Thủ tướng yêu cầu cơ cấu lại các phân khúc bất động sản

Đông Bắc 08:25 | 04/08/2023 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Thủ tướng Chính phủ lưu ý, cần cơ cấu lại các phân khúc bất động sản cho phù hợp, lưu ý quan tâm phân khúc nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, nhà cho người thu nhập trung bình. Đẩy mạnh nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo chung cư cũ với tinh thần thực chất, hiệu quả, không hình thức.

 

Quan điểm này được Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu khi kết luận hội nghị trực tuyến đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết số 33 và đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, chiều 3/8.

Thị trường bất động sản, nhất là một số dự án lớn sau thời gian đóng băng, gần đây đã "nhúc nhích" khởi động sau sự vào cuộc gỡ khó của Chính phủ, bộ ngành và địa phương. Tuy vậy, thị trường này vẫn chưa thực sự "tan băng".

Tại hội nghị lần thứ hai trong nửa năm qua về các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho bất động sản, chiều 3/8, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh thông điệp chung tay tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để thị trường bất động sản phát triển ổn định, an toàn, lành mạnh, hiệu quả, bền vững. Do đó, cần tiếp tục kiên trì, kiên định giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.

Tiếp tục rà soát khung khổ pháp lý xem vướng mắc ở đâu, tại văn bản nào, nội dung gì, ai giải quyết, giải quyết trong bao lâu. Trong đó, cần thúc đẩy nhanh sự ra đời của các sàn giao dịch bất động sản để phát huy khả năng tự điều chỉnh của thị trường, hạn chế việc can thiệp hành chính.

Thủ tướng một lần nữa lưu ý các địa phương, các khu đất đẹp, thuận lợi về giao thông cần ưu tiên dành cho sản xuất kinh doanh, từ đó mới tạo công ăn việc làm, thu hút người đến làm, có người đến làm thì mới có người đến ở, người mua nhà ở, từ đó mới phát triển được bất động sản, đô thị…

Người đứng đầu Chính phủ lưu ý, cần cơ cấu lại các phân khúc bất động sản cho phù hợp, lưu ý quan tâm phân khúc nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, nhà cho người thu nhập trung bình. Đẩy mạnh nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo chung cư cũ với tinh thần thực chất, hiệu quả, không hình thức.

 

 Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị. Ảnh: VGP/Nhật Bắc.

Về nhiệm vụ cụ thể trong thời gian tới, Thủ tướng giao Bộ Xây dựng tiếp tục thực hiện nhiệm vụ rà soát, đôn đốc, hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện dự án bất động sản cho các địa phương, doanh nghiệp tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương của Tổ công tác theo Quyết định số 1435/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Bộ Xây dựng phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện hồ sơ xây dựng Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Nhà ở (sửa đổi), Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất, khả thi của hệ thống pháp luật.

Phối hợp với các Bộ, ngành chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương doanh nghiệp triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án "Đầu tư xây dựng ít nhất 01 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030",...

Bên cạnh đó, Thủ tướng yêu cầu NHNN tiếp tục rà soát việc cho vay tín dụng đối với các doanh nghiệp bất động sản; có giải pháp phù hợp, hiệu quả để doanh nghiệp, dự án bất động sản và người mua nhà tiếp cận được nguồn vốn tín dụng thuận lợi hơn, vừa tạo thuận lợi, hỗ trợ doanh nghiệp, vừa kiểm soát được rủi ro, góp phần tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển thị trường bất động sản an toàn, lành mạnh, hiệu quả, bền vững, nhất là xem xét rất cụ thể để cho vay với các dự án sắp hoàn thành.

NHNN được giao chủ trì, phối hợp với Bộ Xây dựng, các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình tín dụng khoảng 120.000 tỷ đồng cho vay ưu đãi phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo xây dựng lại chung cư.

Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng yêu cầu các ngân hàng thương mại tiếp tục chia sẻ với doanh nghiệp, người dân, tạo điều kiện hạ lãi suất cho vay, đơn giản hoá các thủ tục hành chính cho vay; phát huy cơ sở dữ liệu dân cư trong quản lý, cho vay tín dụng. Doanh nghiệp phải hỗ trợ người mua nhà về thủ tục. Ngân hàng, doanh nghiệp và người mua nhà cần phát huy tinh thần "lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ".

Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư đôn đốc, hướng dẫn các địa phương thực hiện công tác quy hoạch và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thủ tục đầu tư, chấp thuận chủ trương đầu tư các dự án nhà ở, bất động sản, trong đó có nhà ở xã hội, nhà ở công nhân để tăng nguồn cung cho thị trường.

Bộ Tài chính có trách nhiệm rà soát, đánh giá kỹ lưỡng, triển khai các giải pháp phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp; nghiên cứu hình thành quỹ phát triển nhà ở xã hội cho công nhân; thúc đẩy tăng cường hợp tác công tư trong phát triển nhà ở xã hội,…

Bộ Tài nguyên và Môi trường được giao tiếp tục phối hợp với các cơ quan liên quan trong hoàn thiện dự án Luật Đất đai (sửa đổi); khẩn trương hoàn thiện và trình Chính phủ xem xét ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 44/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 về phương pháp định giá đất; xây dựng điều chỉnh khung giá đất, bảng giá đất; định giá đất cụ thể và hoạt động tư vấn xác định giá đất theo trình tự thủ tục rút gọn; đồng thời hướng dẫn các địa phương giải quyết các khó khăn, vướng mắc liên quan đến xác định giá đất,...

Đồng thời tập trung rà soát các tồn tại, hạn chế, vướng mắc của các Thông tư để khẩn trương sửa đổi, bổ sung theo thẩm quyền, nhất là Thông tư số 36/2014/TT-BTNMT ngày 30/6/2014 quy định chi tiết phương pháp định giá đất; xây dựng, điều chỉnh bảng giá đất; định giá đất cụ thể và tư vấn xác định giá đất để ban hành cùng với Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 44/2014/NĐ-CP.

Đối với các địa phương, Thủ tướng yêu cầu tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp Nghị quyết số 33/NQ-CP ngày 11/3/2023 về một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững. Chủ tịch UBND chủ động thành lập các Tổ công tác, tập trung rà soát tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện các dự án bất động sản trên địa bàn.

Đối với các doanh nghiệp, Thủ tướng đề nghị tiếp tục chủ động tổ chức rà soát, tái cấu trúc lại doanh nghiệp, danh mục đầu tư, cơ cấu sản phẩm đầu tư của doanh nghiệp nhằm đảm bảo phù hợp với năng lực tài chính, quy mô, khả năng quản trị của doanh nghiệp và phù hợp với nhu cầu thực của xã hội.

Đồng thời tập trung nguồn lực thỏa đáng cho các dự án sắp hoàn thành, các dự án lớn có tính khả thi cao để sớm đưa vào kinh doanh, khai thác thu hồi vốn, tạo dòng tiền cho doanh nghiệp và tăng nguồn cung cho thị trường,...