Phá kỷ lục ca nhiễm COVID-19 mới và tử vong, Indonesia đứng sát `bờ vực thảm họa`
Hàng nghìn người Indonesia xếp hàng bên ngoài một sân vận động ở ngoại ô Jakarta hôm 1/7 để tiêm chủng Covid-19. Đây là nỗ lực của chính phủ Indonesia trong việc tăng tốc ứng phó với dịch bệnh khi tổ chức Chữ thập Đỏ cảnh báo viễn cảnh u ám rằng quốc gia Đông Nam Á này đang tiến gần tới "bờ vực thảm họa" vì COVID-19.
Indonesia chứng kiến tình trạng dịch bệnh lây lan nghiêm trọng trong vài tuần qua. Hôm 1/7, họ trải qua ngày chết chóc nhất vì dịch bệnh với 504 trường hợp tử vong. Đây cũng là ngày Indonesia ghi nhận mức tăng ca nhiễm mới cao nhất kể từ khi dịch bùng phát, với 24.836 trường hợp. Indonesia hiện là vùng dịch lớn nhất Đông Nam Á với hơn 2,2 triệu ca bệnh và 58.995 người thiệt mạng vì dịch.
Đã có hơn 58.000 người chết vì COVID-19 ở Indonesia.
Tổng thống Indonesia Joko Widodo thông báo rằng nước này sẽ áp dụng một số biện pháp mới nhằm ngăn chặn sự lây lan của mầm bệnh.
Ông Widodo nói: "Tôi kêu gọi mọi người tuân thủ những lệnh hạn chế mới vì an toàn cho tất cả mọi người. Bộ Y tế sẽ tiếp tục tăng công suất bệnh viện, các cơ sở cách ly tập trung cũng như sẵn sàng cung cấp thuốc, thiết bị y tế và bình ôxy".
Giới chức y tế Indonesia cảnh báo rằng, một số khu vực tại Indonesia đang cạn kiệt giường bệnh, trong khi biến chủng Delta nguy hiểm đang lây lan với tốc độ cao. Delta - chủng SARS-CoV-2 dễ lây nhiễm nhất thế giới - đã gây ra làn sóng dịch bệnh bùng nổ ở Ấn Độ hồi tháng 4 và tháng 5.
Hội Chữ thập đỏ cũng đưa ra cảnh báo, Indonesia cần khẩn trương tăng cường hệ thống y tế, xét nghiệm và tiêm chủng vì số ca bệnh đang gia tăng nhanh chóng, đẩy Indonesia đến "bên bờ thảm họa COVID-19".
Tổng thư ký Hội Chữ thập đỏ Indonesia Sudirman Said cho biết trong một tuyên bố: "Chúng tôi đang chứng kiến số ca lây nhiễm kỷ lục. Các đội y tế của chúng tôi đang cung cấp hết sức có thể các dịch vụ chăm sóc cứu chữa người bệnh, mặc dù các bệnh viện đang dần cạn kiệt nguồn cung cấp ôxy." Sự gia tăng các ca nhiễm COVID-19 mới ở Indonesia, quốc gia đông dân thứ 4 thế giới, một phần là do biến thể Delta - được phát hiện lần đầu tiên ở Ấn Độ và được cho là dễ lây lan hơn.
Về vấn đề tiêm chủng, Indonesia đã tiêm chủng đầy đủ 2 mũi cho chưa đầy 5% trong tổng số 270 triệu dân của nước này. Liên đoàn Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế (IFRC) kêu gọi viện trợ y tế và vắc xin khẩn cấp cho Indonesia khi nước này đang đối diện với làn sóng bùng phát COVID-19.
Trước vấn nạn bài vắc xin ở quốc đảo này, Hiệp hội Y khoa Indonesia đã lên tiếng khẳng định, bất kỳ loại vắc xin COVID-19 nào được WHO phê duyệt đều giúp giảm nguy cơ mắc COVID-19 và giảm thiểu khả năng bệnh diễn biến nghiêm trọng.
Biến thể Delta được phát hiện lần đầu tại Ấn Độ đang lây lan mạnh tại Indonesia, khiến các bệnh viện ở "vùng đỏ", bao gồm thủ đô Jakarta, rơi vào tình trạng quá tải. Bệnh nhân phải nằm ngoài hành lang, hoặc thậm chí trong những chiếc lều khẩn cấp được dựng ở bên ngoài bệnh viện.
Việc người dân di chuyển ồ ạt giữa các tỉnh thành sau tháng lễ Ramadan, sự lơi lỏng quy định phòng dịch cũng như tình trạng lây lan nhanh chóng của biến thể Delta đã khiến Indonesia rơi vào tình cảnh bên bờ vực thảm họa do COVID-19. Trước tình trạng này, Indonesia đang lên kế hoạch áp đặt các biện pháp hạn chế cộng đồng khẩn cấp nghiêm ngặt hơn nhằm giảm nguy cơ Indonesia trở thành một "Ấn Độ thứ hai".
Indonesia hiện ghi nhận trên 2,15 triệu người nhiễm và hơn 58.000 trường hợp tử vong vì COVID-19.
Nguyễn Triệu
Xem thêm: Bộ Y tế chi viện khẩn cho Bình Dương sau khi ghi nhận thêm 48 ca dương tính với SARS-CoV-2