Giấc mơ nhà ở xã hội: Nhọc nhằn nộp được hồ sơ vẫn hồi hộp chờ bốc thăm may rủi

Đông Bắc 16:38 | 10/05/2023 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Nhiều người không quản ngày đêm đứng chờ xếp hàng nộp hồ sơ mua nhà ở xã hội trước cửa văn phòng Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng NHS - chủ đầu tư Dự án xây dựng nhà ở xã hội NHS Trung Văn. Thế nhưng, có mua được nhà ở xã hội đợt này hay không vẫn chờ vào bốc thăm may rủi.

 

Nhọc nhằn xếp hàng nộp hồ sơ mua nhà ở xã hội

Cuối tháng 3, dự án khu nhà ở xã hội NHS Trung Văn thuộc quận Nam Từ Liêm, Hà Nội vừa chính thức tiếp nhận hồ sơ mua nhà. Đây là dự án hiếm hoi được mở bán sau nhiều năm Hà Nội không có thêm dự án nhà ở xã hội nào đủ điều kiện khởi công xây dựng.

Thông báo của Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng NHS về việc thu hồ sơ bao gồm một số thông tin như sau: Thời gian tiếp nhận hồ sơ từ ngày 28/3 đến ngày 11/5 (không bao gồm thứ 7, chủ nhật và các ngày lễ theo quy định), sáng từ 8h30 đến 11h30, chiều từ 13h30 đến 16h30.

Theo chủ đầu tư dự án, để việc thu hồ sơ đảm bảo trật tự, chính xác cũng như tránh việc khách hàng phải chờ đợi lâu hoặc sau khi chờ đợi mà không nộp được hồ sơ, công ty sẽ tiến hành phát số thứ tự nộp hồ sơ.

Cụ thể, số thứ tự sẽ được phát từ đầu buổi và theo thứ tự khách hàng đến trước cho đến khi đủ số lượng khách hàng phù hợp với năng lực thu hồ sơ của bộ phận tiếp nhận. Những khách hàng không nhận được số thứ tự có thể quay lại vào buổi làm việc tiếp theo. Thời gian phát phiếu theo thông báo: Sáng từ 8h15 đến khi hết phiếu buổi sáng và chiều từ 13h15 đến khi hết phiếu buổi chiều.

 Nhiều người túc trực ngoài văn phòng  Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng NHS - chủ đầu tư Dự án xây dựng nhà ở xã hội NHS Trung Văn để nộp hồ sơ. Ảnh Vi Di.

Kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ, trước cửa văn phòng Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng NHS - chủ đầu tư Dự án xây dựng nhà ở xã hội NHS Trung Văn, hàng chục, thậm chí hàng trăm người đã đến chờ để được nộp hồ sơ. Do lượng người đến quá đông nên dẫn đến tình trạng lộn xộn, thậm chí cãi cọ nhau.

Sau đó, nhiều người đã tập hợp lại, viết cam kết, chia ca trực để bảo vệ danh sách. Lúc 18h30 cùng ngày, một nhóm đã được lập ra và mọi người cùng ký cam kết về quy ước xếp hàng để nộp hồ sơ.

Các thành viên thống nhất một số điểm như sau: đoàn kết, đảm bảo công bằng cho mọi người; chia khoảng 10-15 người mỗi ca để canh và bảo vệ danh sách; đề nghị người đến sau phải ghi số tiếp vào danh sách chứ không được chen ngang hay lập danh sách mới...

Anh N.K.P là một Quân nhân, đang công tác tại Hà Nội với một tệp tài liệu trên tay cũng phải đến xếp hàng 2 ngày mà chưa đến lượt. Chia sẻ với chúng tôi sáng 9/5, anh P cho biết: "Tôi đang là Quân nhân nhưng hồ sơ tôi đăng ký mang tên bố tôi, ông là cựu chiến binh, có đầy đủ huân chương kháng chiến chống Mỹ... nên đủ điều kiện để đăng ký mua nhà lần này.  Tôi cũng như bao người ngồi đây cũng phải thành lập nhóm để sắp xếp lấy số thứ tự. Số thứ tự của tôi chắc chiều mới đến lượt nhưng tôi cứ ở đây không dám đi về vì nhỡ họ (bên chủ đầu tư - PV) đẩy nhanh danh sách lên, lúc mình không có mặt lại đánh mất đi quyền lợi.  Lần này, tôi cũng chỉ mong sớm có được căn nhà, dù nhỏ nhưng có chỗ gọi là an cư. Nhưng sau còn chờ bốc thăm nữa, hy vọng mình sẽ là người may mắn".

Trong lúc anh N.P.Q đang chia sẻ câu chuyện với PV, vẫn có thêm nhiều người đến xin tư vấn để lấy số đăng ký. Anh Q. không ngần ngại chia sẻ và ad thêm vào nhóm số 11, anh cùng nhiều người đã lập nên từ mấy ngày trước. Trong nhóm luôn có những thông báo mới về việc lấy số thứ tự, chuẩn bị hồ sơ... và thậm chí 22h đêm vẫn có mặt tại đây để họp và thống nhất. Có người nhà gần về thì sáng sớm lên, có người nghỉ luôn tại hành lang trước cửa văn phòng Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng NHS.

 Nhiều người hỏi han nhau về hồ sơ và thủ tục trong lúc chờ đến lượt được gọi. Ảnh Nhật Di.

Chị X. là người có số thứ tự sớm và hoàn thiện xong thủ tục nộp hồ sơ bước ra khỏi văn phòng với khuôn mặt phấn khởi.  Mọi người cứ chờ thôi, đến lượt sẽ gọi và hồ sơ chỉ cần đầy đủ như mẫu yêu cầu bên phía nhà đầu tư. Sau 3 ngày chờ đợi, tôi cũng đã nộp xong hồ sơ, giờ chỉ chờ ngày bốc thăm may mắn thôi. Đến lượt tôi đã bộ hồ sơ thứ 1289 rồi, khả năng đến ngày kết thúc chắc phải hơn 1500 bộ hồ sơ đăng ký mua nhà. Sau khi chia sẻ một chút kinh nghiệm cho những người đang ngồi xếp hàng ở ngoài, chị X. chúc mọi người may mắn rồi ra về, vẻ mặt vui vẻ như đã trút được một gánh nặng nào đó....

Nhà ở xã hội từ lâu vẫn là loại hình được nhiều người quan tâm, nhất là tại các thành phố lớn như Hà Nội. 3 năm nay Hà Nội mới có dự án như vậy nên việc người dân đổ xô nộp hồ sơ với hy vọng sở hữu một căn nhà giá cả phải chăng cũng là điều dễ hiểu.

Tuy nhiên, vì nhu cầu quá lớn trong khi số lượng hồ sơ tiếp nhận mỗi ngày có hạn. Vì thế, cuộc chiến mà những người mang giấc mơ sở hữu một căn hộ của dự án nhà ở xã hội này sẽ còn tiếp tục cho đến khi chủ đầu tư ngừng tiếp nhận hồ sơ vào ngày 11/5 tới. Do dự án chỉ co 255 căn nhà ở xã hội nên chủ đầu tư sẽ tiến hành bốc thăm trong số hồ sơ đã đăng ký và đủ điều kiện mua. Dự kiến, sẽ có khoảng 1800 bộ hồ sơ đăng ký mua nhà ở xã hội NHS Trung Văn.

  Dự án nhà ở xã hội NHS Trung Văn chỉ có 255 căn hộ được mở bán lần này. Ảnh NĐT.

Dự án nhà ở xã hội NHS Trung Văn do liên danh chủ đầu tư Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng NHS và Công ty cổ phần Đầu tư và xây dựng số 4 (ICON4) thực hiện. Dự án có diện tích hơn 2.726m2, dân số 560 người. Dự án gồm 275 căn hộ (trong đó có 225 căn nhà ở xã hội và 50 căn nhà ở thương mại) với một khối nhà chung cư cao 32 tầng nổi và 2 tầng hầm.

Theo Sở Xây dựng Hà Nội, dự án nhà ở xã hội tại ô đất HH-02A thuộc dự án nhóm nhà ở Đông Nam đường Tố Hữu (hay được gọi là NHS Trung Văn) có giá bán được công bố là hơn 19,5 triệu đồng/m2 (đã gồm VAT) và phí bảo trì 371.869 đồng/m2, còn giá thuê căn hộ khoảng 99.000 đồng/m2/tháng.

Do đó, để có thể sở hữu căn hộ chung cư nhà ở xã hội có diện tích nhỏ nhất là 69,9m2, người dân phải bỏ ra số tiền khoảng 1,36 tỷ đồng, còn với diện tích lớn nhất 76,8m2, số tiền phải bỏ ra hơn 1,49 tỷ đồng/căn hộ. Đây là mức giá mở bán dự án nhà ở xã hội cao nhất từ trước đến nay tại Hà Nội. Trước đây, mức giá được phê duyệt thường từ 13 đến 17 triệu đồng/m2.

 Doanh nghiệp 'than' lỗ, người mua sợ khó giải ngân là những trở ngại lớn của NƠXH 

Tính đến quý I, Việt Nam đã hoàn thành 301 dự án nhà ở xã hội tại đô thị và dự án nhà ở công nhân tại các khu công nghiệp, với tổng quy mô gần 156.000 căn. Khoảng 401 dự án chuẩn bị được xây dựng, với tổng quy mô khoảng 454.000 căn. Tuy nhiên, nguồn cung đối với loại hình nhà ở này vẫn chưa được đáp ứng đầy đủ so với nhu cầu.

Thủ tướng vừa phê duyệt đề án xây dựng 1 triệu đơn vị nhà ở xã hội, nhà ở công nhân. Gói tín dụng 120.000 tỷ đồng được triển khai nhằm thúc đẩy hoàn thành tối thiểu 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội vào năm 2030 và hỗ trợ các chủ đầu tư, người mua dự án nhà ở xã hội vay lãi suất thấp.

Theo khảo sát của Bộ Xây dựng, nhu cầu về nhà ở xã hội cho công nhân thu nhập thấp tại các khu công nghiệp là khoảng 2,4 triệu căn cho giai đoạn 2021-2030. "Tuy nhiên, nếu tính hết cả nguồn cung hoàn thành hiện hữu và nguồn cung tương lai thì thị trường sẽ còn thiếu hơn 1 triệu căn, tương đương với 51% tổng nhu cầu", Tổng giám đốc Cushman & Wakefield Việt Nam nhận định.

  Tại hội thảo “Vực dậy bất động sản, thúc đẩy phục hồi kinh tế” mới đây, Ông Lê Hữu Nghĩa - Tổng giám đốc Công ty Lê Thành thừa nhận: "Chưa bao giờ thấy hạnh phúc như hiện nay khi nhiều văn bản hỗ trợ cho ngành BĐS, cũng như nhà ở xã hội nói riêng. Nghe nói Ủy ban thường vụ Quốc hội sẽ ban hành một nghị quyết liên quan về nhà ở xã hội, doanh nghiệp đang rất trông chờ về vấn đề này". Bởi thực tế vẫn hết sức khó khăn.

 Ví dụ, gói hỗ trợ lãi suât  120.000 tỷ đồng ban hành rồi nhưng khó đi vào thực tiễn bởi hiện không có dự án lấy gì triển khai. Còn doanh nghiệp triển khai lại không được hưởng. Ví dụ, Lê Thành vay ngân hàng 6 năm, trả được 3 năm, còn lại 3 năm. Ngày 25/4 vừa rồi, ngân hàng thông báo lãi suất vay nhà ở xã hội là 14%/năm do thời điểm vay không có gói tín dụng nào hỗ trợ lãi suất, phải vay gói thương mại. Khách hàng vay cũng vay lãi suất đó.

 Người nộp được hồ sơ mua nhà cũng chưa hết lo vì Chủ đầu tư sẽ tiến hành bốc thăm và dự kiến tỷ lệ chọi 1-6. Ảnh Vi Di.

 "Từ năm 2016 đến nay không có gói tín dụng nào cho nhà ở xã hội, nay có mà chúng tôi không được hưởng lãi suất 8,2 - 8,7%/năm thì quá vô lý. Với người mua nhà cũng vậy, hãy cho họ vay được hưởng lãi vay thấp. Hơn nữa, gói tín dụng lãi suất này hỗ trợ 5 năm, mà khoảng vay 15 năm, vậy sau thời gian ưu đãi thì khách hàng vay sẽ chịu lãi suất nào. Nếu thả nổi lãi suất như hiện nay nữa thì không chịu nổi", ông Nghĩa đề nghị.

Vấn đề nữa, sẽ không có doanh nghiệp nào mặn mà với nhà ở xã hội vì chi phí đất trả lại cho doanh nghiệp khi bồi thường đất cho người dân sau đó nhà nước bồi thường lại thường thấp hơn. "Doanh nghiệp bỏ ra gần 500 tỷ đồng mua đất làm dự án Lê Thành Tân Kiên. Vậy nay mai nhà nước trả lại cho doanh nghiệp tiền bồi thường giá nào. Chẳng hạn, dự án 2.000 tỷ đồng, giả sử doanh nghiệp lời 10%, được 200 tỷ đồng. Doanh nghiệp bồi thường 500 tỷ đồng, nhà nước trả tiền bồi thường 200 tỷ đồng, vậy doanh nghiệp lỗ 300 tỷ đồng. Như vậy, phần lời 10% kia tương ứng 200 tỷ đồng cũng không thể bù lỗ 300 tỷ đồng. Doanh nghiệp âm 100 tỷ đồng thì ai mà làm nhà ở xã hội" - ông Nghĩa đặt bài toán và cho rằng, đây là mấu chốt mà ít ai đề cập nên doanh nghiệp không làm nhà ở xã hội.

Theo ông Nghĩa, không những trả giá thấp mà doanh nghiệp còn không được trả bằng tiền mặt, thay vào đó là thông qua nghĩa vụ thuế trong tương lai được trừ. Còn nếu doanh nghiệp không làm dự án nữa thì mất luôn. Mặc dù doanh nghiệp được giảm thuế giá trị gia tăng, thu nhập doanh nghiệp nhưng vẫn phải đóng trước rồi mới được giảm nhưng cũng quá chậm. Lê Thành đến 3 năm vẫn chưa được giải quyết, chưa trừ được thuế. Nếu không giải quyết vấn đề này thì không ai tham gia làm nhà ở xã hội.

Cuối cùng, người dân mua nhà cần hỗ trợ về thủ tục. Địa phương chỉ xác nhận lưu trú ở địa phương chứ không xác nhận có thu nhập thấp. Nhưng sau đó kiểm toán vào doanh nghiệp, phạt doanh nghiệp về việc xác định sai đối tượng mua nhà.  "Hãy giúp cho người dân về vấn đề này. Hãy đồng bộ hỗ trợ từ chính sách, doanh nghiệp đến người dân", ông Lê Hữu Nghĩa kiến nghị.