Lãi 9 quý liên tiếp, vì sao HAGL của Bầu Đức vẫn bị kiểm toán nghi ngờ khả năng hoạt động liên tục?

Trang Mai 11:15 | 30/08/2023 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Dù quý II/2023 là quý lãi thứ 9 liên tiếp của Hoàng Anh Gia Lai, thế nhưng khoản lỗ luỹ kế gần 3.000 tỷ và khoản nợ ngắn hạn vượt tài sản ngắn hạn hơn 2.000 tỷ đã khiến đơn vị kiểm toán tiếp tục nghi ngờ khả năng hoạt động liên tục của doanh nghiệp này.

Khoản lỗ luỹ kế gần 3.000 tỷ và nợ vượt tài sản khiến đơn vị kiểm toán nghi ngờ khả năng hoạt động liên tục

Theo báo cáo soát xét vừa công bố, CTCP Hoàng Anh Gia Lai (HAGL, mã: HAG) ghi nhận doanh thu nửa đầu năm 2023 đạt 3.155 tỷ đồng, tăng nhẹ so với báo cáo tự lập. Riêng lợi nhuận nửa đầu năm nay đạt 385 tỷ đồng, giảm 137 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước (giảm 26%) và giảm 20 tỷ đồng so với báo cáo tự lập. 

 Ảnh: Mai Trang tổng hợp từ BCTC soát xét

Mặc dù quý II/2023 là quý thứ 9 liên tiếp đơn vị báo lãi (từ quý II/2021), nhưng tại báo cáo soát xét, đơn vị kiểm toán Ernst & Young nhấn mạnh việc tại ngày 30/6/2023, Hoàng Anh Gia Lai vẫn đang ghi nhận lỗ lũy kế 2.959 tỷ đồng và nợ ngắn hạn vượt quá tài sản ngắn hạn 2.004 tỷ đồng.

Ngoài ra, HAGL cũng đang vi phạm một số cam kết đối với hợp đồng trái phiếu và đang chưa thanh toán các khoản nợ gốc vay và lãi trái phiếu đến hạn thanh toán.

Các điều kiện này cho thấy có sự tồn tại của yếu tố không chắc chắn trọng yếu có thể dẫn đến nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục của Hoàng Anh Gia Lai.

Giải trình trước ý kiến của kiểm toán, HAGL cho biết, tại ngày lập báo cáo tài chính hợp nhất bán niên 2023 đã được soát xét, tập đoàn đã lập kế hoạch cho 12 tháng tiếp theo bao gồm dòng tiền dự kiến sẽ được tạo ra từ việc thanh lý một phần các khoản đầu tư tài chính, thu hồi nợ từ các đối tác, dòng tiền từ việc phát hành cổ phiếu riêng lẻ cho các cổ đông, tiền đi vay các ngân hàng thương mại và dòng tiền tạo ra từ các dự án đang triển khai.

Doanh nghiệp cũng đang trong quá trình làm việc với các bên cho vay về điều chỉnh các điều khoản đã bị vi phạm của các hợp đồng vay và trái phiếu có liên quan. Công ty đang trong quá trình đàm phán tái cơ cấu một số khoản nợ quá hạn, đồng thời hoạt động kinh doanh từ heo và chuối tiếp tục tạo ra nguồn tiền lớn trong năm 2023.

Đây cũng không phải lần đầu HAGL bị kiểm toán nghi ngờ về khả năng hoạt động liên tục và chậm thanh toán lãi vay và nợ vay. Doanh nghiệp đã bị kiểm toán nghi ngờ về khả năng hoạt động liên tục kể từ báo cáo tài chính năm 2017 khi vốn lưu động âm và thường xuyên vi phạm các điều khoản của các khoản vay.

Theo đó, HAGL cho rằng công ty có thể hoàn trả các khoản nợ khi đến hạn và tiếp tục hoạt động trong kỳ kế toán tiếp theo.

Trước đó, tại buổi gặp gỡ nhà đầu tư ngày 20/8, ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch HĐQT chia sẻ năm 2023, HAGL dự kiến có lãi như kế hoạch, trả 1.000 tỷ đồng nợ cho ngân hàng, cùng với nguồn tiền từ HAGL Agrico.

Từ 2024, công ty kỳ vọng có lợi nhuận trên 2.000 tỷ đồng và dùng để trả nợ. Ban lãnh đạo khẳng định hiện không còn nhu cầu vay vốn để đầu tư. Đến năm 2026, công ty sẽ cố gắng xử lý hết khoản 7.600 tỷ nợ ngân hàng.

Bên cạnh đó, HAGL vừa có tờ trình lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản về việc chào bán  130 triệu cổ phiếu riêng lẻ với giá 10.000 đồng/cp ngay sau khi được UBCKNN chấp thuận.

Tổng số tiền thu được từ đợt chào bán là 1.300 tỷ đồng dự kiến sẽ dùng để: Thanh toán khoản nợ gốc và lãi trái phiếu do công ty phát hành ngày 18/6/2012 với mã HAG2012.300 (323 tỷ đồng); Cơ cấu lại các khoản nợ vay tại TPBank cho công ty con là CTCP Gia súc Lơ Pang (277 tỷ đồng); Bổ sung nguồn vốn lưu động và cơ cấu lại nợ cho công ty con là Công ty TNHH Hưng Thắng Lợi Gia Lai (700 tỷ đồng). 

Cũng tại báo cáo tài chính soát xét, tại ngày 30/6/2023, HAGL vay nợ ngắn hạn 4.115 tỷ đồng và vay nợ dài hạn 3.970 tỷ đồng, tổng cộng khoảng 8.100 tỷ đồng.

Không đề cập đến khoản nợ này, nhưng vị Chủ tịch HAGL từng khẳng rằng sẽ "quyết tâm xóa hết nợ để khỏi bị thị phi", và dự kiến sẽ làm được vào năm 2026. Bầu Đức cho biết đến nay Công ty còn nợ các ngân hàng BIDV, Sacombank và TPBank và các khoản nợ đều có tài sản đảm bảo.

“Công thần” sáng chế công thức heo ăn chuối tiếp tục không nhận lương

Trong ban lãnh đạo của HAGL, ông Trần Văn Dai được mệnh danh là “công thần” với sự thành công ở công thức cám với 35-40% từ chuối, giúp HAGL tiết kiệm đáng kể chi phí chăn nuôi, không phụ thuộc vào giá cả thị trường đồng thời ra mắt được thương hiệu thịt riêng Bapi – Heo ăn chuối. Tuy nhiên, ông nhiều năm liền không nhận lương, thưởng từ đơn vị này. 

Chia sẻ về điều này với Nhịp sống thị trường, ông Dai cho biết: ““Làm 2 năm ở HAGL, bầu Đức trả lương nhưng tôi từ chối. Tiền tôi không thiếu. Tại HAGL, tôi cảm thấy vui vì những cái mà xưa nay mình nghiên cứu, sáng chế đã được áp dụng và thành công”.

Trong danh sách thu nhập của các thành viên trong HĐQT, Ban Kiểm soát và Ban Tổng Giám đốc nửa đầu năm 2023, ông Đoàn Nguyên Đức nhận về 1,25 tỷ cho thu nhập và 27 triệu cho lương, thưởng. Như vậy, vị Chủ tịch đã nhận về hơn 1,5 tỷ đồng trong nửa đầu năm, tương đương 250 triệu đồng mỗi tháng. Ông Đức cũng là người có thu nhập cao nhất tại HAGL. 

Ông Võ Trường Sơn, Tổng Giám đốc nhận về 941 triệu cho thu nhập và 45,2 triệu đồng lương, thưởng. 6 tháng đầu năm, ông Sơn nhận về hơn 986 triệu đồng, tương đương 164 triệu/tháng. 

Ngoài ra, 2 vị Phó Tổng Giám đốc là bà Võ Thị Mỹ Hạnh và bà Hồ Thị Kim Chi cũng nhận về mức thu nhập và thù lao ấn tượng với 709 triệu và 543 triệu đồng trong 6 tháng.