HoREA kiến nghị ngân hàng 'nới tay' để doanh nghiệp BĐS tiếp cận vốn tín dụng

Đông Bắc 16:00 | 02/10/2023 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA) cho rằng, các ngân hàng thương mại xem xét "nới tay" cho doanh nghiệp được vay tín dụng để bù đắp tài chính, có dự án đầu tư bảo đảm tính khả thi thì sẽ giúp thị trường bất động sản vượt qua khó khăn.

 

Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA) vừa có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ,  Ngân hàng Nhà nước đề nghị gia hạn thời gian áp dụng Thông tư 08 thêm 1 năm, tức vào 1/10/2024 thay vì áp dụng từ ngày 1/10/2023. Nội dung đề nghị gia hạn liên quan tới quy định các tổ chức tín dụng sử dụng tối đa 30% nguồn vốn huy động ngắn hạn để cho vay trung hạn, dài hạn.

HoREA cho rằng việc lùi thời gian áp dụng sẽ tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng được sử dụng hợp lý nguồn vốn huy động ngắn hạn để cho vay trung hạn, dài hạn. Đồng thời, doanh nghiệp và người dân có thể tiếp cận nguồn vốn mà vẫn không gây rủi ro về an toàn cho hệ thống tín dụng.

Theo lộ trình, kể từ ngày 1/10/2023, Thông tư 08 quy định các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài chỉ còn được phép sử dụng tối đa 30% nguồn vốn huy động ngắn hạn (chủ yếu là tiền gửi tiết kiệm ngắn hạn) để cho vay trung hạn, dài hạn thay vì 34% như hiện nay.

 

 HoREA kiến nghị ngân hàng "nới tay" cho vay vốn bất động sản. Ảnh BTC.

Tuy nhiên, HoREA đánh giá bối cảnh của nền kinh tế nước ta hiện nay đã thay đổi rất khác so với bối cảnh lúc ban hành Thông tư 08 vào tháng 8/2020. Nền kinh tế đứng trước các thách thức rất lớn từ tác động của "các cơn gió ngược" tác động bất lợi đến kinh tế - xã hội. Trong đó, lĩnh vực bất động sản phát sinh những nhân tố khách quan, bất ngờ, không thể dự đoán được.

Thông tư 08 có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/10/2020, được sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 22/2019 của Ngân hàng Nhà nước.

Thông tư quy định ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải tuân thủ tỷ lệ tối đa của nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung hạn và dài hạn.

Lộ trình cụ thể áp dụng như sau:

- Từ ngày 1/1/2020 đến 30/9/2021, tỷ lệ tối đa của nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung hạn và dài hạn là 40%.

- Từ ngày 1/10/2021 đến ngày 30/9/2022 là 37%. 

- Từ ngày 1/10/2022 đến 30/9/2023 là 3%.

- Từ ngày 1/10/2023 là 30%.

Với bối cảnh hiện nay, nền kinh tế và thị trường bất động sản vẫn còn rất khó khăn do tác động của "các cơn gió ngược". Nhiều doanh nghiệp thuộc các ngành kinh tế thu hẹp sản xuất kinh doanh nên giảm hoặc không có nhu cầu vay tín dụng. Nhưng doanh nghiệp bất động sản vẫn có nhu cầu vay tín dụng nhưng lại khó tiếp cận.

Nguyên nhân chủ yếu là các dự án bất động sản bị vướng pháp lý mặc dù chủ đầu tư đã có đất sạch. Trong khi đó, các ngân hàng thương mại yêu cầu doanh nghiệp phải có "chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời với chấp thuận nhà đầu tư", phải có quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500, thậm chí phải có giấy phép xây dựng, dự án phải có tính khả thi thì mới được vay tín dụng.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA cho rằng chỉ cần các ngân hàng thương mại xem xét "nới tay" một chút cho doanh nghiệp được vay tín dụng để bù đắp tài chính, có dự án đầu tư bảo đảm tính khả thi hoặc có tài sản bảo đảm là sổ hồng thì sẽ giúp thị trường vượt qua khó khăn.

Chủ tịch HoREA cho biết thêm, điều này đồng thời góp phần thực hiện mục tiêu tăng trưởng tín dụng khoảng 14% của năm nay vì đến ngày 15/9, Ngân hàng Nhà nước nêu kết quả tăng trưởng tín dụng mới đạt gần 12,6 triệu tỷ đồng, tăng 5,56% so với cuối năm trước. Tức, ngân hàng còn gần 1 triệu tỷ đồng có thể bơm vào nền kinh tế.

Do vậy, HoREA đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét chỉ đạo và đề nghị Ngân hàng Nhà nước khẩn trương xem xét sửa đổi, bổ sung Thông tư 08 theo hướng gia hạn thêm 1 năm thời điểm áp dụng quy định trên.

Thúc đẩy cho vay tín dụng với các doanh nghiệp bất động sản

Trước đó, đầu tháng 8 vừa qua, Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiếp tục rà soát và thúc đẩy việc cho vay tín dụng đối với các doanh nghiệp bất động sản; chỉ đạo các ngân hàng thương mại có giải pháp phù hợp, hiệu quả để doanh nghiệp, dự án bất động sản và người mua nhà tiếp cận được nguồn vốn tín dụng thuận lợi hơn, vừa tạo thuận lợi, hỗ trợ doanh nghiệp, vừa kiểm soát được rủi ro, góp phần tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển thị trường bất động sản an toàn, lành mạnh, hiệu quả, bền vững, nhất là xem xét rất cụ thể để cho vay với các dự án bất động sản đang dở dang, sắp hoàn thành;

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, phối hợp Bộ Xây dựng và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình tín dụng khoảng 120.000 tỷ đồng cho vay ưu đãi phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo xây dựng lại chung cư.

 Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiếp tục rà soát và thúc đẩy việc cho vay tín dụng đối với các doanh nghiệp bất động sản. Ảnh BĐS.

Tiếp tục chỉ đạo, đôn đốc các ngân hàng thương mại tiếp tục chia sẻ với doanh nghiệp, người dân, tạo điều kiện hạ lãi suất cho vay, đơn giản hoá các thủ tục hành chính cho vay; rà soát các điều kiện cho vay phù hợp thuận lợi, khuyến khích cả người vay phát triển nguồn cung và người vay mua nhà; có các gói khuyến mãi hợp lý ưu đãi để khuyến khích cả cung và cầu; phát huy cơ sở dữ liệu dân cư trong quản lý, cho vay tín dụng. Ngân hàng, doanh nghiệp và người mua nhà cần phát huy tinh thần "lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ".

Đối với các doanh nghiệp, cần tiếp tục chủ động rà soát, tái cấu trúc lại doanh nghiệp, danh mục đầu tư, cơ cấu sản phẩm đầu tư của doanh nghiệp đảm bảo phù hợp với năng lực tài chính, quy mô, khả năng quản trị của doanh nghiệp và phù hợp với nhu cầu thực của xã hội, cơ cấu lại giá, các chương trình khuyến mại, khuyến khích nhà đầu tư, người dân mua nhà, kinh doanh bất động sản.

Rà soát, cơ cấu lại nguồn vốn; cơ cấu lại các sản phẩm, phân khúc sản phẩm, tập trung xử lý nợ xấu, nợ đến hạn để tạo cơ sở, điều kiện tiếp cận các nguồn vốn tín dụng, trái phiếu, chứng khoán... triển khai thực hiện dự án.