Tập đoàn FPT: Đế chế nghìn tỷ của đại gia Trương Gia Bình
Con đường hình thành và phát triển, khẳng định vị thế số 1 của Tập đoàn FPT
Là một trong những tập đoàn hàng đầu về công nghệ tại Việt Nam, đang mạnh mẽ vươn lên tầm thế giới, đế chế FPT của ông Trương Gia Bình hiện nay đang phát triển vững mạnh với 3 lĩnh vực kinh doanh cốt lõi là Công nghệ - Viễn thông - Giáo dục, đạt doanh thu năm 2020 lên tới 29.830 tỷ VNĐ và giá trị vốn hóa 63.000+ tỷ VNĐ.
Gần 33 năm trước, khi đó, FPT - tiền thân là Công ty Công nghệ Thực phẩm, mới chỉ là một đơn vị mới được thành lập vào năm 1988, lò dò đặt ra những bước đi đầu tiên với 13 thành viên, sau khi Đại hội Đảng VI khởi xướng Chính sách Đổi Mới, cho phép những mô hình kinh tế mới hoạt động hiệu quả, đồng thời khuyến khích sự năng động, sáng tạo của một thế hệ mới - thế hệ Doanh nhân Việt Nam.
Đó là thời điểm mà 13 nhà khoa học trẻ tuổi, trong đó có ông Trương Gia Bình, cùng tin tưởng vào bàn tay và trí óc của mình, dám đương đầu với mọi thách thức, quyết làm nên nghiệp lớn với mong muốn “kiếm được nhiều tiền nuôi nhau để tiếp tục làm khoa học”.
Hành trình xây dựng và phát triển của FPT.
Tới năm 1990, hướng kinh doanh tin học của FPT được đặt nền móng bằng hợp đồng cung cấp máy tính cho Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô. Trong tháng 10, Công ty Công nghệ Thực phẩm đã đổi tên thành Công ty Phát triển và Đầu tư Công nghệ (tên viết tắt là FPT).
Kể từ đó, FPT đã góp phần tham gia vào các dự án tin học hóa hầu hết các bộ ngành trọng điểm của Việt Nam như ngành hàng không, ngành ngân hàng, tài chính công, viễn thông, điện lực…
Năm 1994, khi Mỹ bãi bỏ chính sách cấm vận, FPT đã đặt quyết tâm “phải làm ăn lớn, giao dịch trực tiếp với các hãng sản xuất lớn như IBM, Compaq, HP…, phải nhập khẩu số lượng lớn rồi phân phối lại cho các công ty tin học trong nước.”
Ở thời điểm này, FPT đã nhanh chóng trở thành một trong những nhà cung cấp lớn trên thị trường trong nước, sau khi tham gia vào hoạt động cung cấp máy tính ngay từ những ngày đầu thập niên 90 của thế kỷ XX.
IBM, Compaq, HP… một loạt những công ty Mỹ đầu tiên mở văn phòng đại diện tại Việt Nam, đã trở thành đối tác chính thức với FPT, mở ra lĩnh vực phân phối sản phẩm công nghệ chuyên nghiệp của tập đoàn này.
Năm 1997, khi Việt Nam kết nối hạ tầng với mạng Internet toàn cầu, FPT trở thành nhà cung cấp thiết bị, đồng thời cung cấp kết nối (ISP) duy nhất không thuộc Tổng công ty Bưu chính Viễn thông. Đây là bước tiền đề quan trọng giúp FPT là một trong ba nhà cung cấp dịch vụ viễn thông – internet hàng đầu Việt Nam với hạ tầng internet phủ rộng tới 59/63 tỉnh thành, góp phần to lớn đưa Việt nam thành một trong những nước có hạ tầng truy nhập internet tốt nhất thế giới.
FPT là một trong ba nhà cung cấp dịch vụ viễn thông – internet hàng đầu Việt Nam.
Năm 1999, tập đoàn bắt đầu định hướng lấy xuất khẩu phần mềm làm mũi nhọn và từng bước lọt vào danh sách 100 Nhà cung cấp Dịch vụ Ủy thác toàn cầu sau gần 20 năm, trở thành công ty xuất khẩu phần mềm số 1 Việt Nam cả về quy mô nhân lực, doanh số do IAOP đánh giá cùng với sự hiện diện tại 21 quốc gia trên toàn cầu.
Năm 2000, chứng nhận ISO 9001:1994 được trao cho FPT, công ty tin học đầu tiên của Đông Nam Á đạt được chứng nhận này.
Năm 2001, VnExpress - một trong những tờ báo điện tử đầu tiên của Việt Nam được ra đời vào ngày 26/02.
Tới năm 2004, chứng chỉ CMM 5 (Capability Maturity Model) - mức cao nhất đánh giá năng lực quy trình sản xuất trong một tổ chức phát triển phần mềm cũng được Viện Công nghệ phần mềm Mỹ (SEI) cấp cho công ty Việt Nam đầu tiên là FPT. Đây là giai đoạn đặt nền móng cho Hệ thống quản trị toàn diện của tập đoàn.
Năm 2006 chứng kiến bước ngoặt lớn của FPT khi cổ phiếu FPT chính thức niêm yết trên Trung tâm Giao dịch Chứng khoán TP HCM (nay là Sở giao dịch Chứng khoán TP HCM - HOSE) với 60.810.230 cổ phiếu mệnh giá 10.000 đồng/cổ phiếu.
Chỉ trong ngày đầu tiên chào sàn, cổ phiếu FPT lập tức được xếp vào nhóm bluechip, có giá lên tới 400.000 đồng/cổ phiếu và là một trong những công ty niêm yết có giá trị thị trường cao nhất cho đến hiện nay.
Cũng trong năm này, Đại học FPT ra đời và tới nay đã phát triển tất cả các khối gồm Phổ thông, Cao đẳng, Đại học, Sau đại học, Liên kết quốc tế, Phát triển sinh viên quốc tế.
Đại học FPT đào tạo hàng chục nghìn sinh viên, học viên đủ các khối.
Năm 2012 tới năm 2014, tập đoàn đầu tư mở rộng chuỗi bán lẻ FPT, đạt mục tiêu 150 cửa hàng, có mặt trên khắp cả nước. Sàn thương mại điện tử Sendo.vn cũng ra mắt với mô hình B2B2C (business-to-business-to-consumer) và mua lại 123mua.vn, đồng thời tiến hành thương vụ M&A đầu tiên trong lĩnh vực CNTT của Việt Nam tại thị trường nước ngoài khi tiến hành mua công ty RWE IT Slovakia, đơn vị thành viên của RWE, tập đoàn năng lượng hàng đầu châu Âu.
Đến năm 2017, tập đoàn khai phá mảng nền tảng trí tuệ nhân tạo toàn diện với FPT.AI giúp tự động hóa toàn diện mọi quy trình của doanh nghiệp, tối ưu hóa các quy trình hoạt động và gây dựng các giá trị kinh doanh mới.
Năm 2018, tập đoàn mua lại công ty tư vấn công nghệ hàng đầu của Mỹ Intellinet với 90% cổ phần. Từ đó góp phần nâng tầm vị thế toàn cầu, giúp FPT trở thành Tập đoàn đầu tiên ở Đông Nam Á trở thành đối tác chiến lược của Viện nghiên cứu trí tuệ nhân tạo hàng đầu thế giới - Mila.
Hiện nay, tập đoàn FPT đã lớn mạnh với vị trí nhà phân phối số 1 tại Việt Nam, có mạng lưới hoạt động trên khắp Việt Nam và cả toàn cầu, bao gồm 1.500 đại lý phân phối tại 63/63 tỉnh thành Việt Nam và hệ thống 48 văn phòng tại 26 quốc gia, vùng lãnh thổ bên ngoài Việt Nam.
FPT đang là đối tác công nghệ cấp cao của các hãng công nghệ hàng đầu như GE, Airbus, Siemens, Microsoft, Amazon Web Services, SAP…
Doanh nghiệp cũng là một đối tác quan trọng cung cấp dịch vụ/giải pháp cho hàng trăm tập đoàn lớn trong nhiều lĩnh vực, trong đó có trên 100 khách hàng thuộc danh sách Fortune Global 500.
Tập đoàn trở thành đối tác quan trọng của hàng loạt doanh nghiệp lớn cả trong và ngoài nước.
Cơ cấu tổ chức của tập đoàn FPT
Ban lãnh đạo
Tập đoàn FPT hiện nay được lãnh đạo bởi: Ông Trương Gia Bình - Chủ tịch Hội đồng quản trị và ông Nguyễn Văn Khoa - Tổng Giám đốc FPT.
Hội đồng quản trị gồm có: Ông Bùi Quang Ngọc - Phó Chủ tịch, các Ủy viên là ông Đỗ Cao Bảo, ông Lê Song Lai, các Ủy viên HĐQT độc lập là ông Jean-Charles Belliol, ông Tomokazu Hamaguchi, ông Dan E Khoo.
Ban điều hành gồm có: Ông Hoàng Việt Anh - Phó Tổng Giám đốc FPT kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Viễn thông FPT và kiêm Chủ tịch Công ty TNHH FPT Digital; ông Nguyễn Thế Phương Phó Tổng Giám đốc kiêm CFO của tập đoàn FPT, đồng thời là Chủ tịch Công ty TNHH FPT Smart Cloud.
8 công ty thành viên thuộc các khối Viễn thông - Công nghệ - Giáo dục & Khác:
Công ty TNHH Phần mềm FPT (FPT Software)
Công ty TNHH Hệ thống Thông tin FPT (FPT Information System)
Công ty Cổ phần Viễn thông FPT (FPT Telecom)
Công ty Cổ phần Dịch vụ Trực tuyến FPT (FPT Online)
Công ty TNHH Giáo dục FPT (FPT Education)
Công ty Đầu tư FPT (FPT Investment)
Công ty TNHH FPT Smart Cloud (FPT Smart Cloud)
Công ty TNHH FPT DIGITAL
5 công ty liên kết:
Công ty Cổ phần Chứng khoán FPT (FPT Securities)
Công ty Cổ phần Quản lý quỹ Đầu tư FPT (FPT Capital)
Công ty Cổ phần Synnex FPT (Synnex FPT)
Công ty Cổ phần Bán lẻ Kỹ thuật số FPT (FPT Retail)
Công ty Cổ phần Công nghệ HOMA
FPT đạt giải đơn vị xuất sắc nhất năm 2020.
Giải thưởng tiêu biểu trong những năm gần đây của FPT
Top 10 thương hiệu giá trị nhất Việt Nam 2018
Top 40 Thương hiệu Công ty giá trị nhất Việt Nam 2018
Top 50 Công ty niêm yết tốt nhất Việt Nam 2018
Top 130 công ty có môi trường làm việc tốt nhất châu Á 2018
Top 300 công ty châu Á có hoạt động kinh doanh tốt nhất do Nikkei Asian Review đánh giá 2019
TOP 100 công ty đại chúng lớn nhất 2019
Top 10 Doanh nghiệp Công nghệ uy tín năm 2019
Top 50 thương hiệu dẫn đầu tại Việt Nam 2019
Top 50 Công ty niêm yết tốt nhất Việt Nam 2019
Top 3 doanh nghiệp niêm yết của Việt Nam được đánh giá cao về quản trị công ty năm 2020
akaBot, akaChain, Cloud MSP những sản phẩm đầu tiên của Việt Nam được đưa vào danh sách Gartner Pear Insights
akaBot, akaMES, akaChain đạt giải Vàng và Bạc tại giải thưởng Stevie Awards 2020 khu vực châu Á Thái Bình Dương
Xem thêm: HOSE và FPT bắt đầu xây dựng hệ thống giao dịch tạm để giải quyết tình trạng nghẽn lệnh
Phương Thúy