Ngân hàng Nhà nước tiếp tục thắt chặt tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản và chứng khoán
Theo nhận định của các tổ chức tín dụng (TCTD), nhu cầu tín dụng tổng thể của khách hàng tăng trong 6 tháng đầu năm 2021 và dự báo tiếp tục tăng trong 6 tháng cuối năm và cả năm 2021 ở tất cả các đối tượng, loại tiền, kỳ hạn và lĩnh vực, ngoại trừ nhu cầu tín dụng cho đầu tư, kinh doanh du lịch giảm trong 6 tháng đầu năm 2021 và được dự báo phục hồi nhẹ trong 6 tháng cuối năm 2021.
Vụ Dự báo, thống kê các TCTD đã điều chỉnh thu hẹp bớt mức kỳ vọng về xu hướng gia tăng nhu cầu tín dụng năm 2021 qua các kỳ điều tra. Trong đó, thu hẹp đáng kể đối với kỳ vọng về sự gia tăng nhu cầu vay vốn trong lĩnh vực xây dựng, du lịch, vận tải, kho bãi, xuất nhập khẩu, sản xuất phân phối điện, vay mua nhà để ở, công nghiệp hỗ trợ và đầu tư ứng dụng công nghệ cao.
Đánh giá 6 tháng cuối năm 2021, các TCTD dự kiến nới lỏng nhẹ tiêu chuẩn tín dụng tổng thể của đơn vị mình đối với hầu hết các nhóm khách hàng, trong đó, ưu tiên nới lỏng đối với nhóm khách hàng là cá nhân và doanh nghiệp nhỏ và vừa, và áp dụng với hầu hết các lĩnh vực, ngành nghề ưu tiên.
Trong khi đó, sẽ tiếp tục thắt chặt hơn đối với lĩnh vực cho vay đầu tư kinh doanh bất động sản và cho vay kinh doanh chứng khoán trong 6 tháng đầu năm 2021.
BĐS và Chứng khoán sẽ bị thắt chặt tín dụng trong thời gian tới
Theo Ngân hàng nhà nước, tính đến tháng 4/2021, dư nợ tín dụng đối với lĩnh vực BĐS đạt khoảng 1,85 triệu tỉ đồng, tăng 3% so với tháng 12/2020. Dù đây là con số không lớn, tuy nhiên tổng dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế là 9,46 triệu tỉ đồng, trong đó cho vay bất động sản là 1,8 triệu tỉ đồng, chiếm 19%.
Bên cạnh đó, từ cuối năm 2020, hoạt động mua bán sáp nhập cũng liên tục được các ông lớn bất động sản đẩy mạnh, xu hướng gom đất không chỉ xuất hiện ở phân khúc nhà ở mà cả bất động sản công nghiệp, khách sạn, nghỉ dưỡng.
Trong quý I, lĩnh vực kinh doanh bất động sản đứng đầu về số doanh nghiệp thành lập mới trong quý đầu năm nay với 1.733 đơn vị, tăng 27,1% so với cùng kỳ năm trước. Lĩnh vực kinh doanh bất động sản trong 3 tháng đầu năm nay cũng tiếp tục đứng thứ 3 về thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài với tổng vốn 600 triệu USD.
Theo các chuyên gia, trên thực tế, nguồn vốn đầu tư dự án của các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực BĐS đều chiếm đa số từ vốn vay ngân hàng. Các hiện tượng trên cùng với tình trạng sốt đất trong thời gian ngắn khoảng hai, ba năm nhưng tốc độ tăng giá đất có gia tốc cũng có thể dẫn tới tích tụ bong bóng bất động sản ở mức cao.
Với việc ngân hàng siết chặt tín dụng thì nhiều DN sẽ càng khó khăn hơn trong việc tiêu thụ và vẫn hành lĩnh vực hoạt động.
Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, sau 2 năm ứng phó với Covid-19, số doanh nghiệp rời khỏi thị trường trong 7 tháng đầu năm 2021 tiếp tục tăng 2 chữ số so với cùng kỳ.
Theo đó, số doanh nghiệp rời khỏi thị trường đã cao hơn cả số doanh nghiệp thành lập mới, khi có gần 79,7 nghìn doanh nghiệp rời khỏi thị trường, tăng 25,5% so với cùng kỳ năm 2020.
Trong đó, gần 40,3 nghìn doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 23% so với cùng kỳ năm trước; 28 nghìn doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 28,6%.
Đồng thời, có tới 11,4 nghìn doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 27,4%, bao gồm 10.105 doanh nghiệp có quy mô vốn dưới 10 tỷ đồng, tăng 27,2%; 131 doanh nghiệp có vốn trên 100 tỷ đồng, giảm 5,1%. Tính trung bình mỗi tháng có gần 11,4 nghìn doanh nghiệp rời khỏi thị trường.
Theo Bộ Xây dựng, trong năm 2020, ngành bất động sản cũng có sự thanh lọc, với việc nâng cao năng lực và tăng khả năng thích nghi của các doanh nghiệp tham gia thị trường. Số doanh nghiệp thành lập mới năm 2020 kinh doanh bất động sản là 6.694 doanh nghiệp, giảm 15,5% so với năm 2019; số doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể là 978 doanh nghiệp.
Đăng Khôi