ROE của nhóm ngân hàng cao gấp rưỡi nhóm bất động sản, VIB, ACB, MB dẫn Top đầu
Thống kê từ 27 ngân hàng thương mại niêm yết đã công bố báo cáo tài chính quý II, tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) 4 quý gần nhất (TTM) của các ngân hàng hàng đang có xu hướng đi xuống. Cụ thể, ROE trung bình của nhóm nhà băng này đạt 14,6% vào cuối quý II, giảm 1,7 điểm % so với thời điểm cuối năm ngoái.
Đồng thời, có đến 20/27 nhà băng ghi nhận ROE sụt giảm so với cùng kỳ năm trước. Ngân hàng có ROE tăng mạnh nhất là Sacombank cũng chưa tới 4 điểm %.
Chỉ số ROE là thước đo đánh giá một đồng vốn của cổ đông bỏ ra và tích lũy được tạo ra bao nhiêu đồng lãi.
ROE được tính bằng cách lấy lợi nhuận ròng (net income) theo niên độ kế toán sau khi đã trả cổ tức cho cổ phần ưu đãi nhận cổ tức nhưng trước khi chi trả cổ tức cho cổ phần thường chia cho toàn bộ vốn sở hữu chủ, tức tài sản ròng (NAV) vào lúc đầu niên độ kế toán.Các ngân hàng thuộc nhóm cổ phần vẫn dẫn đầu về ROE. VIB dẫn đầu với ROE 4 quý gần nhất đạt 28,8%, giảm 0,9 điểm % so với cuối năm ngoái. Vị trí thứ hai thuộc về ACB với ROE đạt 25,2%, giảm 1,3 điểm %.
MB ghi nhận tỷ lệ ROE là 24%, đứng vị trí thứ ba trong danh sách. Đại diện Big4 là Vietcombank đạt hạng 4 với ROE 23,6%. BIDV xếp vị trí thứ 6, trong khi VietinBank không nằm trong Top 10. Những vị trí còn lại trong Top 10 lần lượt thuộc về: HDBank (22%), TPBank (19,8%), SHB (18,3%), MSB (17,8%) và Sacombank (17,5%).
VPBank ghi nhận ROE sụt giảm 9,3 điểm %, cao nhất trong 27 nhà băng được khảo sát. Ngoài ra, một số ngân hàng có ROE đi xuống sâu là ABBank, LPBank và Bản Việt. Trong khi đó, Sacombank ghi nhận ROE tăng trưởng mạnh mẽ nhất, thêm 3,7 điểm %.
Theo dữ liệu từ WiChart, ROE của toàn ngành ngân hàng vào cuối quý II đạt 16,67%, nằm trong những nhóm ngành có ROE cao nhất trên thị trường. ROE lĩnh vực này cao hơn so với bất động sản (10,79%) hay tiện ích điện (11,7%).
Các chuyên gia phân tích từ nhiều công ty chứng khoán cho biết ngành ngân hàng tiếp tục là trụ cột chính cho thị trường cũng như đang có định giá hấp dẫn.
Chứng khoán An Bình (ABS) cho biết nhóm ngành ngân hàng góp 45% vào lợi nhuận sau thuế toàn thị trường, trong khi vốn hóa chiếm 31%. Trong quý II, tăng trưởng sau thuế của ngành ngân hàng đã âm nhẹ trong bối cảnh NIM bị thu hẹp, tăng trưởng tín dụng thấp và nợ xấu gia tăng. Trong danh sách khuyến nghị tháng 8, ABS đề xuất những cổ phiếu của ACB, VietinBank, MSB và HDB.
Với bối cảnh vĩ mô và môi trường kinh doanh tích cực hơn, Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cho rằng nhóm vốn hóa lớn có kỳ vọng kết quả kinh doanh cải thiện trong hai quý cuối năm và đặc biệt có sự phục hồi mạnh về lợi nhuận trong năm 2024 sẽ thu hút được dòng tiền. BVSC nhận định ngân hàng là lĩnh vực đang có định giá hấp dẫn.