Ngân hàng thu nợ `không khoan nhượng`, chủ 500 tàu du lịch Quảng Ninh kêu cứu

14:13 | 17/06/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Các đội tàu du lịch vốn nếu muốn có doanh thu thì phải phụ thuộc vào lượng khách hàng. Tuy nhiên, đại dịch kéo dài đã khiến nhiều chiếc tàu tại Vịnh Hạ Long phải nằm bờ, doanh thu sụt giảm tới ngưỡng phá sản.

Hiện tại, hơn 500 tàu du lịch trên Vịnh Hạ Long đang nằm bờ, không có khách để phục vụ, chủ nhân đứng đằng sau đang gặp những khó khăn cùng cực. 

Do vậy, Ngân hàng Nhà nước – Chi nhánh Quảng Ninh đã cùng một số sở, ngành tỉnh Quảng Ninh, các ngân hàng thương mại và Chi hội Tàu du lịch Hạ Long phối hợp tổ chức hội nghị tháo gỡ khó khăn của các doanh nghiệp kinh doanh tàu du lịch.

Theo đó, tính đến ngày 31/5/2021, có 22 ngân hàng thương mại cho 240 khách hàng là các chủ tàu, chủ doanh nghiệp kinh doanh tàu du lịch sử dụng dịch vụ tín dụng  với số tiền vay lên đến 1.876 tỷ đồng. Con số nợ do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 là 1.670 tỷ đồng.

Nhiều chủ tàu cho biết, sức chịu đựng của họ đã tới hạn, và vẫn là bế tắc không có lối thoát khi hoạt động du lịch chưa phục hổi. "Chuyển từ "nhảy nhóm nợ" sang… "nhảy cầu" - đó là lời của nhiều chủ tàu khi đề cập tới món nợ lớn phải gánh từ việc vay ngân hàng để đóng tàu du lịch chở khách trên vịnh Hạ Long và Bái Tử Long.

Hiện, nợ của nhiều chủ tàu đã chuyển nhóm 5, thành "nợ xấu" khó có khả năng thu hồi. Theo ông Đào Mạnh Lượng, Chi hội trưởng Chi hội Tàu du lịch Hạ Long thì nhiều chủ tàu đã phải bán tháo nhiều tài sản giá trị bởi chính sách "không khoan nhượng" đến từ phía ngân hàng, nhiều người đã không còn lực để gánh những khoản lãi lên tới vài trăm triệu. 

Ngân hàng thu nợ `không khoan nhượng`, chủ 500 tàu du lịch Quảng Ninh kêu cứu - ảnh 1

Nhiều tháng qua, các chủ tàu rơi vào cảnh không có nguồn thu

Do đó, Chi hội Tàu du lịch Quảng Ninh thống nhất kiến nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh tỉnh Quảng Ninh và các Ngân hàng Thương mại xem xét giải quyết một số đề xuất của các chủ tàu, chủ doanh nghiệp. Trong đó có nội dung xin được cơ cấu, gia hạn các khoản vay nợ (Kể cả các số tiền để hoàn thiện tàu đóng mới dở dang giải ngân sau ngày 23/01/2020) trong suốt thời gian dịch Covid-19 diễn ra.

Hiện tại, chính sách hỗ trợ giãn nợ chỉ áp dụng từ 3 tháng đến 1 năm thì doanh nghiệp không thể xoay kịp bởi chưa kể phục hồi hoạt động sản xuất và kiếm được doanh thu để trả nợ.

Ông Đào Mạnh Lương tiếp tục phân tích: "Chính sách hỗ trợ hiện nay yêu cầu dồn các kì giãn nợ vào một kì cuối phải trả hết thì càng gây khó cho doanh nghiệp, vì khi đó chắc chắn doanh nghiệp không thể có đủ nguồn tài chính để trả tất cả nợ gốc cùng lãi vay như vậy được."

Nên, các chủ tàu cũng muốn được hưởng cơ cấu thêm 3 năm sau khi Chính phủ công bố hết dịch và được gia hạn hợp đồng tín dụng thêm 3 năm so với hợp đồng ban đầu. Về hình thức trả nợ, gốc và lãi sau cơ cấu sẽ được thanh toán đều hoặc sẽ được trả theo hình thức lũy tiến tăng dần dựa vào tình hình phục hồi hoạt động thực tế sau khi hết dịch trong 3 năm gia hạn hợp đồng tín dụng đó.

Bên cạnh đó, Chi hội tàu cũng muốn các tổ chức tín dụng có thêm nhiều chính sách hỗ trợ cho vay vốn lưu động cho các doanh nghiệp, chủ tàu bởi sau thời gian chống dịch COVID-19, nguồn lực các doanh nghiệp đều cạn kiệt. Các ngân hàng cho các đơn vị đang có dự án đóng tàu dở dang hưởng thêm các chính sách ưu đãi như: chuyển đổi khoản vay ngắn hạn thành khoản vay trung hạn; giữ nguyên nhóm nợ đã được phân loại...

Cuối cùng, các chủ tàu cũng đề xuất các cơ quan hữu quan có chính sách nợ thuế, nợ bảo hiểm xã hội từ 3 - 5 năm sau thời gian chấm dứt dịch bệnh. Sau khi doanh nghiệp có nguồn thu mới có thể chấp hành đầy đủ nghĩa vụ đóng thuế theo quy định.

H.S

Xem thêm: Vietnam Airlines và các hãng hàng không sắp đi tới giới hạn, có nguy cơ phá sản