối năm.
Đại diện cho phía Thương vụ, ông Trần Minh Thắng – Trưởng chi nhánh Thương vụ Việt Nam tại San Francisco (Hoa Kỳ) cho biết, thị trường Hoa Kỳ đang có dấu hiệu phục hồi và sẽ tiếp tục tăng trưởng cao hơn. Đặc biệt, một lượng lớn hàng tồn kho được giải phóng, việc làm được cải thiện, sức mua tại Hoa Kỳ sẽ dần phục hồi, nhất là phục vụ cho mua sắm dịp cuối năm 2023 cho thấy dự báo nhập khẩu vào thị trường Hoa Kỳ sẽ phục hồi nhẹ vào quý IV.
Tuy vậy, doanh nghiệp Việt Nam cần liên tục hiệu quả hóa sản xuất để duy trì giá cạnh tranh; sản xuất sản phẩm chất lượng cao, sáng tạo, tạo ra sự khác biệt, áp dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất. Mặt khác, đáp ứng nhanh hơn, linh hoạt hơn nhu cầu của thị trường, sở thích của người tiêu dùng; thực hành sản xuất bền vững và có trách nhiệm xã hội có vai trò rất lớn với thị trường như Hoa Kỳ.
Bà Đỗ Việt Hà – Đại diện Thương vụ Việt Nam tại thị trường Cộng hòa Liên bang Đức chỉ rõ, cơ hội đưa hàng Việt Nam vào Đức còn cao bởi người tiêu dùng Đức sẵn sàng sử dụng sản phẩm chất lượng tốt, giá cả cạnh tranh từ các quốc gia đang phát triển.
Hơn nữa, Việt Nam có nhiều sản phẩm mà người Đức có nhu cầu cao như đồ gỗ, đồ may mặc, dệt may, giày dép, cà phê, rau quả nhiệt đới. Ngoài ra, Việt Nam là một trong số ít những nước trong châu Á có hiệp định thương mại tự do với EUnên hàng hóa có nhiều lợi thế cạnh tranh hơn từ Hiệp định EVFTA.
Cùng đó, Đức đang tách dần sự phụ thuộc hàng hóa vào Trung Quốc và đang tìm kiếm nhà cung cấp từ Việt Nam nhiều hơn. Vì thế, ngày càng có nhiều nhà nhập khẩu của Đức hỏi Thương vụ Việt Nam để tìm kiếm các người bán tại Việt Nam.
Để tận dụng cơ hội xuất khẩu, doanh nghiệp cần phải nắm, cập nhật thường xuyên quy định tiêu chuẩn kĩ thuật của EU với sản phẩm xuất khẩu sang Đức, đặc biệt là quy định về trách nhiệm xã hội. Ngoài ra, lưu ý đáp ứng đúng tiêu chuẩn quy tắc xuất xứ để hưởng ưu đãi thuế quan trong hiệp định EVFTA; thẩm định năng lực đối tác trước khi kí hợp đồng đầu tiên; có kế hoạch tham gia hội chợ chuyên ngành, xúc tiến thương mại tại Đức cũng như tại quốc gia khác.
Nhằm tháo gỡ khó khăn cho xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương đang tích cực triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi lớn nhất cho xuất nhập khẩu. Theo đó, quy định tại Thông tư 36/2023/TT-BTC của Bộ Tài chính, từ 21/7, doanh nghiệp xin cấp chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) phải nộp lệ phí. Tổ chức thu phí theo quy định tại Thông tư này gồm Bộ Công Thương và cơ quan, tổ chức được Bộ Công Thương uỷ quyền cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hoá theo quy định tại Điều 34 Luật Quản lý ngoại thương.
Tuy nhiên, thay vì phải đến trực tiếp cơ quan quản lý nộp phí, doanh nghiệp có thể thực hiện thanh toán phí/lệ phí C/O bằng hình thức trực tuyến nhằm giúp doanh nghiệp tiết kiệm thời gian và chi phí phát sinh. Sau khi thực hiện nộp phí/lệ phí C/O, doanh nghiệp sẽ nhận được biên lai qua email đã đăng ký với cơ quan quản lý.
Ngoài ra, Bộ Công Thương sẽ tổ chức chuỗi sự kiện “Kết nối chuỗi cung ứng hàng hóa quốc tế” (Viet Nam International Sourcing 2023) với kỳ vọng tìm kiếm đối tác nhập khẩu hàng Việt; thúc đẩy phát triển dịch vụ logistics nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh cho hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam; đẩy mạnh phát triển xuất nhập khẩu thông qua thương mại điện tử xuyên biên giới.
Đặc biệt, tổ chức Hội nghị giao ban định kỳ hàng tháng giữa các cơ quan của bộ, hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài với địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp và bộ, ngành liên quan để cập nhật thông tin, nhu cầu cũng như quy định mới của thị trường hướng tới đẩy mạnh xuất khẩu những tháng cuối năm./.