Tái khởi động du lịch nội địa trong điều kiện phòng chống dịch COVID-19

11:39 | 12/06/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Sau thời gian liên tục bị đóng băng hoạt động bởi đại dịch COVID-19, nhiều tỉnh thành đang lên kế hoạch tái khởi động lại dụ lịch nội địa tỉnh trong bối cảnh vừa đảm bảo phòng, chống dịch vừa phát triển kinh tế.

Doanh nghiệp du lịch đã “ngấm đòn” COVID-19

Trên cơ sở kiểm soát tốt dịch bệnh, kể từ 12h ngày 8/6, tỉnh Quảng Ninh cho phép các khu, điểm du lịch, di tích, danh thắng, các cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo, cơ sở dịch vụ mở cửa trở lại, tổ chức đón du khách nội tỉnh.

Tuy nhiên, sau vài ngày mở cửa trở lại, nhà ga đón khách Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long vẫn hiu hắt, buồn thảm, chỉ lác đác vài nhân viên an ninh làm việc. Phía sau nhà ga là hệ thống cầu cảng, nơi hơn 200 tàu du lịch đang nằm im lìm. Con đường dẫn từ đầu đến cuối cảng thi thoảng có một vài phương tiện của chủ tàu ra kiểm tra rồi lại về. 

Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long thường đón các siêu du thuyền quốc tế với hàng nghìn du khách và thủy thủ đoàn đến tham quan vịnh Hạ Long, giờ đây biến thành nơi neo đậu của các tàu khách nghỉ đêm trên vịnh Hạ Long mà chưa biết ngày nào mới hoạt động trở lại.

Tại Cảng tàu khách quốc tế Tuần Châu,không khí cũng ảm đạm không kém trong khi nhà điều hành, nhà chờ cho đến cầu cảng đón, trả khách không một bóng người, không một phương tiện. Trong khu vực âu cảng, hơn 300 tàu du lịch với đủ loại từ vài tỷ đến hàng chục tỷ đồng đang nằm "đắp chiếu" bất động.

Tái khởi động du lịch nội địa trong điều kiện phòng chống dịch COVID-19 - ảnh 1

Tàu du lịch ở Hạ Long nằm bất động do COVID-19

Nhìn cảnh tượng này không khỏi xót xa thay cho doanh nghiệp khi bỏ ra hàng chục, hàng trăm tỷ đồng để đầu tư mua sắm, đóng mới những con tàu sang trọng, hiện đại, phục vụ khách tham quan, du lịch mà giờ đây nằm “chết lâm sàng” trên Vịnh Hạ Long.

Trả lời trên báo VTC News ông Nguyễn Văn Phượng – Phó Chi hội tàu du lịch Hạ Long, thành viên Hiệp hội du lịch Quảng Ninh nói: "Doanh nghiệp yếu lắm rồi, gần như sắp đổ bể hết bởi đa số các tàu du lịch đều vay vốn ngân hàng, giờ tuy khó khăn thiệt hại nhưng vẫn phải xoay xở để thanh toán".

Ông Phượng cho biết, những năm gần đây, các doanh nghiệp Quảng Ninh toàn đóng mới những con tàu du lịch đẳng cấp, trong đó có 100 cái có giá trị lớn từ vài chục tỉ đến hơn 200 tỉ đồng. Số tiền này chủ doanh nghiệp, hộ kinh doanh đều phải vay ngân hàng. Khi đầu tư, doanh nghiệp hy vọng đưa tàu vào khai thác để thu hồi vốn và trả lãi, trả nợ vốn vay. Ngờ đâu, từ đầu năm 2020 đến nay, do ảnh hưởng của COVID-19, các doanh nghiệp thường xuyên lâm vào cảnh đóng cửa, khó khăn nối tiếp khó khăn, nợ chồng nợ.

Mới đây, Chi hội tàu du lịch Hạ Long, cũng vừa có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ đề nghị Chính phủ xem xét những chính sách hỗ trợ cứu giúp các doanh nghiệp trước những khó khăn tiến thoái lưỡng nan, cứu doanh nghiệp thoát khỏi bờ vực phá sản vì dịch bệnh COVID-19 này...

Thống kê của Sở Du lịch Hà Nội cho thấy, hiện có khoảng 80 - 90% doanh nghiệp du lịch tạm thời đóng cửa, dừng hoạt động. Tại nhiều địa phương, hoạt động du lịch cũng gần như “đóng băng” trong tháng 5. Thanh Hóa là một ví dụ điển hình. Mặc dù đang trong mùa cao điểm du lịch hè nhưng tất cả các cung đường dẫn đến bãi biển Sầm Sơn vắng bóng du khách; hàng loạt khách sạn, nhà hàng trên địa bàn thành phố biển đồng loạt đóng cửa, khiến ngành du lịch Sầm Sơn chịu tổn thất nặng nề.

Là địa phương có bờ biển đẹp, cùng nhiều sản phẩm du lịch hấp dẫn, Đà Nẵng hy vọng lấy lại đà tăng trưởng mạnh cho ngành công nghiệp không khói bắt đầu từ tháng 5 thì cũng lụi tàn. Theo ông Cao Trí Dũng - Chủ tịch Hiệp hội du lịch TP  Đà Nẵng, chỉ có khoảng 11,9% doanh nghiệp ở đây cho biết có thể cầm cự vốn đến hết năm 2021. Trong thời gian qua, 90% doanh nghiệp đã thực hiện cắt giảm nhân sự; 61.6% giảm quy mô hoạt động; 37,5% doanh nghiệp thay đổi phương thức kinh doanh; 92% doanh nghiệp tiếp tục thắt lưng buộc bụng…

Thay đổi để thích nghi với COVID-19

Theo thống kê của ngành du lịch Quảng Ninh trong 6 tháng đầu năm nay cho thấy, tổng lượng khách ước đạt trên 2,3 triệu lượt, bằng 56,5% so với cùng kỳ năm 2020. Tổng thu du lịch ước đạt gần 5.000 tỉ đồng, bằng 61% so với cùng kỳ năm 2020. Năm nay hoạt động du lịch của tỉnh này thực tế chỉ hoạt động được trong 1 thời gian ngắn, còn lại là bị ảnh hưởng bởi 2 đợt bùng phát của đại dịch COVID-19.

Tái khởi động du lịch nội địa trong điều kiện phòng chống dịch COVID-19 - ảnh 2

Nhiều bãi biển đẹp vắng khách du lịch trong dịch hè

Sở Du lịch tỉnh Quảng Ninh đã yêu cầu các doanh nghiệp lữ hành xây dựng chương trình du lịch đặc sắc, an toàn để chào bán cho khách du lịch nội tỉnh. Hoàn thiện phương án mở rộng khách du lịch từ các địa bàn an toàn trong cả nước để sớm khôi phục hoạt động du lịch hè 2021 và thời điểm tiếp theo. Sở Du lịch sẽ làm việc với một số tỉnh, thành để hợp tác trao đổi khách trong tình hình mới. Đến nay, Sở Du lịch tỉnh Quảng Ninh và Sở Du lịch TP Hải Phòng đã thống nhất chủ trương đón khách. Dự kiến trong các tháng hè 2021, Quảng Ninh sẽ đón mỗi tháng từ 1,5-2 triệu lượt khách.

Trả lời trên Báo Người lao động, Bà Nguyễn Thị Hạnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh cho biết, Quảng Ninh đã yêu cầu các địa phương, đơn vị phải thay đổi tư duy làm du lịch; đẩy mạnh tuyên truyền, xúc tiến du lịch để thu hút du khách trong đợt cao điểm hè. Nhằm bảo đảm an toàn tối đa phòng chống dịch Covid-19, UBND tỉnh Quảng Ninh yêu cầu ngoài thực hiện nghiêm nguyên tắc "5K", các cơ sở sản xuất, kinh doanh phải tổ chức xét nghiệm SARS-CoV-2 (gộp mẫu) cho người lao động tại đơn vị và toàn bộ người lao động tham gia cung cấp các sản phẩm, dịch vụ cho cơ sở kinh doanh dịch vụ, du lịch, vận tải.

Theo thống kê, du lịch, dịch vụ lưu trú, ăn uống, vận tải… là những ngành bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất. Tuy nhiên, qua chia sẻ của nhiều doanh nghiệp cho thấy, khác với những lần trước, đợt dịch mới này không khiến doanh nghiệp bất ổn tâm lý mà họ nhận thức được rõ hơn bộ máy vận hành, phương pháp kinh doanh dịch vụ đang dần già nua, khiến cho những giải pháp tối ưu quy trình kinh doanh, điều hành, kế toán và quản lý trở nên cần thiết hơn bao giờ hết.

Vì vậy, nhiều công ty đã xây dựng tour ảo hay tour tương tác nhằm mô phỏng địa điểm du lịch thông qua các hình ảnh, video, yếu tố đa phương tiện khác như hiệu ứng âm thanh, âm nhạc hoặc các bản tường thuật, giới thiệu, văn bản. Điều này giúp kích thích du khách đăng ký tour nhiều hơn.

Bên cạnh đó, không ít doanh nghiệp lữ hành cũng nhanh chóng chuyển hướng để thích nghi trong điều kiện mới; lên kế hoạch chuẩn bị sản phẩm, chương trình tour tuyến, chờ đến khi tình hình dịch được kiểm soát.

H.A

Xem thêm: F2 đi bộ 130km trong 5 ngày từ Bắc Giang về Quảng Ninh trốn cách ly