Bất động sản công nghiệp vẫn được dự đoán là phân khúc sáng cửa trong năm 2024

Đông Bắc 11:50 | 22/02/2024 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Mới đây, các chuyên gia đã đưa ra dự báo về phân khúc bất động sản công nghiệp trong năm 2024. Theo đó, các thị trường sẽ ghi nhận mức phát triển nổi bật về phân khúc này sẽ là các tỉnh thuộc Nhóm 2 nằm tại phía Nam của Hà Nội.

  

Chia sẻ tại Hội thảo về  bất động sản công nghiệp mới đây, ông Thomas Rooney, Quản lý Cấp cao, Bộ phận Tư vấn Công nghiệp, Savills Hà Nội cho biết, tại khu vực phía kinh tế trọng điểm phía Bắc, Bắc Ninh là tỉnh nổi bật về thu hút đầu tư.

Theo Cục thống kê tỉnh Bắc Ninh, năm 2023, thu hút mới vốn FDI vào các khu công nghiệp tại tỉnh đạt 1,104 tỷ USD (vượt 163,7% so với năm 2022). Bắc Ninh không chỉ thu hút các doanh nghiệp sản xuất và logistics, mà còn từ các chủ đầu tư cho thuê trong nước và nước ngoài. Hoạt động đầu tư bất động sản diễn ra sôi động trên toàn tỉnh, đặc biệt là khu vực Yên Phong.

 

 Nhiều địa phương được đánh đánh giá điểm sáng thu hút nhà đầu tư nước ngoài. Ảnh BĐS.

Ngoài ra, Vĩnh Phúc là một thị trường đáng chú ý. Hiện tại, có nhiều hoạt động đầu tư đang diễn ra âm thầm tại đây, và sẽ có thêm nhiều thông tin về các nhà đầu tư nước ngoài khởi công dự án tại Vĩnh Phúc trong năm 2024.

Tỷ lệ sử dụng đất tại các tỉnh phía Nam Hà Nội như Hưng Yên và Hà Nam đang cho thấy tín hiệu cực kỳ tích cực. Giá đất cạnh tranh mở ra cánh cửa mới cho các quỹ đầu tư, giúp họ tận dụng sớm những cơ hội sinh lời hấp dẫn. Bên cạnh đó, nguồn lao động dồi dào, vị trí gần thị trường tiêu thụ chính, thuận lợi tiếp cận cảng biển đi kèm cơ sở hạ tầng giao thông hoàn thiện cũng là những yếu tố củng cố sức hút của khu vực này.

Ông Thomas Rooney dự đoán, trong thời gian sắp tới, các thị trường sẽ ghi nhận mức phát triển nổi bật về bất động sản công nghiệp sẽ là các tỉnh thuộc Nhóm 2 nằm tại phía Nam của Hà Nội như Nam Định hay Thái Bình. Những tỉnh này đã nổi tiếng trong lĩnh vực đầu tư về Dệt may nhưng những tháng gần đây đã chứng kiến các khoản đầu tư đối với công nghiệp có giá trị cao hơn.

Đối với lĩnh vực thu hút được lượng đầu tư lớn tại các tỉnh phía Bắc, Công nghệ cao & Điện tử là lĩnh vực ghi nhận mức đầu tư liên tục từ các nhà cung ứng sản xuất cho các "ông lớn" về công nghệ trên thế giới.

Sự ký kết của các Hiệp định Thương mại Quốc tế, các chính sách ưu đãi đầu tư của chính phủ và bức tranh kinh tế tổng thể của Việt Nam là những thỏi “nam châm” thu hút đầu tư từ đa dạng các ngành nghề tới Việt Nam.

Về nhu cầu, nhu cầu của các doanh nghiệp khá đơn giản, ví dụ, các doanh nghiệp chế xuất cần có cơ sở hạ tầng tốt để có thể tiếp cận các cảng, biên giới và sân bay lớn, ưu đãi thuế hấp dẫn và vị trí gần các nhà cung cấp đối tác.

Thị trường cấp 2 hút vốn FDI

Theo đánh giá của bà Dương Thùy Dung, Giám đốc điều hành CBRE Việt Nam,  bất động sản công nghiệp vẫn đạt được những kết quả tích cực trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam phải đối mặt với nhiều thách thức trong năm qua.

Theo thống kê, tỷ lệ lấp đầy các khu công nghiệp tại thị trường cấp 1 (các thị trường lớn, như Hà Nội, TP HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Long An) khả quan. Các nhà sản xuất từ nhiều quốc gia tiếp tục mở rộng hoạt động mạnh mẽ ở phía Bắc và phía Nam, tỷ lệ lấp đầy khu công nghiệp trung bình tại 2 khu vực lần lượt là 81% và 92%.

Diện tích đất công nghiệp hấp thụ tại thị trường miền Bắc đạt mức cao nhất trong 5 năm qua, vượt 800 ha, tăng 37% so với năm 2022. Do quỹ đất công nghiệp tương đối hạn chế, thị trường miền Nam có diện tích hấp thụ thấp hơn 32% so với năm 2022, đạt khoảng 500 ha. Bên cạnh các nhà sản xuất điện tử, ô tô và phụ kiện, khách thuê từ những ngành mới trong lĩnh vực công nghệ cao như sản xuất xe điện, bán dẫn, vật liệu xanh cũng rất quan tâm tới thị trường Việt Nam.

Đáng chú ý, dù thị trường cấp 1 vẫn đang chiếm ưu thế, song trong báo cáo đánh giá gần đây, Công ty Chứng khoán MB (MBS) nhìn nhận, dòng vốn đầu tư đang dịch chuyển sang thị trường cấp 2 (các tỉnh lân cận của các thị trường lớn).

 Ngày 19/2, Công ty TNHH Công nghệ Good Way Việt Nam đã khởi công Nhà máy Good Way Việt Nam tại khu công nghiệp Liên Hà Thái thuộc Khu kinh tế Thái Bình. Dự án có tổng vốn đầu tư 45 triệu USD, tương đương với hơn 1.100 tỉ đồng, được triển khai trên diện tích đất 5 ha. Ảnh Báo Thái Bình.

Ở miền Bắc, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) có xu hướng chảy sang các thị trường cấp 2 như Quảng Ninh, Bắc Giang, Thái Nguyên. Thời gian qua, các tỉnh này đều đạt được kết quả thu hút FDI rất tích cực. Đơn cử, tại Quảng Ninh, dự án tiêu biểu là Tổ hợp Công nghệ tế bào quang điện Jinko Solar với vốn đầu tư 1,5 tỷ USD; tại Bắc Giang, nổi bật là Dự án Nhà máy Sản xuất chất bán dẫn Hana Micron Vina 2; còn tại Thái Nguyên, Tập đoàn Samsung tiếp tục tăng vốn đầu tư thêm 1,2 tỷ USD...

Tỷ trọng dòng vốn FDI vào thị trường cấp 2 tại phía Bắc tăng từ mức 20% trong năm 2018, lên 53% trong năm 2023. Lý do là, giá thuê đất khu công nghiệp tại thị trường cấp 2 thấp hơn 20% so với thị trường cấp 1, diện tích đất công nghiệp cho thuê còn nhiều (tỷ lệ lấp đầy đất công nghiệp trung bình tại thị trường cấp 2 mới đạt 64%).

Tại miền Nam, tỷ trọng dòng vốn FDI vào thị trường cấp 2 cũng tăng từ 21,6% trong năm 2022, lên 23,2% trong năm 2023. Trong đó, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu thu hút được hơn 1 tỷ USD vốn FDI, tiêu biểu là Dự án Sản xuất sợi và vật liệu carbon của Hyosung Việt Nam, vốn đầu tư 540 triệu USD; Bình Phước thu hút được hơn 40 dự án FDI với tổng vốn 758 triệu USD...

Các thị trường cấp 2 ở phía Nam thu hút nhiều dự án FDI nhờ lợi thế diện tích đất công nghiệp có thể cho thuê lớn, tỷ lệ lấp đầy thị trường cấp 2 chỉ đạt 63%, trong khi thị trường cấp 1 đã đạt tới 90% (TP.HCM, Bình Dương đạt 95%; Đồng Nai, Long An đạt trên 80%). Bên cạnh đó, giá thuê đất tại thị trường cấp 2 chỉ bằng một nửa so với thị trường cấp 1.