Phát ngôn chính thức từ nước chủ nhà Indonesia về thương vụ sáp nhập Grab - Gojek

20:24 | 08/12/2020 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Trước thông tin Gojek và Grab sáp nhập, giới chức Indonesia, quê hương của Gojek cho biết, sẽ theo dõi và đánh giá mọi hành động của 2 bên dựa trên những ảnh hưởng đối với thị trường và sự cạnh tranh sau sáp nhập.
Thông tin về thương vụ sáp nhập dự kiến tạo nên một doanh nghiệp Internet lớn nhất khu vực Đông Nam Á giữa 2 kỳ lân là Grab và Gojek đang thu hút sự chú ý đặc biệt của giới công nghệ.
 
Phát ngôn chính thức từ nước chủ nhà Indonesia về thương vụ sáp nhập Grab - Gojek - ảnh 1
Hiện Grab và Gojek đều nằm trong số những kỳ lân công nghệ hàng đầu trong khu vực. Ảnh: Dân trí

Theo đó, đại diện Ủy ban Giám sát Cạnh tranh Kinh doanh (KPPU) Indonesia, ông Guntur Saragih mới đây đã có phát ngôn chính thức về thương vụ đình đám này.

Cụ thể, KPPU sẽ theo dõi và đánh giá bất kì hành động nào của hai công ty này dựa trên những ảnh hưởng đối với thị trường và sự cạnh tranh sau khi sáp nhập. Đồng thời, Grab và Gojek có nghĩa vụ phải thông báo với cơ quan này không muộn hơn 30 ngày sau khi việc sáp nhập có hiệu lực.

Yêu cầu này là bắt buộc đối với Gojek và Grab. KPPU cần có những biện pháp để giám sát thị trường và bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng.
 
Phát ngôn chính thức từ nước chủ nhà Indonesia về thương vụ sáp nhập Grab - Gojek - ảnh 2
 Ông Guntur Saragih - Đại diện Ủy ban Giám sát Cạnh tranh Kinh doanh Indonesia

Chuyên gia Kimberly Tanos thuộc Viện Phát triển Kinh tế và Tài chính (Indef) cho rằng, thị trường vận tải trực tuyến tại Indonesia vốn đã tập trung cao độ dưới hai đối thủ chính là Grab và Gojek, do đó việc sáp nhập giữa hai công ty này sẽ tiềm ẩn nguy cơ độc quyền trên thị trường. Đây là lý do tại sao KPPU phải sẵn sàng các nghiên cứu đánh giá sâu rộng về việc này.

Cũng theo chuyên gia Tanos, việc sáp nhập sẽ có lợi cho Grab và Gojek vì họ có thể chia sẻ cơ sở hạ tầng, công nghệ, giảm chi phí hoạt động và tiếp thị. Tuy nhiên, việc này có thể có tác động tiêu cực đến người tiêu dùng và các đối tác khác hoạt động trong lĩnh vực này.

Với sự cạnh tranh ít hơn, giá dịch vụ gọi xe có thể bị đẩy lên vì sẽ chỉ có một công ty kiểm soát thị trường. Do vậy, KPPU phải có kế hoạch giám sát chặt chẽ nhằm đảm bảo tính cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng.

Về kỹ thuật, giới chức Indonesia có quyền ngăn chặn các thương vụ được cho là gây tổn hại đến cạnh tranh. Các phương án giám sát chống độc quyền đã được Ủy ban Giám sát Cạnh tranh Kinh doanh này tính tới.
 
Phát ngôn chính thức từ nước chủ nhà Indonesia về thương vụ sáp nhập Grab - Gojek - ảnh 3
Cả Grab và Gojek đều chịu nhiều thiệt hại sau COVID-19

Vì vậy, KPPU chưa bao giờ hủy bỏ bất kỳ thương vụ sáp nhập nào. Nhưng KPPU sẽ có những biện pháp hữu hiệu để đảm bảo tính cạnh tranh lành mạnh trên thị trường và bảo vệ người tiêu dùng.

Hiện Grab và Gojek đều nằm trong số những kỳ lân công nghệ hàng đầu trong khu vực, với mức định giá lần lượt là 15 và 10 tỷ USD. Năm 2018, Grab mua lại công ty ứng dụng đặt xe Uber của Mỹ tại Indonesia sau khi Uber rời thị trường Đông Nam Á.

Ngoài Gojek và Grab, tại Indonesia còn có hãng Maxim của Nga cũng hoạt động trong lĩnh vực này từ năm năm 2018. Tuy nhiên, tại Indonesia, Gojek vẫn là hãng gọi xe công nghệ thống trị thị trường lớn nhất với 79% thị phần trong năm 2018.

Trước đó theo Financial Times, Gojek có sự ủng hộ chính trị trong nước, nơi người sáng lập Nadiem Makarim là Bộ trưởng Bộ Giáo dục. Điều này có nghĩa Gojek có thể có chỗ dựa vững chắc, có nhiều đòn bẩy hơn trong bất kỳ thương vụ nào.
 
Phát ngôn chính thức từ nước chủ nhà Indonesia về thương vụ sáp nhập Grab - Gojek - ảnh 4
Theo Financial Times,Gojek được Indonesia "bảo kê", khó lòng để sáp nhập cùng Grab

Một nhà đầu tư trong công ty cho biết: “Gojek là đội chủ nhà và chính phủ ủng hộ doanh nghiệp địa phương”.

Các cuộc đàm phán cũng vấp phải sự phản đối từ một số giám đốc điều hành cấp cao của Grab. Họ lo ngại rằng họ sẽ không đứng đầu trước các cổ đông dài hạn đang tìm cách có sức ảnh hưởng lớn hơn trong công ty.

Nhưng theo thông tin mới nhất từ Bloomberg, thương vụ này đang tiến gần tới hoàn tất nhờ sức ép từ cổ đông Softbank.
 
Hải Yến