Ninh Bình lên kế hoạch xây dựng hàng nghìn căn nhà ở xã hội
Mới đây, UBND tỉnh Ninh Bình có Quyết định số 66/QĐ – UBND về việc phê duyệt Kế hoạch phát triển nhà ở tỉnh Ninh Bình năm 2024, nhằm cụ thể hoá mục tiêu, định hướng đã đề ra trong Kế hoạch phát triển nhà ở tỉnh Ninh Bình 5 năm giai đoạn 2021-2025.
Việc lập Kế hoạch phát triển nhà ở tỉnh Ninh Bình năm 2024 là cần thiết để làm căn cứ xây dựng cụ thể kế hoạch phát triển nhà ở cho từng loại hình nhà ở thương mại, nhà ở xã hội, nhà ở công vụ, nhà ở tái định cư…
Theo đó, giai đoạn 2023-2025, tỉnh này sẽ phấn đấu hoàn thành khoảng 271.800m2 sàn nhà ở xã hội, trong đó ước tính có khoảng 197.351m2 sàn hoàn thành từ các dự án nhà ở xã hội đang triển khai xây dựng và 74.450m2 sàn hoàn thành từ các dự án nhà ở xã hội đang kêu gọi đầu tư phát triển mới.
Cụ thể, có 2 dự án nhà ở xã hội độc lập tại tỉnh Ninh Bình, gồm: Dự án nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp tại phường Ninh Phong, thành phố Ninh Bình có diện tích 1,36ha, khi hoàn thành sẽ cung cấp ra thị trường 20.100m2 sàn với 335 căn chung cư và phấn đấu hoàn thành trong giai đoạn 2023 - 2025;
Dự án khu nhà ở công nhân Khu công nghiệp Gián Khẩu (chưa lựa chọn được chủ đầu tư) tại xã Gia Tân, Gia Trấn, huyện Gia Viễn có diện tích 4,96 ha, khi hoàn thành sẽ cung cấp 175.472 m2 sàn với 2.018 căn chung cư và 12.729 m2 sàn với 94 căn nhà ở riêng lẻ, giai đoạn 2023-2025 phấn đấu hoàn thành 854 căn chung cư với tổng diện tích sàn 76.553 m2 sàn.
Ngoài ra, trên địa bàn thành phố Ninh Bình, huyện Hoa Lư, thành phố Tam Điệp cũng đã bố trí 3 dự án nhà ở xã hội thuộc quỹ đất 20% trong dự án nhà ở thương mại đáp ứng nhu cầu về nhà ở cho người thu nhập thấp với tổng số gần 1.500 căn chung cư cung ứng ra thị trường cho người thu nhập thấp, trong giao đoạn 2023-2025 sẽ cơ bản hoàn thành.
Để hiện thực hoá kế hoạch trên, UBND tỉnh Ninh Bình giao Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với các sở, ngành có liên quan và UBND các huyện, thành phố triển khai thực hiện kế hoạch phát triển nhà ở; chủ trì, tham mưu đề xuất UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư, chấp thuận đầu tư dự án phát triển nhà ở theo quy định của pháp luật về nhà ở, tổ chức lựa chọn nhà đầu tư dự án nhà ở xã hội theo quy định...
Có 15 dự án nhà ở xã hội được cấp vốn từ gói tín dụng 120.000 tỷ đồng
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có công văn gửi Bộ Xây dựng về tiến độ gói tín dụng 120.000 tỷ đồng mới đây có nêu: Đến nay, các ngân hàng thương mại (NHTM) đã cam kết cấp tín dụng cho 15 dự án với số tiền cam kết khoảng 7.000 tỷ đồng.
Trong đó có 6 dự án đã có nhu cầu giải ngân tại các tỉnh Phú Thọ, Bình Dương, Quảng Ninh, Bắc Ninh và An Giang, số tiền cam kết cấp tín dụng cho 6 dự án này là 1.705 tỷ đồng, đã được giải ngân 415 tỷ đồng. Ngoài ra, các NHTM đã giải ngân cho người mua nhà tại 2 dự án với số tiền 542 triệu đồng.
Theo NHNN, hiện có 28 địa phương công bố danh mục 68 dự án đủ điều kiện vay theo Chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng với nhu cầu vay vốn hơn 30.000 tỷ đồng.
Thời gian qua, NHNN đã chỉ đạo quyết liệt các tổ chức tín dụng (TCTD) tập trung nguồn vốn tín dụng đối với các dự án bất động sản đủ điều kiện pháp lý nhưng tỷ lệ giải ngân của gói 120.000 tỷ đồng vẫn thấp do phần lớn các dự án được công bố mới đang ở giai đoạn hoàn thiện thủ tục, bắt đầu triển khai.
Không chỉ vậy, nguồn cung nhà ở xã hội còn hạn chế do UBND một số tỉnh, thành phố còn chưa công bố danh mục dự án đủ điều kiện vay vốn Chương trình; một số dự án thuộc danh mục được công bố nhưng chủ đầu tư không có nhu cầu vay vốn; một số dự án vướng về giải phóng mặt bằng, về thủ tục tính tiền sử dụng đất, về chuyển mục đích sử dụng đất…
“Bên cạnh đó, người mua nhà có nhu cầu nhưng chưa đáp ứng được điều kiện được mua nhà. Đặc biệt người dân bị ảnh hưởng do tình hình kinh tế, sản xuất kinh doanh khó khăn do đó hiện nay ưu tiên cho việc duy trì nhu cầu cuộc sống”, đại diện NHNN cho biết.
Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030” trong năm 2024 vào sáng 22/2 , Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, Đề án đến nay đã đạt được hàng loạt dấu mốc quan trọng.
Song thực tế, quá trình triển khai Đề án vẫn còn gặp nhiều vướng mắc như: Nhiều địa phương chậm triển khai Đề án, chưa có dự án NOXH được khởi công mới; việc giải ngân gói tín dụng ưu đãi 120.000 tỷ đồng còn chậm so với nhu cầu thực tiễn của các doanh nghiệp; doanh nghiệp phát triển NOXH khó tiếp cận đất đai, thủ tục đầu tư xây dựng, tín dụng, chính sách ưu đãi…
Để đảm bảo mục tiêu năm 2024 hoàn thành khoảng 130.000 căn hộ Chính phủ đặt ra, Bộ Xây dựng và các bộ, ngành, địa phương cần bám sát và thực hiện nghiêm túc, quyết liệt các nhiệm vụ của Đề án, trong đó chú trọng rà soát quy hoạch, bố trí quỹ đất, cải cách thủ tục hành chính, điều chỉnh chính sách… cho các dự án NOXH, đồng thời, rà soát lại việc triển khai gói tín dụng ưu đãi 120.000 tỷ để có giải pháp tháo gỡ, thúc đẩy việc tiếp cận, giải ngân gói tín dụng này.