Singapore thúc đẩy vai trò của nữ giới trong quản trị doanh nghiệp

Lê Thị Xuân Phương 07:08 | 14/05/2022 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Singapore là quốc gia dẫn đầu thế giới về tỷ lệ CEO là phụ nữ. Xu hướng đang được thúc đẩy tại quốc gia ASEAN này nhằm thúc đẩy bình đẳng giới, thu hút nhân tài.

Theo kết quả cuộc khảo sát thực hiện tại 70 quốc gia và vùng lãnh thổ của Deloitte Global, Singapore là quốc gia dẫn đầu thế giới về tỷ lệ CEO là phụ nữ.

Cụ thể, 13,1% số người nắm giữ vị trí CEO ở Singapore là phụ nữ. Tỷ lệ CEO nữ tại Singapore vượt xa các nền kinh tế hàng đầu khác ở châu Á như Trung Quốc (6,4%), Ấn Độ (4,7%), Nhật Bản (0,3%).

Chính quyền Singapore hiện đang muốn tăng tỷ trọng này cao hơn nữa như một nỗ lực thu hút những tài năng từ ​​nước ngoài bằng cách đề cao bình đẳng giới.

Bà Pearlyn Phau, Giám đốc điều hành Tập đoàn bảo hiểm Aviva Singlife cho biết: “Trong suốt những năm làm ngân hàng, tôi đã được trao nhiều cơ hội và không cảm thấy thiệt thòi do là nữ giới". Bà Phau đã gắn bó và cống hiến tại ngân hàng hàng đầu Singapore DBS trước khi được bổ nhiệm vị trí CEO vào năm 2021.

Mặc dù xu hướng thúc đẩy vai trò lãnh đạo của phái nữ, trên thực tế, cấu trúc quản trị lấy nam giới làm trọng tâm vẫn còn tồn tại ở quốc gia ASEAN này.

Trên Sàn giao dịch Singapore, chỉ 15% trong số 100 công ty hàng đầu (xếp hạng theo vốn hóa thị trường) có hội đồng quản trị toàn nam giới, tức giảm mạnh so với mức 50% vào năm 2013. Tuy nhiên, một nửa số doanh nghiệp chưa niêm yết công khai khác không có giám đốc nữ - chỉ giảm một chút so với tỷ lệ 57% vào năm 2013, theo Hội đồng Đa dạng Quản trị của Singapore.

Sách trắng của chính phủ Singapore về sự phát triển của phụ nữ xuất bản vào cuối tháng 3 đã trình bày các cơ hội bình đẳng tại nơi làm việc như một lĩnh vực trọng tâm. Trong đó bao gồm các nội dung tư vấn nghề nghiệp, đào tạo những người tái gia nhập lực lượng lao động, khuyến khích cả cha và mẹ nghỉ thai sản để chăm sóc con cái và sắp xếp công việc linh hoạt.

"Một số công ty vẫn tỏ ra miễn cưỡng khi thuê, thăng chức, đào tạo nhân viên nữ, đặc biệt là các bà mẹ hoặc những người dự định làm mẹ", Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long cho biết vào tháng 9/2021. “Chúng ta không được để những định kiến ​​của mình trở thành vật cản cho sự tiến bộ của phụ nữ”.

Chấm dứt sự phân biệt giới không chỉ là nghĩa vụ xã hội, mà còn là một chiến lược quan trọng trong quản trị doanh nghiệp. Singapore, với gần 30% dân số là công dân nước ngoài, nhận thức rõ rằng các công ty ít quan tâm đến việc đa dạng giới sẽ gặp khó khăn trong việc thu hút nhân tài.

Gần đây, các công ty Singapore dường như đã để mắt hơn đến thông điệp này. Gã khổng lồ bất động sản Frasers Property đã mở rộng cơ chế sắp xếp công việc linh hoạt, cho phép nhân viên cần chăm sóc con cái hoặc các thành viên khác trong gia đình làm việc tại nhà.

Bà Elisa Mallis, giám đốc điều hành khu vực Châu Á - Thái Bình Dương tại tổ chức phát triển Trung tâm Lãnh đạo Sáng tạo, đề xuất rằng cần một bước tiến xa hơn ngoài biện pháp tư vấn nghề nghiệp do Chính phủ đề xuất. "Tôi tin rằng tài trợ Chính phủ cũng là chìa khóa để đưa phụ nữ lên các cấp cao hơn trong tổ chức. Ngoài việc cố vấn, cung cấp hướng dẫn và hỗ trợ, tôi nghĩ cũng cần các nhà tài trợ tích cực hậu thuẫn thêm".

Ngoài ra, theo bà Elisa, cũng cần có các chính sách nghỉ phép linh hoạt hơn cho người làm bố mẹ nhằm giúp phụ nữ cân bằng các vai trò mà họ đảm nhận.