Thị trường bất động sản sẽ ấm lên sớm hơn dự kiến?
Thị trường bất động sản sớm đảo chiều?
Chia sẻ tại hội thảo “Toàn cảnh thị trường bất động sản Quý I/2023 và Diễn biến thị trường bất động sản Quý II/2023”, ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS) cho rằng, thị trường bất động sản sẽ có sự thay đổi nhờ việc các chính sách mới được ban hành.
Theo đó, các dự án đáp ứng nhu cầu của thị trường như dự án về cơ sở hạ tầng, dự án nhà ở xã hội, nhà ở bình dân; dự án hỗ trợ, khơi thông dòng vốn cho thị trường bất động sản, nhất là các dự án đang xây dở; cải thiện dòng tiền cho người vay mua nhà ở xã hội, nhà ở bình dân.
Đặc biệt, ông Đính kỳ vọng, thời gian tới khi Luật Đất đai sửa đổi 2023 được thông qua sẽ giúp tháo gỡ các nút thắt pháp lý trong việc phê duyệt dự án nhà ở mới, giúp nguồn cung nhà ở dần phục hồi.
Cũng theo Chủ tịch VARS, thời gian tới sẽ có sự cải thiện về nguồn cung bất động sản so với quý đầu tiên của năm, nhưng số lượng không đáng kể, Trong đó, BĐS nhà ở dự kiến sẽ có hơn 27.000 sản phẩm mới ra mắt. BĐS du lịch nghỉ dưỡng sẽ giảm do các chủ đầu tư lao đao vì thiếu vốn và nguồn cung của phân khúc này sẽ được cải thiện nếu các vấn đề pháp lý đối với BĐS du lịch sớm được tháo gỡ, thông qua. BĐS công nghiệp vẫn tiếp tục mở rộng nhờ có nhiều dự án tiềm năng về điện tử và năng lượng.
Đối với giá bán, ông Đính cho rằng, trong thời gian tới, giá bán BĐS vẫn tiếp tục đi ngang và sẽ tăng nhẹ nếu lạm phát giảm, lãi suất giảm và nguồn cung mới được bổ sung. Đối với phân khúc nhà ở chung cư bình dân và trung cấp, giá sẽ tăng nhẹ nếu nguồn cung mới vẫn khan hiếm như hiện nay. Giá cho thuê BĐS văn phòng, bán lẻ sẽ không có sự thay đổi nhiều.
Chủ tịch VARS bày tỏ, sắp tới lực cầu về cầu nhà ở tiếp tục tăng do kinh tế tăng trưởng ổn định, đô thị hoá diễn ra mạnh mẽ. Trong ngắn hạn, lực cầu này có thể giảm bởi lãi suất tăng cao, giá nhà cao và thu nhập giảm.
Nhận định về những chính sách vực dậy thị trường bất động sản thời gian qua, ông Nguyễn Quốc Anh, Phó Tổng Giám đốc Batdongsan.com.vn cho rằng, các chính sách của Chính phủ dự kiến cần thời gian để thị trường thẩm thấu. Theo đó, tâm lý nhà đầu tư đã dần tích cực và góp phần để đà phục hồi diễn ra nhanh hơn trong thời gian tới.
"Diễn biến tích cực từ chính sách điều hành kinh tế, tài chính tiền tệ của Chính phủ đang tạo ra tâm lý tích cực hơn cho thị trường, góp phần định hướng nhu cầu bất động sản trở về với giá trị thực. Thị trường bất động sản sẽ đảo chiều vào năm 2024 trong điều kiện các chính sách điều hành vĩ mô tiếp tục tích cực như hiện nay", ông Quốc Anh dự báo.
Đối với thị trường nhà ở, phục hồi hay không phụ thuộc rất nhiều mốc liên quan đến việc phê duyệt các dự thảo luật và các nghị định, văn bản hướng dẫn thực hiện. Từ nay đến cuối năm sẽ có các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho nguồn cung nhưng cần cải thiện mạnh mẽ hơn, đặc biệt là nguồn cung liên quan đến nhà ở vừa túi tiền.
Trong khi đó, bà Đỗ Thu Hằng, Giám đốc cấp cao Bộ phận tư vấn tại Savills Hà Nội đánh giá: "Mặc dù có những thông tin liên quan đến việc phát triển nhà ở xã hội nhưng chính sách nào cũng có độ trễ nhất định. Do đó, kỳ vọng từ cuối năm 2023 cũng như sang sang năm 2024 và các năm sau đó, thị trường bất động sản có thể có sự phục hồi và phát triển theo nhịp bình thường đối với phân khúc nhà ở".
Thúc đẩy thị trường bất động sản hồi phục
Chính phủ liên tiếp có những chỉ đạo nóng nhằm thúc đẩy thị trường bất động sản hồi phục. Ngay từ đầu năm 2023, liên tiếp nhiều công điện được Thủ tướng Chính phủ ký và ban hành.
Ngày 5/3, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 08/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung và ngưng hiệu lực thi hành một số điều tại các Nghị định quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế.
Ngày 11/3, Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị quyết số 33/NQ-CP về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn để thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững. Trong đó có gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ. Bên cạnh đó, ngày 27/3, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Công văn số 178/TTg-CN về việc thúc đẩy và tháo gỡ thị trường bất động sản.
Tiếp theo, ngày 3/4, Nghị định 10/2023/NĐ-CP của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đất đai chính thức được ban hành. Ngày 23/4, NHNN đã ban hành Thông tư 02/2023 về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn. Đồng thời, NHNN đã ban hành Thông tư 03/2023 quy định ngưng hiệu lực thi hành khoản 11 điều 4 Thông tư số 16/2021/TT-NHNN ngày 10/11/2021 của Thống đốc NHNN quy định việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài mua, bán trái phiếu doanh nghiệp kể từ ngày 24/4.
Mới đây nhất, ngày 27/5, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã ký ban hành Công điện 469/CĐ-TTg về tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững.
Trước đó, từ giữa năm 2022, thị trường bất động sản (BĐS) gặp nhiều khó khăn và rơi vào trầm lắng. Theo đó, nhằm tháo gỡ, thúc đẩy thị trường từ cuối năm 2022, Chính phủ liên tục có những chỉ đạo “nóng”.
Cuối năm 2022 Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập Tổ công tác về rà soát, đôn đốc, hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện dự án bất động sản cho các địa phương, doanh nghiệp và liên tiếp ký 3 Công điện để chỉ đạo xử lý các vấn đề cấp bách của nền kinh tế và thị trường bất động sản.