Kim ngạch xuất khẩu rau quả tháng 11, 12 có thể giảm mạnh

H.Mĩ 08:06 | 30/10/2024 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam dự báo kim ngạch trong tháng 10 vẫn có thể duy trì quanh mốc kỷ lục hiện tại là khoảng 900 triệu USD. Tuy nhiên, sang tháng 11, 12 kim ngạch có thể giảm mạnh xuống khoảng 400 - 500 triệu USD/tháng do sầu riêng qua chính vụ.

Xuất khẩu rau quả liên tục phá đỉnh

Tháng 9, kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam đạt 917,25 triệu USD, tăng 8,7% so với tháng trước và tăng 37,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là tháng thứ hai liên tiếp, xuất khẩu rau quả thiết lập kỷ lục mới.

Tính chung 9 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu rau quả đạt 5,64 tỷ USD, tăng 34% so với cùng kỳ năm ngoái.

Nguồn: Tổng Cục Hải quan (H.Mĩ tổng hợp)

Cục xuất nhập khẩu cho biết kết quả này phần lớn nhờ sự đóng góp của việc xuất khẩu trái sầu riêng sang thị trường Trung Quốc (chiếm tới 45 - 50% kim ngạch xuất khẩu). Bên cạnh đó, còn có sự đóng góp của các loại trái cây rau củ chủ lực như chuối, mít, xoài, dưa hấu, chanh, chanh leo, các loại hạt...

Trao đổi với chúng tôi, ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, dự báo kim ngạch trong tháng 10 vẫn có thể duy trì quanh mốc kỷ lục hiện tại là khoảng 900 triệu USD. Tuy nhiên, sang tháng 11, 12 kim ngạch có thể giảm mạnh xuống khoảng 400 - 500 triệu USD/tháng do sầu riêng qua chính vụ và chỉ còn ít hàng trái vụ ở khu vực miền Tây.

Tính chung cả năm nay, đại diện Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho biết kim ngạch xuất khẩu rau quả có thể đạt kỷ lục mới 7,3 - 7,5 tỷ USD.

Áp lực cạnh tranh và phụ thuộc quá nhiều vào thị trường Trung Quốc

Mặc dù xuất khẩu rau quả của Việt Nam có nhiều tín hiệu tích cực, tiến dần đến mốc kim ngạch cao nhất từ trước đến nay, áp lực cạnh tranh ngày càng lớn và việc phụ thuộc quá nhiều vào một thị trường đang đặt ra những thách thức lớn.

Ông Nguyên cho rằng hàng Việt Nam đang chịu sự cạnh tranh khốc liệt tại Trung Quốc. Điển hình như mặt hàng sầu riêng, Việt Nam đang phải chạy đua thị phần với Thái Lan. Hay với mặt hàng chuối, đối thủ của Việt Nam là Indonesia, Ecuador,..

Thậm chí, hàng Việt Nam còn phải cạnh tranh với chính sản phẩm cùng loại từ Trung Quốc. Cục Xuất nhập khẩu cho biết, nhiều loại trái cây xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, phía Trung Quốc cũng đang tự phát triển diện tích khá nhanh. Sau 10 năm, diện tích trồng thanh long của Trung Quốc đã vượt Việt Nam.

Đối với trái sầu riêng, Trung Quốc đang thử nghiệm trồng 2.700 ha tại đảo Hải Nam và tìm cách tự chủ nguồn cung từ các nơi có khí hậu thuận lợi. Do đó, ngành hàng rau quả cần phải tạo ra và mang đến những giá trị thực sự của trái cây Việt Nam tới người tiêu dùng Trung Quốc.

Chất lượng sản phẩm, hương vị đặc trưng và sự an toàn vệ sinh thực phẩm chính là những giá trị cốt lõi cần tập trung phát triển và duy trì. Khi người tiêu dùng Trung Quốc nhận thức được những giá trị này, họ sẽ trở thành những khách hàng bền vững, tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển lâu dài của ngành trái cây Việt Nam.

Trung Quốc hiện chiếm tỷ trọng tới 67% trong số các thị trường xuất khẩu rau quả của Việt Nam. Trong đó, chỉ tính riêng trong tháng 9, tỷ trọng này lên tới 78%. Cục Xuất nhập khẩu nhận định điều này cho thấy, ngành hàng rau quả của Việt Nam đang có dấu hiệu phụ thuộc nhiều vào thị trường xuất khẩu truyền thống Trung Quốc.

Nguồn: Tổng Cục Hải quan (H.Mĩ tổng hợp)

Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho biết hiện nay đang có nhiều khó khăn liên quan đến chiến tranh ở Trung Đông, xung đột tại kênh đào Panama, Suez, làm cước tàu tăng cao… Do đó, thị trường Trung Quốc là điểm an toàn để xuất khẩu, nhờ logistics thuận lợi.

"Như Thái Lan, mức độ phụ thuộc lên tới 80%, còn Việt Nam mới 67%. Cuối năm nay, mức độ phụ thuộc vào thị trường có thể lên 70% và nếu có lên 80% thì cũng không có gì lạ", vị này cho hay.

Tuy nhiên, ông cũng nói thêm ngành rau quả đang có kế hoạch đa dạng hoá thị trường. Thay vì tập trung ở những thị trường xa như EU, Mỹ, các doanh nghiệp sẽ mở rộng sang các thị trường châu Á có mức thu nhập cao như Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore...

"Đây là khu vực mà những nước khác cũng muốn nhắm đến. Trong khi đó, Việt Nam nằm trong lõi của khu vực châu Á thì tại sao lại để các nước khác chiếm được thị phần?", ông Nguyên nói.