Phân khúc nào 'sáng' nhất khi thị trường bất động sản hiện nay?

Đông Bắc 08:47 | 14/01/2023 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Trong bối cảnh các phân khúc bất động sản rơi vào trầm lắng, bất động sản công nghiệp vẫn là điểm sáng trên thị trường.

 

Theo báo cáo của Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, năm 2023 bất động sản công nghiệp tiếp tục là một phân khúc thu hút giới đầu tư. Đây cũng là phân khúc duy trì được sức hút trong nhiều năm liên tiếp, dù thị trường thời gian qua trải qua nhiều biến cố, từ đại dịch Covid-19 đến giai đoạn suy thoái của bất động sản.

Theo đó, hiện cả nước có khoảng gần 570 khu công nghiệp nằm trong quy hoạch tại 61/63 tỉnh thành. Trong đó, 397 khu công nghiệp đã được thành lập với 292 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động với tổng diện tích đất tự nhiên đạt khoảng hơn 87.100 ha. Với số lượng khu công nghiệp đã đi vào hoạt động, diện tích đất công nghiệp đạt khoảng hơn 58,7 nghìn ha. Ngoài ra, 106 khu công nghiệp đang trong quá trình xây dựng với tổng diện tích đất tự nhiên khoảng 35,7 nghìn ha; diện tích đất công nghiệp khoảng 23,8 nghìn ha. Các khu công nghiệp trên cả nước đều có tỷ lệ lấp đầy tăng, đạt mức trên 80%.

 Bất động sản công nghiệp là điểm sáng cho các nhà đâu tư. Ảnh BĐS.

Theo ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam thì tỷ lệ lấp đầy các khu công nghiệp tại các tỉnh phía Nam là khoảng 85%. Riêng một số khu công nghiệp tại Hà Nội, TP HCM, Đồng Nai, Bắc Ninh, Bắc Giang, Bình Dương được lấp đầy gần như hoàn toàn. Đặc biệt, Bình Dương là địa phương có tỷ lệ lấp đầy cao nhất cả nước khi có 29 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động với tỷ lệ lấp kín đạt trên 95%.

Năm 2022, nhiều phân khúc bất động sản chứng kiến sự sụt giảm về giá cả thì giá thuê của bất động sản công nghiệp tăng khoảng 10% so với kỳ trước và được dự báo sẽ tiếp tục tăng, nhất là tại thị trường phía Nam do nguồn cung khan hiếm. Riêng tại miền Bắc, giá thuê các khu công nghiệp dao động từ 90 - 120 USD/m2/chu kỳ thuê.

 Ở thị trường phía Nam, khu công nghiệp TP HCM có mức giá thuê trung bình cao nhất, đạt từ 180-300 USD/m2. Kế đến là Long An với mức giá thuê từ 125-275 USD/m2; Bình Dương từ 100-250 USD/m2, Đồng Nai là từ 100-200 USD/m2. Hiện các khu công nghiệp, khu kinh tế đã thu hút được hơn 10.000 dự án trong nước và gần 11.000 dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài với tổng vốn đầu tư khoảng 350 tỷ USD.

Cũng theo ông Đính, 5 tỉnh, thành có nhiều khu công nghiệp đang hoạt động nhất gồm có: Đồng Nai, Bình Dương, TP HCM, Long An và Bắc Ninh. Đứng đầu về số khu công nghiệp đang hoạt động trên cả nước là Đồng Nai với 31 khu công nghiệp, tỷ lệ lấp đầy khoảng 84%. Tỉnh có diện tích khu công nghiệp lớn nhất cả nước là Bình Dương với tổng diện tích 12.721 ha, chiếm 1/4 diện tích khu công nghiệp toàn miền Nam và 13% diện tích khu công nghiệp Việt Nam.

 Tỉnh có số khu công nghiệp đang hoạt động nhiều nhất miền Bắc là Bắc Ninh với 15 khu công nghiệp. Hải Phòng là địa phương có tổng diện tích khu công nghiệp lớn nhất khu vực phía Bắc với 14 khu công nghiệp và cụm công nghiệp  đã được xây dựng và hình thành.

Nhà ở công nhân tại các khu công nghiệp luôn là một thực trạng nhức nhối khi số lượng dự án nhà ở công nhân vô cùng nhỏ so với lực lượng công nhân trên cả nước. Nhà ở cho công nhân hiện có khoảng hơn 3.000 căn, trong đó Quảng Ninh có khoảng 1.000 căn, đáp ứng 5.500 chỗ ở; Bắc Ninh là khoảng 2.000 căn, đáp ứng 11.000 chỗ ở; TP HCM là khoảng 360 căn, đáp ứng 1.000 chỗ.

Ông Đính nhận định, động lực tạo điều kiện tích cực trong việc phát triển Bất động sản công nghiệp thời gian tới chính là nhà ở trong khu công nghiệp đang ngày càng được các chủ đầu tư quan tâm khi mới đây Chính phủ mới có 1 Nghị định 35 được ban hành về Bất động sản công nghiệp (ngày 28/5/2022), yêu cầu về quy trình thủ tục đơn giản hơn, năng lực chủ đầu tư phải rõ ràng hơn và có hệ sinh thái nhà ở.

Tương lai nào cho bất động sản nghỉ dưỡng?

Nhận định về bức tranh thị trường bất động sản nghỉ dưỡng trong năm 2023, ông Mauro Gasparotti, Giám đốc Savills Hotels Châu Á Thái Bình Dương cho rằng, thị trường bất động sản nghỉ dưỡng sẽ khởi sắc mạnh mẽ trong năm 2023. Cơ sở của niềm tin này là sự trở lại của khách du lịch Trung Quốc khi Chính phủ nước này mở lại biên giới.

 Lượng khách du lịch Trung Quốc trở lại Việt Nam sẽ tăng trưởng mạnh vào thời gian tới. Đây được xem là một tín hiệu tích cực, giúp đẩy nhanh quá trình khôi phục của ngành nghỉ dưỡng Việt Nam, vốn phụ thuộc khá nhiều vào khách du lịch Trung Quốc.

  Thị trường bất động sản nghỉ dưỡng được dự báo khởi sắc mạnh mẽ trong năm 2023. Ảnh BĐS.

Đồng thời, ông Mauro Gasparotti cho rằng, Việt Nam là quốc gia có tiềm năng lớn và nhiều dư địa để phát triển hoạt động du lịch. Đó là lý do mà các tập đoàn quản lý khách sạn khu vực và quốc tế ngày càng chú trọng tăng cường sự hiện diện và mở rộng danh mục thương hiệu tại Việt Nam nhằm phục vụ tốt hơn lượng khách du lịch nội địa và quốc tế đang ngày càng đông đảo.

Nhận định về bất động sản nghỉ dưỡng, ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho biết, thời gian tới, nguồn cung bất động sản du lịch - nghỉ dưỡng khả năng sẽ giảm do các vướng mắc pháp lý chưa được tháo gỡ hoàn toàn. Tuy nhiên, các chủ đầu tư uy tín, có tiềm lực tài chính mạnh sẽ tiếp tục phát triển dự án cùng với quá trình khôi phục của ngành nghỉ dưỡng Việt Nam thông qua việc tăng cường tần suất hoạt động các chuyến bay trong nước và quốc tế; sự trở lại đông đảo của khách du lịch Trung Quốc và Đông Bắc Á.