Người nuôi thủy sản ở miền Trung “đứng ngồi không yên” trước nguy cơ thua lỗ

12:56 | 23/09/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Dịch bệnh kéo dài khiến người nuôi hải sản ở Nghệ An và Hà Tĩnh rơi vào tình cảnh “điêu đứng” khi đến mùa thu hoạch nhưng không có thương lái đến thu mua, giá cả thì tụt dốc không phanh.

Cùng thời điểm này năm 2020, người nuôi cá cá hồng mỹ, cá vược ở thị xã Cửa Lò (Nghệ An) đang tất bật vào mùa thu hoạch thế nhưng năm nay do ảnh hưởng của dịch Covid-19 hàng trăm tấn cá đã đến vụ mùa thu hoạch song thị trường tiêu thụ “đóng băng”, người dân rơi vào tình cảnh “dở khóc, dở cười”.

Cùng tình cảnh người nuôi trồng hải sản ở Hà Tĩnh cũng “ngồi trên đống lửa” khi tôm thẻ, ốc hương, ngao rớt giá thảm, khó tìm thấy đầu ra tiêu thụ.

Vụ thu hoạch đã bắt đầu hơn một tháng nhưng thương lái không tới mua, bắt cá đi bán cũng không được do thị trường đóng băng

Khoảng 300 tấn cá chưa thể tiêu thụ

Hơn 10 năm gắn bó với nghề nuôi cá lồng dọc lạch nước ở vùng biển xã Nghi Thủy (thị xã Cửa Lò, Nghệ An) ông Võ Văn Tân (67 tuổi, trú xã Nghi Thủy) chưa bao giờ rơi vào hoàn cảnh trớ trêu như năm nay.

Ông cho biết hàng năm, vào tháng 10 gia đình bố con ông bắt đầu thả nuôi gần 20.000 cá vược, hồng mỹ giống vào lồng bè. Gần một năm chăm sóc, đến nay mỗi con cá đều đạt trọng lượng 0,9-1,2 kg. Cùng thời điểm này, những năm trước bố con ông Tân đang tất bật thu lưới cá cho thương lái. Với mức giá 50.000-80.000 đồng/kg, mỗi năm gia đình lãi gần 200 triệu đồng.

Gần một năm chăm sóc, đến nay mỗi con cá đều đạt trọng lượng 0,9-1,2 kg

Thế nhưng, năm nay vụ thu hoạch đã bắt đầu hơn một tháng nhưng thương lái không tới mua, bắt cá đi bán cũng không được do thị trường đóng băng vì ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Ông Tân buồn bã nói: “Việc thu hoạch cá hồng mỹ, cá vược đã bắt đầu hơn một tháng, nhưng không ai tới mua, mang đi bán cũng không được. Dừng cho ăn thì sợ cá chết mà cho ăn lại quá lứa, rất khó bán. Bán không được nên không muốn cho cá ăn nữa. Nóng ruột lắm nhưng giờ chỉ biết tìm cách hãm cho ăn để cá không tăng ký, không thì khó vớt vát được chút vốn nào”.

Cho cá ăn thì sợ quá lứa, dừng cho ăn thì sợ cá chết

Đối với anh Lê Thế Anh (40 tuổi, trú xã Nghi Thủy) cũng không ngoại lệ. Ngoài 10 tấn cá đã đến kỳ thu hoạch vẫn chưa thấy người mua, anh vẫn còn gần 2 tấn cá tồn dư lại từ năm trước, đến nay cân nặng đã vượt quá tiêu chuẩn xuất bán.

“Các loại cá lồng có giá trị kinh tế cao, mục tiêu đến khách hàng du lịch hay thị trường trong nước nhưng dịch bệnh khiến người nuôi không tìm được đầu ra, trong khi tiền đầu tư thức ăn khá lớn nên dù bán được cũng chỉ vớt vát phần vốn”, anh Thế Anh cho biết.

Lý giải về điều này, ông Phạm Văn Hóa, Giám đốc Sở Công Thương Nghệ An cho rằng, dịch bệnh làm thị trường bị đứt gãy khiến hàng trăm nghìn tấn hải sản, nông sản của người dân gặp khó khăn trong tiêu thụ. Sở đã gửi công văn đến các Vụ Thị trường trong nước và Sở Công Thương các tỉnh nhằm kết nối, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm cho người dân.

Dịch bệnh khiến người nuôi không tìm được đầu ra, trong khi tiền đầu tư thức ăn khá lớn nên dù bán được cũng chỉ vớt vát 

“Sở đã kết nối với các siêu thị, nhà phân phối các tỉnh hỗ trợ tiêu thụ trong suốt đợt dịch vừa qua nhưng đó là biện pháp tạm thời. Về lâu dài, khi dịch bệnh được kiểm soát, các chợ, nhà phân phối và dịch vụ mở lại thì việc tiêu thụ sẽ dễ dàng hơn”, ông Hóa nói.

Còn Ông Võ Văn Lý, Trưởng phòng Kinh tế thị xã Cửa Lò, lại lý giải việc nuôi cá lồng giúp người dân có nguồn thu ổn định. Tuy nhiên, do chưa được quy hoạch vùng nuôi, đa phần người dân nuôi tự phát trên các luồng lạch, chính sách hay phương án hỗ trợ gặp khó khăn.

“Hiện còn khoảng 300 tấn cá lồng của người dân nuôi trong vùng chịu ảnh hưởng của dịch bệnh, chưa thể tiêu thụ. Địa phương cũng đã có báo cáo lên Sở Công Thương để hỗ trợ phương án tháo gỡ khâu tiêu thụ cho người dân”, ông Lý nói.

Tôm ốc thi nhau rớt giá

Còn tại xứ Cồn Vạn, xã Cẩm Lĩnh (huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh), nơi được xem là thủ phủ nghề nuôi ốc hương của tỉnh. Sau 7 tháng thả nuôi, làng ốc hương xứ Cồn Vạn (xã Cẩm Lĩnh, huyện Cẩm Xuyên) đang vào vụ thu hoạch ốc hương. Tuy nhiên, do diễn biến phức tạp cùng với ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhất là đối với các các tỉnh, thành phố đang thực hiện giãn cách xã hội, khiến việc vận chuyển giao thương gặp nhiều khó khăn khi mà hàng tấn ốc hương đang đến mùa thu hoạch cùng thời điểm năm trước mà vẫn không có thương lái đến mua.

So với năm trước, năm nay ốc hương đạt năng suất cao hơn nhưng rớt giá hơn rất nhiều. Những năm trước giá ốc dao động từ 180 – 200.000/kg thì thời điểm hiện tại giá ốc hương bán sỉ cho thương lái giao động khoảng 130 - 150.000/kg tùy kích cỡ. Để gỡ vốn, nhiều người nuôi ốc đành bán giá thấp để gỡ vốn trước mùa mưa bão.

Năm nay ốc hương đạt năng suất cao hơn nhưng rớt giá hơn rất nhiều

“Những năm trước cứ đến vụ thu hoạch ốc hương thương lái đến tranh nhau mua, nhiều người đặt cọc trước để được lấy hàng. Nhưng mấy hôm nay tôi liên tục gọi điện cho những mối tiêu thụ quen của gia đình vẫn không ai nhận. Sau nhiều ngày chờ đợi mới có thương lái ở ngoài Bắc thu mua nhưng gia đình phải thuê xe chở hàng ra Bắc để giao. Vụ mùa năm nay chỉ mong thu hồi đủ số vốn bỏ ra chứ không trông chờ đến lời lãi”, ông Trần Văn Vựng (56 tuổi, trú xã Cẩm Lĩnh) nói.

Không chỉ ốc hương mà người nuôi tôm thẻ, ngao, cua ở các huyện Nghi Xuân, Lộc Hà, Thạch Hà… (Hà Tĩnh) cũng lo đổ nợ vì khó khăn trong tiêu thụ, trong khi giá bán liên tục giảm.

Việc tiêu thụ sản phẩm thủy sản như tôm, ốc, ngao của người dân gặp khó khăn

Chi cục Thủy sản Hà Tĩnh cho biết 9 tháng đầu năm toàn tỉnh đã thu hoạch hơn 13.000 tấn thủy sản, trong đó gần 6.000 tấn cá nuôi ngọt, 4.000 tấn tôm thẻ và hơn 3.100 tấn nhuyễn thể. Hiện, còn 1.200 tấn trong vụ thu hoạch đang gặp khó khăn tiêu thụ. Ảnh hưởng của dịch cũng khiến giá bán các loại thủy hải sản giảm 20-30% so với năm trước.

“Dịch bệnh là tình hình chung của cả nước đã khiến việc tiêu thụ sản phẩm thủy sản như tôm, ốc, ngao của người dân gặp khó khăn do thị trường đứt gãy. Sở cũng khuyến khích tiêu thụ nhỏ, sử dụng hệ thống thông tin để bán dần, giảm sản lượng song còn gặp khó khăn”, lãnh đạo Sở NN&PTNT Hà Tĩnh cho biết.

Hải sản tồn kho vướng dịch khó tiêu thụ

Không chỉ những hộ nuôi thuỷ sản mà nhiều hộ kinh doanh hải sản tại thị xã Cửa Lò, huyện Diễn Châu, Quỳnh Lưu, thị xã Hoàng Mai... ở Nghệ An cũng đang “ngồi trên đống lửa” khi hàng nghìn tấn hải sản còn tồn đọng trong kho bảo quản, chưa thể xuất bán do dịch bệnh kéo dài.

Hàng nghìn tấn hải sản còn tồn đọng trong kho bảo quản, chưa thể xuất bán

Kho đông lạnh của bà Trương Thị Tiến (65 tuổi, trú phường Thu Thủy) nằm ngay chợ Hải Sản thị xã Cửa Lò nhưng cũng rơi vào tình cảnh bi đát như vậy. Hiện kho đông của bà Tiến còn hơn 30 tấn hải sản gồm tôm, mực, cá các loại… ước tính trị giá khoảng 3 tỷ đồng. Việc duy trì kho lạnh bảo quản hải sản hơn 5 tháng qua khiến bà thất thu cả trăm triệu đồng.

“Mở kho đông lạnh kinh doanh hải sản hơn 10 năm nay nhưng chưa lần nào thê thảm như lần này. Hải sản đông lạnh sẽ không hỏng nhưng chi phí điện, nhân công bảo quản cao, đồng nghĩa việc có bán được cũng chỉ vớt vát, không còn lời lãi. Nóng ruột lắm nhưng chẳng biết làm sao cả”, bà Tiến lo lắng.

Hàng trăm tấn tôm, mực, cá của ngư dân để phục vụ cho dịp nghỉ lễ, mùa du lịch

Với hộ Ông Phan Văn Quyết (50 tuổi, trú khối Hải Giang 2, xã Nghi Hải, thị xã Cửa Lò) có tới 2 kho đông lạnh rộng hàng trăm m2. Từ đầu năm, khi dịch Covid-19 chưa bùng phát trên địa bàn, cơ sở của ông đã mua hàng trăm tấn tôm, mực, cá của ngư dân để phục vụ cho dịp nghỉ lễ, mùa du lịch.

“Cả trăm tấn hải sản mua từ thuyền của ngư dân chủ yếu để phục vụ lễ hội, cưới hỏi, nhà hàng nhưng do dịch, không thể bán trong khi mỗi tháng vẫn phải bỏ ra khoảng 100 triệu đồng chi trả tiền điện, lương công nhân”, ông Quyết nói.

Ông Quyết cũng cho biết trước dịch bình quân mỗi tháng cơ sở của ông xuất bán khoảng 30 tấn hàng cho thị trường cả nước. Tuy nhiên, dịch bệnh khiến việc di chuyển hàng hóa đóng băng, mất thị trường. Ông mong dịch bệnh sớm được kiểm soát để tiêu thụ số hàng này.

Hàng nghìn tấn hải sản chịu cảnh đóng băng, không thể tiêu thụ

Ông Võ Văn Lý, Trưởng phòng Kinh tế thị xã Cửa Lò, cho biết dịch bệnh khiến hàng hóa của người dân bị chậm lại. Hiện có khoảng 155 kho đông lạnh trên địa bàn gặp khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm.

“Địa phương có nhiều xe đông lạnh chở cá đi các địa phương miền núi tiêu thụ. Tuy nhiên, xe luồng xanh chỉ được cấp phép đi đến duy nhất một điểm nên việc cung ứng hàng khó tiếp cận khách. Thị xã đã có văn bản gửi Sở Công Thương có phương án tiêu thụ”, ông Lý nói.

Theo báo cáo của Sở Công Thương Nghệ An, hiện toàn tỉnh còn hàng nghìn tấn hải sản trong các kho đông lạnh chưa thể tiêu thụ do dịch. Trong đó, thị xã Cửa Lò khoảng 1.000 tấn, huyện Diễn Châu, thị xã Hoàng Mai mỗi địa phương khoảng 2.000 tấn...

Không chỉ có thị xã Cửa Lò mà hàng trăm cơ sở đông lạnh của người dân, doanh nghiệp ở huyện Diễn Châu, Quỳnh Lưu, thị xã Hoàng Mai cũng rơi vào tình cảnh tương tự. Hàng nghìn tấn hải sản chịu cảnh đóng băng, không thể tiêu thụ.

Xem thêm: Hà Tĩnh: Người dân nuôi ốc hương đau đầu giải bài toán thị trường trong mùa dịch