Nỗ lực tháo gỡ khó khăn cho dự án nhà ở xã hội

Đông Bắc 10:19 | 04/02/2023 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Bộ Xây dựng cho biết, thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo để thúc đẩy đầu tư các dự án nhà ở nói chung, trong đó có các dự án nhà ở xã hội.

 

Tại cuộc Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 1 diễn ra ngày 2/2, lãnh đạo Bộ Xây dựng đã trả lời thắc mắc liên quan đến vấn đề nhà ở xã hội. Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết, hiện nay nhiều doanh nghiệp đang chật vật với những thủ tục đầu tư xây dựng nhà ở xã hội; không ít doanh nghiệp có "đốc" nhưng cũng không được cấp phép xây dựng và phải chờ đợi rất lâu.

 Thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo để thúc đẩy đầu tư các dự án nhà ở nói chung, trong đó có các dự án nhà ở xã hội. Qua đó nhiều giải pháp đã được đưa ra.

Thứ nhất, sửa đổi các quy định pháp luật, trong đó Chính phủ đã sửa đổi một số điều tại Nghị định 100 về đầu tư phát triển nhà ở xã hội; Nghị định 49 cũng đã sửa đổi theo hướng cải cách thủ tục hành chính, làm rõ các quy định theo hướng dễ thực hiện. Tại Nghị định 49 năm 2021, Chính phủ cũng đã quy định các trình tự thủ tục đầu tư xây dựng dự án nhà ở xã hội.

 

 Dự án nhà ở xã hội đang nhận được sự quan tâm của dư luận. Ảnh BBD.

Theo đó, một dự án đầu tư nhà ở xã hội gồm 3 bước. Một là chuẩn bị đầu tư gồm các thủ tục liên quan đến việc dành quỹ đất, giao đất, tính tiền sử dụng đất; các vấn đề các thủ tục trình tự đầu tư, lựa chọn chủ đầu tư cũng như các bước liên quan đến phê duyệt chủ trương đầu tư các dự án. Bước hai là thực hiện các dự án đầu tư. Bước ba liên quan đến kết thúc nghiệm thu và đưa vào sử dụng.

Bên cạnh đó, Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh cho hay, thời gian qua, Chính phủ cũng tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc để thúc đẩy phát triển các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân. Tại thông báo Kết luận số 242 của Thủ tướng Chính phủ cũng đã nêu rõ các nhiệm vụ của các bộ, ngành, đặc biệt là các địa phương phải tích cực triển khai thực hiện các dự án nhà ở, bao gồm nhà ở xã hội, nhà ở cho người thu nhập thấp.

"Chúng ta đã biết, hiện nay theo các quy định pháp luật, việc thực hiện dự án đầu tư này đã được phân cấp và giao cho các địa phương toàn quyền quyết định thực hiện các thủ tục đầu tư các dự án nhà ở xã hội", Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh nói.

Liên quan đến nhà ở xã hội, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Trần Văn Sơn thông tin thêm: Có Nghị định 100, Nghị định 49 tháo gỡ cho các địa phương cũng như các chủ đầu tư nhà ở xã hội, cho cả người mua, cho cả các tổ chức tín dụng.

Vừa qua, Chính phủ có chương trình một triệu căn nhà ở xã hội, đưa ra một số giải, có giải pháp then chốt, quyết định để chúng ta xây dựng đúng tiến độ một triệu căn nhà ở xã hội.

"Xây dựng nhà ở xã hội thì quỹ đất rất quan trọng, trước đây cũng thế, bây giờ cũng thế và sau này cũng thế. Nhưng có quỹ đất rồi lại phải gắn với hạ tầng xã hội: Trường học, nhà trẻ… Vừa xong đã sửa các Nghị định, quy hoạch nhà ở xã hội, nhà ở cho người có thu nhập thấp thì quy hoạch phải đồng bộ, có hạ tầng. Kèm theo đó là các giải pháp như vấn đề đền bù, vấn đề lãi suất cho cả nhà đầu tư, cho cả người mua", Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Trần Văn Sơn cho biết.

Gỡ khó cho nhà ở xã hội

Mới đây, Chính phủ ban hành Nghị quyết 01 về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, trong đó đặt ra nhiệm vụ triển khai hiệu quả Đề án Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp (giai đoạn 2021 - 2030).

Thực tế, trong thời gian qua, sự lệch pha cung - cầu trên thị trường bất động sản diễn ra tại nhiều thành phố lớn. Những sản phẩm có giá dưới 25 triệu đồng/m2 gần như vắng bóng trên thị trường. Một trong những nguyên nhân chính là do ách tắc pháp lý khiến dự án kéo dài, đội giá bán ra thị trường.

Cuối năm 2022, Thủ tướng đã thành lập Tổ công tác nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án bất động sản.

Đại diện Bộ Xây dựng cho biết, Tổ công tác đã tiếp cận những kiến nghị của các doanh nghiệp, qua đó rà soát và có văn bản yêu cầu các địa phương giải quyết những vướng mắc thuộc thẩm quyền.

"Trình tự triển khai thủ tục phức tạp và không đồng nhất. Cái này thuộc trách nhiệm của các bộ, ngành, có thể hướng dẫn ngay. Kể cả, những vướng mắc của quy định trong các nghị định thì Tổ công tác cũng như các bộ, ngành sẽ tổng hợp và đưa vào các Nghị định sửa đổi", ông Vương Duy Dũng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng chia sẻ trên VTV.

Bên cạnh đó, Bộ Xây dựng cũng đề xuất bỏ quy định bắt buộc chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở thương mại, khu đô thị phải dành 20% quỹ đất để xây dựng nhà ở xã hội. Thay vào đó, UBND cấp tỉnh bố trí quỹ đất dành để phát triển loại hình nhà ở này. Đề xuất này được cho là phù hợp với thực tiễn, nhận được sự đồng tình của các doanh nghiệp.