Thủ tục hành chính là rào cản lớn nhất với doanh nghiệp FDI tại Việt Nam
Chia sẻ tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) thường niên năm 2024 tổ chức sáng 19/3, đại diện các Hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài đầu tư tại Việt Nam đã bày tỏ những ý kiến, kiến nghị xung quanh các vướng mắc về thủ tục hành chính trong quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Ông Muto Shiro, Phó Chủ tịch kiêm Trưởng ban pháp chế Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản (JCCI) cho hay, mặc dù Hội đồng cố vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng đã xác định các vấn đề và thực hiện nhiều cải cách khác nhau như đơn giản hóa luật và các quy định, số hóa thủ tục hành chính, nhưng JCCI vẫn mong muốn được thấy nhiều nỗ lực hơn nữa để tiếp tục cải cách thủ tục hành chính.
Đại diện JCCI chia sẻ cũng chậm trễ trong việc cấp giấy phép kinh doanh/nhiều giấy phép hành chính khác. Chẳng hạn, trong các lĩnh vực kỹ thuật số như chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo, mặc dù tiến độ phát triển các sản phẩm và dịch vụ đổi mới sáng tạo là đáng chú ý, nhưng một số doanh nghiệp hội viên vẫn lo ngại sẽ bỏ lỡ cơ hội kinh doanh tại Việt Nam do việc chậm cấp giấy phép kinh doanh cho chuyển đổi số như Thương mại điện tử.
"Theo khảo sát của JETRO năm 2023, các thủ tục hành chính phức tạp như cấp giấy phép được coi là rủi ro lớn nhất tại môi trường đầu tư của Việt Nam đối với các công ty Nhật Bản”, "Chúng tôi tin rằng việc cấp giấy phép kinh doanh nhanh chóng sẽ giúp tạo dựng hoạt động kinh doanh bằng cách sử dụng những công nghệ tiên tiến này," ông Muto Shiro khẳng định.
Ngoài ra, trong phát triển cơ sở hạ tầng quy mô lớn, như các dự án xây dựng nhà máy điện, phát triển đô thị, có những trường hợp phải mất hơn 10 năm mới hoàn thành thủ tục do chậm trễ trong việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất và cấp các giấy phép liên quan, dẫn đến chậm trễ trong dự án cơ sở hạ tầng.
Nêu quan điểm, JCCI nhấn mạnh, việc hoàn thành các dự án phát triển cơ sở hạ tầng có thể được đẩy nhanh bằng cách đẩy nhanh quá trình kiểm tra và cấp giấy phép cần thiết.
Cũng theo chia sẻ của JCCI, trong nhiều trường hợp, cơ quan có thẩm quyền yêu cầu nhà đầu tư nước ngoài phải đáp ứng các điều kiện chặt chẽ hơn và nộp thêm hồ sơ ngoài quy định của pháp luật khi đăng ký hoạt động với cơ quan liên quan hoặc xin giấy phép kinh doanh, dẫn đến thủ tục hành chính bị chậm trễ.
Ví dụ, theo như đánh giá trước đây của Sáng kiến Chung Việt Nam – Nhật Bản, có nhiều yêu cầu bất hợp lý về cấp phép mua lại, đăng ký đầu tư, kinh doanh của Sở Kế hoạch và Đầu tư, và Phòng Đăng ký Kinh doanh cũng như các điều kiện, yêu cầu hồ sơ không theo quy định pháp luật về việc cấp các loại giấy phép kinh doanh khác nhau của Bộ Công Thương và Sở Công Thương.
Bên cạnh đó, tình trạng chậm trễ trong thủ tục hoàn thuế Giá trị gia tăng do cơ quan thuế áp đặt các điều kiện khắt khe hơn cũng gây khó khăn tài chính cho các công ty do dòng tiền eo hẹp.
"Chúng tôi mong muốn các thủ tục hành chính được thực hiện suôn sẻ, kịp thời, không đặt ra các điều kiện hoặc yêu cầu nộp hồ sơ ngoài quy định của pháp luật", đại diện JCCI kiến nghị.
Hoạt động kinh doanh đa dạng trong lĩnh vực kinh tế, Hiệp hội thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam (Amcham) chia sẻ yếu tố quan trọng nhất tạo nên môi trường đầu tư thuận lợi là môi trường pháp lý công bằng, minh bạch, dễ dự đoán và tinh giản, coi trọng sự đổi mới để không chỉ thu hút đầu tư mới mà còn để duy trì và phát triển các dự án đầu tư hiện tại.
Ông Joseph Uddo, Chủ tịch Amcham nhấn mạnh: “Cũng như nhiều doanh nghiệp có mặt ở đây hôm nay, các thành viên Amcham phải đối mặt với sự chậm trễ trong thủ tục phê duyệt và các gánh nặng hành chính tốn thời gian. Điều này gây cản trở hoặc đình trệ các dự án của họ và ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh của Việt Nam.
Vì vậy, cần có sự phê duyệt kịp thời đối với giấy phép về quy hoạch và các giấy phép liên quan, giấy phép kinh doanh, đầu tư, phát triển bất động sản, thị thực cho người lao động nước ngoài, đặc biệt là các chuyên gia, cũng như việc sử dụng Chính phủ điện tử và phê duyệt điện tử cần sự đáng tin cậy và nhất quán.
Ngoài ra, mặc dù Chính phủ thúc đẩy số hóa nhưng nhiều thủ tục hành chính như báo cáo, đăng ký, thông báo vẫn phải nộp bằng giấy hoặc thậm chí bằng cả hình thức giấy và điện tử.”
Bên cạnh đó, đại diện Amcham còn nhận định chuỗi cung ứng cũng cần phải tương thích với chính sách thuế toàn cầu. Từ đó ông đề xuất Việt Nam nên áp dụng các chuẩn mực toàn cầu về kế toán, kiểm toán, về chuyển giá và áp dụng các thỏa thuận trước về phương pháp xác định giá tính thuế đã được Quốc hội thông qua.
"Việc giảm bớt sự phức tạp trong kinh doanh cũng sẽ mang lại lợi ích cho các doanh nghiệp Việt Nam - đa phần là các doanh nghiệp vừa và nhỏ - sẽ thúc đẩy tinh thần kinh doanh, nâng cao khả năng cạnh tranh quốc tế của Việt Nam," Ông Joseph Uddo, Chủ tịch Hiệp hội thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam (Amcham) nhấn mạnh.
Cần lược bớt thủ tục phê duyệt giao dịch M&A
Liên quan đến giao dịch mua bán, sáp nhập, ông Hong Sun, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (Kocham) cho biết, trường hợp tỷ lệ vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài tăng về mặt pháp lý hoặc vì lý do an ninh quốc gia, Sở Kế hoạch và Đầu tư cấp tỉnh sẽ yêu cầu phê duyệt giao dịch M&A.
Tuy nhiên, trong trường hợp mua bán và sáp nhập giữa các nhà đầu tư Hàn Quốc, dù tỷ lệ vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài không tăng, Sở Kế hoạch và Đầu tư cũng vẫn yêu cầu phê duyệt giao dịch M&A.
Bên cạnh đó, ngay cả trong trường hợp sáp nhập hai công ty tại Việt Nam là những công ty con của cùng một tập đoàn của Hàn Quốc, phòng quản lý doanh nghiệp của Sở Kế hoạch và Đầu tư cấp tỉnh phụ trách sửa đổi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp vẫn yêu cầu doanh nghiệp phải xin phê duyệt giao dịch M&A từ phòng quản lý đầu tư thuộc cùng Sở Kế hoạch và Đầu tư.
Theo đó, phòng quản lý đầu tư tiếp nhận hồ sơ đăng ký phê duyệt giao dịch M&A lại cho rằng không cần phê duyệt M&A do không có lý do phê duyệt như do tăng tỷ lệ vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài. Ngay cả giữa các đơn vị của cùng một Sở Kế hoạch và Đầu tư cấp tỉnh cũng không thống nhất được ý kiến khiến các nhà đầu tư nước ngoài đang phải tốn thời gian và công sức không cần thiết.